.

Rạp Lê Độ cũ kỹ, lạc hậu

.

Là đơn vị chiếu phim quốc doanh duy nhất còn lại của Đà Nẵng, nhưng từ năm 1975 đến nay, rạp Lê Độ được tu sửa lại một lần cách đây hơn… 20 năm. So với những kỹ thuật tối tân, hiện đại của thị trường phim ảnh hiện nay thì rạp Lê Độ quá lạc hậu.

Có địa thế đẹp, nếu được đầu tư thỏa đáng, rạp Lê Độ trở thành điểm văn hóa giải trí lý tưởng.  Ảnh: VĂN NỞ
Có địa thế đẹp, nếu được đầu tư thỏa đáng, rạp Lê Độ trở thành điểm văn hóa giải trí lý tưởng. Ảnh: VĂN NỞ

Xuống cấp

Về cơ sở vật chất, rạp Lê Độ đã xuống cấp theo thời gian. “So với các rạp quốc doanh của các địa phương khác, doanh thu và hiệu quả của rạp Lê Độ tương đối tốt hơn. Tuy nhiên, để theo kịp tốc độ phát triển của thị trường phim ảnh hiện nay, chúng tôi cần phải cải thiện về công tác quảng bá, đầu tư cơ sở vật chất, máy chiếu phim kỹ thuật số. Hơn 20 năm nay kể từ đợt tu sửa rạp lần đầu tiên vào năm 1993, chúng tôi không nhận được sự đầu tư nào khác của thành phố. Với nguồn kinh phí hạn hẹp, chúng tôi tự sửa chữa những hư hỏng nhỏ như lót lại sân nền, trang hoàng mặt tiền, treo panô quảng bá… Nhưng lực chỉ có chừng đó, nên không thể làm mới được bộ mặt của rạp”, ông Lê Quốc Khánh-Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đà Nẵng - cho hay.

Khó khăn lớn nhất của rạp Lê Độ hiện nay là các thiết bị quá lạc hậu. Rạp có 2 phòng chiếu, công suất phòng 1 có 400 chỗ và phòng 2 có 98 chỗ. Hai phòng này được trang bị máy chiếu phim nhựa 35 ly, sản xuất vào năm 1997 và 2001. Nhưng do nhu cầu thị trường phim hiện nay, máy chiếu phim nhựa 35 ly hầu như không sử dụng. Để đáp ứng yêu cầu phục vụ khán giả, Trung tâm phải thuê máy chiếu công nghệ HD. Ngoài ra, do rạp chỉ có 2 phòng chiếu nên không có nhiều phim cho khán giả lựa chọn, chưa thể đáp ứng nhu cầu thị hiếu của nhiều tầng lớp khán giả. Cũng theo ông Lê Quốc Khánh, do đã hơn 20 năm chưa được đầu tư, nâng cấp nên ghế xem phim vẫn dùng loại ghế đôi dài, không còn phù hợp với các rạp chiếu phim ngày nay. Thêm vào đó, hệ thống máy điều hòa cũ kỹ, không gian ẩm thấp...

Cần đầu tư nâng cấp

Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 4 rạp chiếu phim, trong đó có 3 rạp chiếu phim tư nhân: C. (82 Trần Phú), C.C (Vĩnh Trung Plaza), L.C (ở siêu thị Lotte) và duy nhất một rạp quốc doanh là rạp Lê Độ (46 Trần Phú).

Riêng hai rạp C.C và L.C được đầu tư hàng chục tỷ đồng với hệ thống phòng chiếu hiện đại, quầy bar, kho phim phong phú. Tuy nhiên, không phải ai cũng được bước chân đến các rạp này mà khán giả chủ yếu của rạp là tuổi teen và những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, bởi giá vé khá cao, ở C.C giá vé thấp nhất là 55.000 đồng và cao nhất lên đến 140.000 đồng, trong khi rạp Lê Độ có giá vé bình quân 40.000 đồng. Thế mới thấy cơ hội được đến rạp thưởng thức những bộ phim “bom tấn” của điện ảnh thế giới thật không dễ, nhất là đối với những người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên…

Ở một thành phố được xem là động lực của miền Trung, nhưng người dân các phường, xã vùng ven của quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang hay công nhân ở các khu công nghiệp của thành phố đến nay vẫn tập trung xem phim do đội chiếu bóng lưu động thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Đà Nẵng chiếu. Vì thế, sau khi có chủ trương đầu tư mạnh mẽ các thiết chế văn hóa cơ sở từ chính quyền thành phố, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần phải quan tâm hơn đến đời sống tinh thần của người dân, trong đó có nhu cầu giải trí ở lĩnh vực điện ảnh. Trước mắt, cần cải tạo, sửa chữa, nâng cấp rạp Lê Độ như công văn do Sở VH-TT&DL trình UBND thành phố mới đây. Cụ thể, cần đầu tư mua máy chiếu công nghệ HD, cải tạo trang trí mặt tiền, nâng cấp hệ thống máy điều hòa, cải tạo nội thất của rạp... Dự kiến đề xuất kinh phí cho hạng mục nâng cấp, cải tạo rạp Lê Độ (giai đoạn 2014-2015) là 4 tỷ đồng.

“Trong giai đoạn 2015-2018, chúng tôi đề xuất xây mới lại rạp Lê Độ với quy mô từ 3 - 5 tầng ngay tại địa điểm này. Ở đây có địa thế tốt nhưng diện tích quá nhỏ, nếu chỉ nâng cấp thì chưa đủ. Nếu được xây mới, rộng rãi hơn, chúng tôi sẽ kết hợp với dịch vụ kèm theo như bán hàng, bán đồ lưu niệm… Thực hiện được điều đó, chắc chắn sẽ mang lại bộ mặt mới cho rạp Lê Độ”, ông Lê Quốc Khánh nói. Ông Khánh cũng đề xuất thêm: “Về lâu dài (2019-2020), cần đầu tư xây dựng và phát triển các cụm rạp chiếu bóng tại các quận trên địa bàn thành phố để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và công nhân lao động, nhất là ở các địa bàn tập trung đông công nhân và sinh viên”.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.