.

Cà phê âm nhạc - dấu ấn của cảm xúc

.

ĐNĐT - Không ồn ào, xô bồ, chỉ lắng đọng bằng giai điệu của âm nhạc, khách đến quán cà phê không đơn thuần chỉ để uống mà là để thưởng thức không gian, phong cách riêng biệt của từng quán. Bên cạnh các loại nhạc sàn, nhạc DJ náo nhiệt, sôi động được sử dụng khá phổ biến, nhiều bạn trẻ Đà Nẵng muốn tìm cho mình một không gian âm nhạc riêng, ở đó họ thực sự được thả mình vào âm nhạc.

Không có sân khấu hoành tráng nhưng tạo được sự gần gũi, ấm áp giữa người hát và người nghe

Thưởng thức âm nhạc tại phòng trà là một cách thư giãn thú vị (phòng trà Tiếng Dương Cầm).

Không gian thư giãn lý tưởng

Từ lâu, phòng trà ca nhạc Tiếng Dương Cầm (76 Hoàng Văn Thụ) được biết đến như một điểm hẹn của người yêu thích âm nhạc. Gần 20 năm, trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, Tiếng Dương Cầm vẫn có một chỗ đứng nhất định trong lòng những người yêu nhạc ở Đà Nẵng. Chọn cho mình con đường gắn với dòng nhạc trữ tình, lãng mạn, không ồn ào, không phô trương, nhẹ nhàng và sâu lắng, Tiếng Dương Cầm đã trở thành điểm đến thú vị cho các vị khách yêu thích dòng nhạc này. Khách đến đây không chỉ để thưởng thức trà hay cà phê mà còn được thả mình vào những nốt nhạc du dương, được nghe những ca khúc bất hủ của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Văn Phụng, hay đến để có những chiêm nghiệm sâu sắc qua những ca từ của nhạc Trịnh Công Sơn… Tất cả được thể hiện bởi những giọng ca nổi tiếng ở Đà Nẵng cùng những nghệ sĩ guitar, violin…

Là người yêu thích và đam mê âm nhạc, chị Nguyệt Hạnh, chủ quán tâm sự: “Tôi muốn tạo ra một không gian âm nhạc thật thoải mái, lý tưởng để khách đến với quán không chỉ là thưởng thức âm nhạc mà còn là nơi thư giãn lý tưởng sau một ngày làm việc vất vả.”

Cùng với Tiếng Dương Cầm, có thể kể đến một số phòng trà đang hoạt động khá hiệu quả tại Đà Nẵng như Không Gian Xưa (Điện Biên Phủ), Memory (Bạch Đằng), Dòng Thời Gian (Lê Đình Dương)..., tuy nhiên, những phòng trà ca nhạc như thế này khá kén khách.

Điểm đến để giao lưu

Bên cạnh những không gian yên tĩnh, nhẹ nhàng dành cho thính giả của dòng nhạc trữ tình, vẫn có những không gian thưởng thức âm nhạc dành riêng cho những bạn trẻ yêu thích nhạc trẻ như: Fantasia coffee (Huỳnh Tấn Phát), Katynat (Nguyễn Chí Thanh), New Muzik’s coffee (Tôn Đức Thắng), Phiêu coffee (Nguyễn Hoàng)…

Đa phần những quán cà phê này đều tạo được một không gian ấm cúng, gần gũi với những giai điệu tươi vui, trẻ trung nên đây là sự lựa chọn thích hợp cho các bạn trẻ yêu mến và muốn thể hiện niềm đam mê ca hát. Trong tiếng ghita nhẹ nhàng, các bản tình ca có khi được thể hiện bằng những ca sĩ do quán mời đến biểu diễn nhưng cũng có khi được thể hiện bằng chính những giọng hát của khách tới uống cà phê.

Không có sân khấu hoành tráng nhưng tạo được sự gần gũi, ấm áp giữa người hát và người nghe
Fantasia coffee không có sân khấu hoành tráng nhưng tạo được sự gần gũi, ấm áp giữa người hát và người nghe.

Tuy nhiên, để là điểm đến quen thuộc của khách hàng, với các quán cà phê âm nhạc như thế này, bên cạnh việc mời các nhóm nhạc, ca sĩ trẻ về biểu diễn giao lưu với khách hàng, các chủ quán còn phải tạo ra những sân chơi cho khách. Theo anh Lê Thanh Tùng, chủ quán New Muzik’s coffee, khách hàng cũng sành nghe lắm, nghe mãi một món thì họ cũng chán nên mình phải thay đổi liên tục. Tại New Muzik’s coffee, thường xuyên tổ chức các cuộc thi hát để khách hàng tham gia thể hiện giọng hát của mình, có như vậy khách hàng mới hào hứng và thường xuyên ghé quán.

Mặc dù mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng Fantasia coffee cũng khá quen thuộc của nhiều bạn trẻ các trường Ngoại ngữ, Kiến trúc. Anh Ngọc Đức, chủ quán cho biết, ngay từ những ngày còn là sinh viên, anh thường xuyên chơi nhạc trong các hoạt động phong trào của sinh viên nên hiểu được nhu cầu của nhiều bạn trẻ muốn có một không gian âm nhạc riêng để thể hiện cá tính của mình. Vì thế, ở Fantasia coffee, khách đến uống nước có thể đăng ký hát bất cứ lúc nào muốn dưới sự hỗ trợ của các nhạc công. Theo anh Đức, chính những nốt nhạc mộc mạc được cất lên ngẫu nhiên từ các vị khách đã đem lại điều thú vị cho quán bởi họ không hát bằng kỹ thuật mà hát bằng sự say mê, gửi gắm nhiều tâm sự, tình cảm của người hát, mang lại những cảm xúc khác nhau cho người nghe, đưa người nghe xích lại gần nhau hơn.

Là khách quen của quán, Phan Bích Huệ, sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng chia sẻ: “Em hay đến đây không chỉ để nghe nhạc mà để được hòa mình vào không khí trẻ trung của các bạn trẻ. Lúc đầu cũng chỉ đến nghe thôi nhưng giờ thỉnh thoảng cũng lên hát cho vui.”

Âm nhạc là sợi dây kết nối tâm hồn, người ta dễ tìm được sự đồng điệu, sẻ chia qua âm nhạc. Có lẽ, đây chính là những điều mà các chủ quán cà phê ca nhạc muốn mang đến cho khách để qua đó, mọi người trở nên gần gũi nhau hơn, tìm được những khoảng lặng sau những xô bồ, ồn ào trong cuộc sống thường ngày.

  Thu Hà

 

 

 

;
.
.
.
.
.