.

Nghệ nhân Hồ Bằng: Người có bàn tay vàng

.

Trong căn nhà số 261 Nguyễn Tất Thành, phường Thanh Bình, quận Hải Châu của nghệ nhân Hồ Bằng thỉnh thoảng vang lên những âm thanh khi trầm, khi bổng, khi réo rắt… Đó là những lúc ông thả hồn vào những cây sáo trúc, chắt lọc để làm ra một cây sáo hoàn chỉnh.

Hồ Bằng cho biết, để cây sáo có âm thanh tốt trước tiên phải chọn được nguyên liệu phù hợp.
Hồ Bằng cho biết, để cây sáo có âm thanh tốt trước tiên phải chọn được nguyên liệu phù hợp.

Việc làm ấy cũng là thú vui, là sự nghiệp mà nghệ nhân Hồ Bằng đã đeo đuổi cả cuộc đời.

Thành công từ đam mê

Khi 20 tuổi, Hồ Bằng đã đắm mình trong từng làn điệu vút lên từ ống sáo. Yêu thích thứ âm nhạc diệu kỳ đó, ông không ngừng học hỏi để rồi với bàn tay khéo léo, sáng tạo, ông đã làm ra những cây sáo, biến ước mơ thành hiện thực.

Ban đầu, Hồ Bằng chọn nguyên liệu làm sáo bằng cây Mung (nứa, tép), một loại cây có nhiều ở miền Trung. Sau này, nguồn cây Mung không còn nhiều, ông chuyển sang làm sáo gỗ. Ông chia sẻ, cả tuổi thanh niên luôn mơ ước có được một cây sáo gỗ nhưng không dễ gì có được. Vì vậy, ông đã tìm hiểu kỹ thuật làm sáo gỗ nhưng cũng mất vài ba năm để chứng minh cũng như thuyết phục người sử dụng rằng âm thanh của sáo gỗ cũng hay như các loại sáo trúc. Tuy nhiên, làm sáo gỗ vất vả và công phu hơn rất nhiều, bởi phải làm thủ công, từng đường tiện, tạo dáng phải chính xác, tinh xảo, các vết nối, tháo ráp phải hoàn hảo để người sử dụng vừa dễ dàng di chuyển, lại vừa có thể tăng âm được.

Cùng với sáo gỗ, có một điều thú vị là tuy chưa từng đi tới vùng cao, nơi ở của dân tộc Mông nhưng Hồ Bằng đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm sáo Mèo. Ông cho biết, cuối thập niên 70, đoàn nghệ thuật của Trung ương về Quảng Nam-Đà Nẵng biểu diễn có một nghệ sĩ thổi sáo Mèo thổi bài Hẹn hò của cố NSƯT Đinh Thìn. Ở miền Trung và miền Nam khi đó không ai có loại sáo này mà âm thanh lại hay quá nên ông bắt đầu tìm hiểu.

Thế rồi một lần có người bạn ở Nha Trang ra chơi khoe với ông cây sáo Mèo. Lúc đó, ông mới chính thức được cầm đến cây sáo này và thổi thử, đồng thời cũng tranh thủ tập làm theo. Sau mấy ngày tìm hiểu kỹ thuật cũng như cách tạo âm của sáo Mèo, 5 năm sau ông mới có được thứ âm thanh như mình mong muốn.

Thổi hồn vào trúc

Việc làm sáo vất vả, lại có nhiều thăng trầm trong quá trình tạo ra sản phẩm, không được đón nhận, thậm chí phải trả giá bằng cả sức khỏe như lần Hồ Bằng bị tai nạn đứt 3 ngón tay tưởng chừng phải tháo khớp, nên có thời kỳ ông đã bán phế liệu hết đồ nghề không làm nữa. Nhưng chính người bạn có cây sáo Mèo nhờ ông làm giúp mấy cây tiêu để mang đi Mỹ. Thế là ông làm lại và chỉ tập trung làm sáo trúc. Lặn lội lên Đà Lạt, rồi ra các tỉnh phía Bắc để tìm loại trúc ưng ý, tình cờ ông đến làng trúc Gia Bình (Ninh Bình). Thấy loại trúc này rất tốt, cho âm thanh hay nên ông chọn và lấy thương hiệu là trúc Bắc.

Không chỉ giỏi trong làm sáo, nghệ nhân Hồ Bằng chơi sáo cũng rất cừ. Hồi còn trẻ, mỗi lần cố NSƯT Đinh Thìn về biểu diễn ở Đà Nẵng, ông không chỉ đến để nghe tiếng sáo điêu luyện mà ông còn chờ đợi ở cánh gà để gặp bằng được, xin học hỏi kinh nghiệm. Có lẽ nhờ những buổi học truyền khẩu đó cộng với ham hiểu biết, tìm tòi qua sách vở của các thầy đi trước mà dù không qua trường lớp nào nhưng ông có cả một “tàng thư” về các loại sáo cũng như cách chơi, cách thẩm thấu tiếng sáo. Ông nhớ mãi lời dạy của cố NSƯT Đinh Thìn rằng, “người chơi sáo bộ hơi rất quan trọng, mà muốn được như thế thì môi phải tốt”.

Đúc rút từ kinh nghiệm đó, cuối năm 2011, ông mở lớp dạy sáo miễn phí tại nhà cho những người trẻ đam mê thổi sáo. Nhiều người ở xa không đến học được đã “thụ giáo” ông qua điện thoại. Như chị Phan Minh Phương ở Sa Đéc (Đồng Tháp) vì quá yêu thích thổi sáo nên đã tìm đến ông để mua sáo, đồng thời cũng nhờ ông hướng dẫn thêm trong quá trình tập.

Hơn 40 năm cần mẫn thổi hồn vào những cây sáo, Hồ Bằng đã làm ra hàng ngàn cây sáo. Nhưng điều làm ông hạnh phúc nhất là những cây sáo của ông đã được nhiều người dùng đón nhận, trong đó có NSƯT Trịnh Mạnh Hùng. “Được một nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc rất giỏi sử dụng sáo của mình đem đi biểu diễn khắp nơi, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, là một niềm hạnh phúc lớn của người làm sáo”, Hồ Bằng tâm sự.

Ở tuổi ngoài 60, Hồ Bằng vẫn không ngừng sáng tạo và miệt mài tạo âm thanh cho từng cây trúc. Với bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, ông mong muốn sớm trình làng cây sáo đôi của Việt Nam dựa trên nguyên liệu sáo trúc.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.