.

Ý nghĩa Vesak

.

Có lẽ, ngày nổi tiếng nhất trong lịch sử Phật giáo là ngày Vesak (tam hợp) – ngày kỷ niệm 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật Thích ca mâu ni: Ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn. Điều kỳ diệu là cả 3 thời điểm thiêng liêng đó đều diễn ra trong một ngày: rằm tháng tư (âm lịch). Ở một số quốc gia, ngày này còn được gọi là Ngày Đức Phật.

Ngày Vesak (tam hợp) là ngày kỷ niệm 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật Thích ca mâu ni: Ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn.
Ngày Vesak (tam hợp) là ngày kỷ niệm 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật Thích ca mâu ni: Ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn.

Ngày 12 tháng 11 năm 1999, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận ngày trăng tròn tháng 5 (thường là vào tháng tư âm lịch) hằng năm là Đại lễ Vesak - ngày kỷ niệm đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn của Đức Phật và nhấn mạnh: “Lời dạy của Đức Phật, thông điệp về từ bi, hòa bình và thiện tâm của Ngài đã chuyển hóa hàng triệu người”. Trong ngày Đại lễ Vesak, phật tử - những “người con của Phật” -  từ mọi nơi tề tựu đến những ngôi chùa, họ sẽ tụng kinh, thiền định, ôn lại một cách thành tâm những lời dạy về lòng yêu thương, bao dung của đức Phật.

Thường những người con của Phật này sẽ dành một khoảng thời gian trong ngày để im lặng, thiền định, hay là sự trở về với chính họ trong đạo tâm để tạo ra sự hoan hỉ, lắng sâu, để họ cư xử trong sự tôn trọng và yêu thương nhau. Ở một số nước theo truyền thống Phật giáo Nam tông (Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanma, Ấn độ…), các phật tử sẽ mang thức ăn, nến và hoa cúng dường chư Phật và dâng lên các vị sư trong chùa. Đổi lại, các nhà sư tụng kinh, hướng dẫn thiền định và thuyết pháp.

Từ năm 1999 đến nay, các nước có truyền thống Phật giáo lâu đời tại châu Á đều long trọng tổ chức Đại lễ Vesak. Việt Nam có vinh dự này vào năm 2008 và 2014. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, phật tử chùa Phổ Đà cho biết, đây là một vinh dự lớn lao cho hàng triệu người yêu mến và theo đạo Phật trên thế giới, bởi duy nhất chỉ có đức Phật mới được Đại hội đồng LHQ tuyên dương và công bố Đại lễ Vesak hằng năm cho toàn thế giới tưởng niệm. Lễ hội Phật giáo là cơ hội để các phật tử gặp nhau, quy y Tam Bảo. Thông thường với một người theo Phật, phải giữ gìn 5 giới hạnh: 1. không sát sinh, giết hại; 2. không trộm cắp; 3. không tà dâm; 4. không nói dối và 5. không uống rượu.

Ngày Vesak có ý nghĩa đặc biệt đối với hàng triệu phật tử. Trong hàng vạn ngôi   chùa trên khắp thế giới, từ Tokyo ở phương Đông cho đến San Francisco ở bắc Mỹ, từ Việt Nam ở châu Á cho đến nước Đức của châu Âu… với màu da, ngôn ngữ khác nhau nhưng những người con Phật và những người yêu chuộng hòa bình đều bày tỏ lòng tôn kính đến một con Người, một vĩ nhân, một bậc hiền triết, một đạo sư, một vị thánh… người từ bỏ ngôi vua, từ bỏ thú vui trần thế vào rừng khổ hạnh, thiền định và vào một đêm rằm tháng tư đắc đạo, mở ra một con đường giúp cho nhân loại gần gũi, sống bình an hòa bình với nhau. Khát vọng đó luôn luôn là sứ mệnh vĩ đại của đức Phật. 

Đức Phật sinh vào năm 623 trước Công nguyên vào ngày Vesak trăng tròn và được đặt tên là Tất Đạt Đa - người hội tụ tất cả những điều tốt. Chuyện kể lại, khi hoàng tử hạ sinh, một nhà hiền triết tên là A Tư Đà đến thăm. Ôm đứa trẻ vào lòng, nhà hiền triết mỉm cười nhưng sau đó lại bật khóc. Khi được hỏi về hành vi kỳ lạ của mình, nhà hiền triết giải thích rằng, ông mỉm cười bởi đứa trẻ khi lớn lên sẽ trở thành nhà truyền đạo vĩ đại nhất thế giới và ông khóc bởi biết mình không thể sống đủ lâu để có thể chứng kiến điều này.

Tất Đạt Đa được thừa hưởng tất cả những điều tốt đẹp nhất trong một cung điện hoàng gia. Phụ vương và hoàng hậu bảo vệ hoàng tử tách khỏi thực tế khắc nghiệt của thế giới bên ngoài. Ông xuất sắc trong các hoạt động thực tế và thể hiện là người có một tái trí thông minh xuất chúng. Tuy nhiên, Tất Đạt Đa lại không hài lòng với những thú vui nhàn hạ đó. Một ngày, Tất Đạt Đa chứng kiến con ếch bị nuốt chửng bởi một con rắn, ngay sau đó, con đại bàng bổ nhào xuống và quắp con rắn gọn gàng trong miệng, và cách đó không xa có một người thợ săn đang giương cung chuẩn bị hạ con đại bàng… Tất Đạt Đa nhận ra rằng đời sống con người cũng như vậy, kẻ mạnh luôn áp đảo, tàn sát kẻ yếu và chỉ khi trận chiến cho sự sống còn này kết thúc thì con người mới tìm được hạnh phúc. Trong một dịp khác, Tất Đạt Đa được vi hành bên ngoài cung điện, Ngài được gặp một người đàn ông bị bệnh và một xác chết. Vị hoàng tử trẻ hiểu ra con người, dù được chăm sóc tốt đến đâu thì con người vẫn phải chịu sự tàn phá của tuổi tác, bệnh tật và cái chết. Trước những điều này, Hoàng tử Tất Đạt Đa từ bỏ những vui thú của cuộc sống cung đình để trở thành một nhà tu hành khổ hạnh nhưng luôn có sự bình an trong nội tâm và đi tìm hiểu nguyên nhân cho mọi đau khổ của con người.

Vào ngày Đại lễ Vesak, tất cả các Phật tử ​​sẽ tái khẳng định niềm tin vào Phật Pháp, sống một cuộc sống tôn giáo cao quý, hòa hợp với tín đồ các tôn giáo khác và tôn trọng niềm tin của người khác như Đức Phật đã dạy. Chị Phan Thị Tường Vy, phật tử chùa Bát Nhã khẳng định, điều quan trọng của Đại lễ Vesak là nhớ đến ngày thiêng liêng này để mỗi người sống tốt hơn, cho đi nhiều hơn, bao dung hơn, nỗ lực nhiều hơn để mang lại hạnh phúc cho những người bất hạnh chung quanh mình, chứ không phải là ngày hội để ăn uống no nê và tận hưởng. Vesak là ngày để thiền định, tìm về chánh đạo, tu tâm dưỡng tính với lòng trắc ẩn từ bi, bác ái đến chúng sanh.

Tuy nhiên, thực tế không thể phủ nhận là có một số nhóm phật tử có xu hướng đánh mất ý nghĩa thực sự của Đại lễ Phật đản qua việc lãng phí khoản tiền rất lớn cho việc trang trí, phô trương hình thức, tiệc tùng trong ngày Vesak. Theo Sư cô Thanh Phương, Trụ trì chùa Hòa Tiên thì số tiền này có thể được sử dụng tốt hơn nếu chỉ trang trí trang nhã, khiêm tốn cho ngôi chùa hoặc sử dụng để truyền bá chánh pháp và làm từ thiện để giảm bớt sự đau khổ của người khác. “Cách làm này vừa có thể giữ được độ lắng và chiều sâu vốn có của Phật pháp vừa có thể khuyến khích chúng sanh vào thăm chùa và tham gia các nghi lễ tôn giáo Đại lễ Phật đản, để hiểu thêm về Phật giáo, thực hành tổ chức từ thiện, thiền định để đào tạo tâm, tránh sự tàn ác. Có như vậy thì Đại lễ Vesak mới mang lại hòa bình và hạnh phúc cho mỗi người và mọi người”, Sư cô Thanh Phương chia sẻ.

Bài và ảnh: MAI CHI MAI

;
.
.
.
.
.