Rời sân khấu Nhà hát Trưng Vương sau đêm nhạc “Gác Trịnh” ngày 1-4 vừa qua, ca sĩ Đức Tuấn không giấu được sự xúc động. Anh nói rằng, nếu chương trình nào, ở vùng, miền nào khán giả cũng “thưởng thức nghệ thuật trong yên lặng” và bày tỏ cảm xúc bằng những tràng pháo tay giòn giã thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao của ca sĩ. Trên trang facebook của mình, anh cảm ơn khán giả Đà Nẵng và gọi đây là “những khán giả tuyệt vời”…
NSƯT Cẩm Vân bỏ mic để hòa giọng cùng khán giả.Ảnh: TÚ PHƯƠNG |
Suốt trong đêm nhạc “Gác Trịnh” do Canh Cung Media tổ chức nhân kỷ niệm 13 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những tràng pháo tay vang lên không ngớt. Khán phòng nhà hát không còn chỗ trống, các ghế nhựa được bổ sung dọc hai lối đi nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu khán giả. Giữa người hát và người nghe là sự đồng điệu khi lạc vào không gian của Trịnh để sống với những ký ức của người nhạc sĩ tài hoa - người tình của cuộc đời, của con người, của thiên nhiên. Từ đầu đến cuối chương trình như một câu chuyện xuyên suốt, đầy thanh âm về tình yêu, thân phận và cuộc sống. Trong trẻo, da diết và khắc khoải đến nao lòng.
NSƯT Cẩm Vân cũng chia sẻ rằng, chị đã có một đêm không ngủ bởi quá yêu khán giả Đà Nẵng. Niềm hạnh phúc của chị không chỉ vì đơn thuần được khán giả đón nhận, yêu thương mà còn vì cách thưởng thức nghệ thuật đầy lịch lãm, duyên dáng của người Đà thành. Thế là chị hát hết bài này đến bài khác, hát say sưa như rút ruột. Hoàn tất các ca khúc theo kịch bản rồi mà chị vẫn muốn hát tiếp, bởi những tràng pháo tay cứ níu chân chị. Cẩm Vân nói rằng không thể rời sân khấu khi khán giả vẫn vẹn nguyên trong khán phòng. Chị đã đặt mic xuống để hòa giọng cùng khán giả bài Ca dao mẹ: “Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa võng buồn/ Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh lạy trời mưa tuôn/ Lạy trời mưa tuôn cho đất sợi mềm hạt mầm vun lên/ Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình...”. Trong nhịp thở và trong ánh mắt của người NSƯT này, niềm xúc động trào dâng…
Một không gian âm nhạc đong đầy cảm xúc như vậy có lẽ là điều hiếm hoi ở Đà Nẵng. Người ta thường nói với nhau rằng, không dễ gì lấy được tiếng vỗ tay của khán giả thành phố biển này. Không hẳn vì người Đà Nẵng khó tính, mà vì khán giả cần có những chương trình nghệ thuật bài bản, nghiêm túc, để họ cảm nhận họ được cả nhà tổ chức lẫn nghệ sĩ trân trọng; và cũng để những người cần níu vào âm nhạc sẽ cân bằng được chính mình giữa cuộc sống vốn có quá nhiều tất bật, lo toan, đôi khi cũng có những đảo lộn giữa giá trị thật và giá trị ảo.
Khán giả ra về trong sự hài lòng. 23 giờ, họ vẫn vây quanh ca sĩ Đức Tuấn để được ký tặng đĩa. Ngày hôm sau, bên ly cà-phê, họ nói với nhau về đêm nhạc và có cả một chút tự hào về chính mình, rằng người Đà Nẵng là thế, đã yêu thì yêu hết mình, chân thành, giản đơn…
Còn Đức Tuấn, trở về thành phố Hồ Chí Minh nhưng anh vẫn chất chứa cảm xúc được cháy hết mình trên sân khấu Nhà hát Trưng Vương với Hạ trắng, Ru em từng ngón xuân nồng, Còn tuổi nào cho em, Cỏ xót xa đưa, Tiến thoái lưỡng nan và cả chùm ca khúc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho thiếu nhi. “Mới phát hiện ra thêm một “Gác Trịnh” khác ở Đà Nẵng. 13 năm rồi vẫn nguyên vẹn những yêu thương”, Đức Tuấn viết trên trang fanpage.
TÚ PHƯƠNG