ĐNĐT - "Sau 15 năm thành phố trực thuộc Trung ương, kinh tế - xã hội Đà Nẵng đạt được những thành tựu đáng kể, đã đến lúc phải đầu tư xứng tầm cho văn hóa. Tuy nhiên, chúng ta không nên nóng vội, cấp bách chỉ để đáp ứng ở hiện tại mà không phù hợp trong tương lai". Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí sau khi đi kiểm tra thực tế tại các công trình văn hóa trọng điểm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ngày 11-4.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí kiểm tra thực tế tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm |
Nhiều công trình văn hóa xuống cấp
Báo cáo với Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, ông Hà Xuân Đào, Giám đốc Thư viện Khoa học- Tổng hợp (KH-TH) Đà Nẵng cho biết, do tiếp quản từ sau giải phóng, được bố trí tạm để làm thư viện nên không đúng công năng và hoạt động của thư viện. Thư viện từ lâu đã bộc lộ những hạn chế, như: các ngôi nhà phân tán, manh mún, chủ yếu là nhà cấp 4, thời gian sử dụng đã lâu nên xuống cấp; không gian quá chật hẹp, không đủ diện tích để khai thác các kho, phòng phục vụ bạn đọc, tổ chức hoạt động lưu trữ, bảo quản sách, báo, tư liệu. Thư viện KH-TH hiện trong tình trạng quá tải về kho sách, thiếu chỗ phục vụ bạn đọc và triển khai các hoạt động chuyên môn, liên kết hoạt động. Trong khi đó, mỗi năm lượng sách, báo bổ sung từ 9 đến 10 nghìn bản, phải cần 10 giá sách chứa tài liệu, tương đương với 40m2. Hiện tại, Thư viện phải mượn tạm một số phòng ở Cung thể thao Tiên Sơn để lưu giữ tư liệu.
Tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, quyền Giám đốc nhà hát cho biết, công trình Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được đưa vào hoạt động năm 2001, qua 14 năm, đến nay nhiều hạng mục đã xuống cấp, như: mái lợp bị thấm, dột không thể khắc phục; hệ thống điều hòa gây tiếng ồn lớn, hao tốn điện năng; hệ thống trang trí nội thất bằng chất liệu thạch cao, vải và gỗ ép đã xuống cấp, ẩm mốc… Trong khi đó, mỗi năm nhà hát biểu diễn phục vụ cho gần 70 đoàn khách du lịch quốc tế. Qua thực tế hoạt động của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho thấy nhu cầu cần thiết phải đầu tư nâng cấp, mở rộng số ghế lên 310 ghế so với 210 ghế như hiện nay, nhằm đáp ứng tốt hơn cho người xem, nhất là du khách nước ngoài.
Tương tự như Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, theo ghi nhận của chúng tôi, cơ sở vật chất cũng đã xuống cấp như: gạch nền bị bong tróc, nhiều nơi bị thấm. Nhiều mặt hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động chung của bảo tàng, như: chưa có không gian lưu trữ và trưng bày hiện vật quý hiếm (hiện bảo tàng có 3 bảo vật quốc gia); các phòng trưng bày dày đặt, tuyến tham quan chưa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập và quảng bá cho nghệ thuật điêu khắc và văn hóa Chăm… Theo kiến nghị của Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Võ Văn Thắng, việc nâng cấp, mở rộng không gian bảo tàng là rất cần thiết.
Đối với Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng, ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT& DL cho biết, hiện Sở đã thành lập Tổ Mỹ thuật để xúc tiến công tác xây dựng Đề án thành lập Bảo tàng Mỹ thuật và báo cáo với lãnh đạo thành phố trong tháng 4- 2014. Trong thời gian kế tiếp, sẽ cải tạo cơ sở nhà 3 tầng tại số 78 Lê Duẩn làm cơ sở vật chất trưng bày cho bảo tàng. Phương án thiết kế bao gồm cải tạo nâng cấp nhà 3 tầng hiện có và đầu tư xây dựng mới dãy nhà ngang hiện trạng lên 3 tầng để bố trí cho bộ phận hành chính, trưng bày các chuyên đề.
Sau khi kiểm tra thực tế các công trình văn hóa trọng điểm, lãnh đạo Sở VH-TT&DL thành phố đã trình bày các phương án cải tạo, nâng cấp và sửa chữa. Theo đó, đối với công trình Thư viện KH-TH, sẽ xây dựng khối nhà đọc sách và các phòng chức năng khác hai tầng với tổng diện tích sàn sử dụng là 1.858m2 (trong đó, tận dụng lại một khối nhà hai tầng hiện trạng). Ngoài ra, sẽ xây dựng khối nhà hành chính 2 tầng và cải tạo khối nhà CLB tiếng Pháp. Đầu tư bãi đỗ xe với diện tích 500m2 và quy hoạch lại cảnh quan sân vườn với không gian thoáng đãng hơn. Tổng mức đầu tư dự kiến là 20 tỷ đồng.
Đối với Bảo tàng Điêu khắc Chăm, theo phương án thiết kế dự kiến, gồm: mở rộng, nâng tầng khối nhà 2 tầng phía sau được xây dựng năm 2002 lên 4 tầng để đáp ứng nhu cầu trưng bày và các hoạt động phụ trợ khác, như: hội nghị, biểu diễn múa Chăm và tra cứu thông tin về văn hóa Chăm; đánh giá và cải tạo các không gian còn lại để chống xuống cấp công trình, cải tạo cảnh quan sân vườn… Tổng mức đầu tư dự kiến là 55 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở VH-TT&DL cũng đã trình bày phương án cải tạo, nâng cấp đối với công trình Nhà hát tuồng Nguyễn Hiễn Dĩnh và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng với tổng kinh phí dự kiến là 15 tỷ đồng.
Đầu tư xứng tầm nhưng không nóng vội
Sau khi kiểm tra thực tế và nghe Sở VH-TT&DL báo cáo các phương án đầu tư nâng cấp các công trình văn hóa trọng điểm; nghe ý kiến của các sở, ngành, Phó Bí thư Thường trực Võ Công Trí khẳng định: Sau 15 năm từ ngày thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, kinh tế - xã hội Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu đáng kể, đã đến lúc phải đầu tư xứng tầm cho văn hóa, tạo cân bằng cho sự phát triển chung của thành phố. Trước mắt, cần phải khẩn trương cải tạo, sửa chữa và nâng cấp các thiết chế văn hóa cho phù hợp với nhu cầu sử dụng, đáp ứng tốt công năng; đồng thời phù hợp với khả năng đầu tư của thành phố trong giai đoạn hiện nay. Trong quá trình triển khai thực hiện, không nên vội vàng, cấp bách… chỉ để đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không còn phù hợp trong tương lai.
Phó Bí thư Thường trực cho rằng, trong 4 công trình văn hóa trọng điểm thì phải xem Thư viện KH-TH là công trình trọng tâm để ưu tiên đầu tư cải tạo. Phó Bí thư giao cho Sở VH-TT&DL chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất phương án tối ưu để trình lãnh đạo thành phố duyệt trong tháng 5-2014. Đến quý 3-2014, sẽ tiến hành nâng cấp, sửa chữa. Đối với Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Phó Bí thư Thường trực Võ Công Trí nhất trí với phương án giữ nguyên công năng nhà hát để phục vụ công chúng; đồng thời đề nghị khẩn trương cải tạo nâng số lượng ghế từ 210 ghế như hiện nay lên 310 ghế, nâng cấp một số trang thiết bị để đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ công chúng của nhà hát.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cũng đã giao cho Sở VH-TT&DL sớm trình Đề án thành lập bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, để từ đó có cơ sở đầu tư nâng cấp. Đối với Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Phó Bí thư cho rằng, việc đầu tư nâng cấp không khó, nhưng cái khó nhất là đến nay vẫn chưa đánh giá đúng hiện trạng của bảo tàng. Chính vì thế, trong thời gian đến, cần phải tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để đánh giá lại hiện trạng, từ đó đưa ra phương án thiết kế để cải tạo cho phù hợp. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí khẳng định: Bảo tàng Điêu khắc Chăm là niềm tự hào của người Việt Nam nói chung và người Đà Nẵng nói riêng, chính vì thế, việc đầu tư, sửa chữa và nâng cấp là việc nhất thiết phải làm nhưng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để nâng cao giá trị không gian trưng bày; đồng thời phải tính đến giá trị của bảo tàng cho hàng trăm năm sau.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí nhấn mạnh, việc đầu tư xứng tầm cho văn hóa là chủ trương thống nhất của thành phố, nhân dân thành phố rất quan tâm và đồng tình hưởng ứng. Chính vì thế, các ngành liên quan, nhất là Sở Tài chính, xem đây là các công trình quan trọng để ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho ngành văn hóa triển khai thực hiện đúng tiến độ.
Bài và ảnh: VĂN NỞ