.

Những gợi ý từ Côn Đảo

.

Chuyến tham quan cùng với Đảng ủy Đại học Đà Nẵng hồi đầu tháng 8 này là lần đầu trong đời tôi được ra Côn Đảo - nơi người Việt ngày nay vừa muốn lưu giữ quá khứ, vừa muốn vươn đến tương lai.

Hoang sơ Côn Đảo.
Hoang sơ Côn Đảo.

Cái quá khứ muốn lưu giữ ở đây trước hết là tinh thần kiên trung bất khuất của những con người sống có lý tưởng như: Tiểu La Nguyễn Thành, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh, Ngô Đức Kế, Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Lê Quang Sung, Võ Thị Sáu… và hàng vạn chiến sĩ cách mạng trong nhà-tù-địa-ngục-trần-gian của thực dân Pháp và của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975. Sống có lý tưởng nên những người tù yêu nước ở Côn Đảo luôn quan niệm: “Chốn lao tù là nơi ta rèn tâm trí - Đây cũng là chiến trường mà ta không cần vũ khí - Trái tim này là gang đập tan lũ người bán nước - Thân xác này là đồng ở trong có dòng máu đỏ - Máu có đổ hôm nay sẽ thắm ngọn cờ ngày mai” (ca khúc Hát trong tù của Tôn Thất Lập).

Có lẽ muốn nhấn mạnh quan niệm này mà người Côn Đảo xem bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh như một nội dung cần giới thiệu với khách tham quan, đặc biệt đã dụng công thuyết minh tường tận và xúc động về hình ảnh Liệt sĩ - Anh hùng LLVTND Võ Thị Sáu lẫm liệt hy sinh trên pháp trường Côn Đảo...

Cái quá khứ muốn lưu giữ ở đây còn là truyền thuyết về việc bà phi Lê Thị Răm/Hoàng Phi Yến từng can ngăn chồng là chúa Nguyễn Phước Ánh không nên cầu viện phương Tây để chống lại quân Tây Sơn: “Việc đánh nhau với Tây Sơn là chuyện trong nhà, thiếp nghĩ chúa công không nên nhờ vả ngoại bang, nếu thắng được Tây Sơn thì chẳng vẻ vang gì mà e còn lắm điều rối rắm về sau…”. Và bà đã phải trả giá đắt cho lời nói-thật-trái-tai này.

Có thể suy nghĩ của bà Lê Thị Răm/Hoàng Phi Yến xuất phát trước tiên từ tấm lòng người mẹ thương con, không muốn con trai mình - Hoàng tử Cải - trở thành con tin nơi đất khách quê người, nhưng qua đó cũng dễ nhận thấy nhãn quan chính trị của bà hết sức thông tuệ, biết đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của một vương triều. Cái mà bà gọi là điều rối rắm về sau thực tế đã xảy ra đối với vương triều Nguyễn. Với truyền thuyết này, người Côn Đảo còn nhằm đưa ra một cách giải thích riêng về nguồn gốc hiện thực của câu ca dao “Gió đưa cây cải về trời - Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Người Côn Đảo cũng đã dựng miếu để thờ mẹ con bà - An Sơn miếu và Miếu Cậu, và ở Côn Đảo có một con đường mang tên bà - Hoàng Phi Yến.

Có thể nói, cùng với liệt sĩ Võ Thị Sáu, bà phi Lê Thị Răm/Hoàng Phi Yến có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tâm linh của người Côn Đảo ngày nay. Lời nói-thật-trái-tai của bà đối với chúa Nguyễn Phước Ánh còn là một gợi ý đối với người Việt đương đại về tính quyết định của nội lực đất nước và cái giá của sự phụ thuộc quá mức cần thiết vào nước ngoài.

Từ “địa ngục trần gian” thành “thiên đường hạ giới”

Để vươn đến tương lai, người Côn Đảo đang tập trung phát triển công nghiệp không khói, quyết tâm biến “địa ngục trần gian” trước đây thành “thiên đường hạ giới” trong mai hậu. Đương nhiên ở Côn Đảo bây giờ, mọi thứ chỉ mới bắt đầu nhưng cũng không khó để nhận ra những đường nét riêng có của ngành công nghiệp không khói trên quần đảo này.

Trước hết, người Côn Đảo dùng chính cái quá khứ lưu giữ được để tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo. Nhiều tỉnh cũng chú trọng khai thác hình ảnh nhà tù - như nhà tù Sơn La, nhà ngục Kon Tum, nhà lao Chín Hầm, trại giam Phú Quốc… để thu hút du khách, nhưng có lẽ không ở đâu cái ác/cái dã man phi nhân tính của những cai ngục, chúa đảo lại gây được ấn tượng mạnh đối với du khách như ở Côn Đảo. Vì vậy, nghĩa trang Hàng Dương và nhất là ngôi mộ chị Võ Thị Sáu đã trở thành một điểm nhấn về du lịch tâm linh ở Côn Đảo.

Nhiều người đến tham quan Côn Đảo cho rằng, nếu học sinh, sinh viên được tạo điều kiện để tiếp cận với cái quá khứ mà người Côn Đảo đang lưu giữ được, chắc chắn thế hệ trẻ nước ta ngày nay sẽ yêu lịch sử dân tộc hơn rất nhiều, sẽ thích học môn lịch sử hơn rất nhiều và sẽ thấm thía hơn rất nhiều 3 từ đi kèm với quốc hiệu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: độc lập, tự do và hạnh phúc.

Trong quá trình tập trung phát triển công nghiệp không khói, người Côn Đảo có nhiều cách làm hay, biết tạo nên những sản phẩm du lịch từ thế mạnh riêng có của mình, chẳng hạn như ấn tượng về cái ác/cái dã man phi nhân tính của những cai ngục, chúa đảo như vừa đề cập. Ngoài ra, cũng như ở Phú Quốc, nước biển ở Côn Đảo rất phù hợp với công nghệ nuôi cấy ngọc trai. Vì thế, người Côn Đảo đã kêu gọi Nông trại Ngọc Hiền - một doanh nghiệp chuyên nuôi cấy ngọc trai của Phú Quốc sang đầu tư nuôi cấy ngọc trai tại Côn Đảo và xem nơi trưng bày sản phẩm ngọc trai là một trong những điểm nhấn của thương hiệu du lịch Côn Đảo ngày nay.

Tuy nhiên, điều gây bất ngờ đối với du khách thập phương là Côn Đảo kiên quyết nói không, thẳng thừng từ chối yêu cầu của du khách trong việc phục vụ ẩm thực nhằm bảo tồn một số loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như trứng vích hoặc ốc vú nàng. Du khách đến Côn Đảo rất thích ăn ốc vú nàng nhưng chỉ có thể tìm thấy món khoái khẩu này ở các hàng quán bên ngoài buôn bán trái phép, chứ tại các cơ sở nhà hàng, khách sạn chính quy, thậm chí du khách còn bị từ chối khi nhờ hâm nóng bằng lò vi sóng các con ốc vú nàng mua bên ngoài mang vào. Đây cũng có thể là một gợi ý từ Côn Đảo - biết từ chối những gì nhất thiết phải từ chối để tạo nên giá trị thương hiệu và hướng tới sự phát triển bền vững.

Còn đơn thương độc mã…

Tuy nhiên, do nằm xa đất liền nên công nghiệp không khói ở Côn Đảo vẫn chưa phát triển như mong đợi. Du khách ra Côn Đảo bằng đường biển còn phải trải qua một hải trình dài đến nửa ngày. Sân bay Cỏ Ống tuy được nâng cấp thành Cảng Hàng không Côn Đảo nhưng cũng chưa mở được nhiều đường bay mới ngoài 3 đường bay hiện có: thành phố Hồ Chí Minh - Côn Đảo, Cần Thơ - Côn Đảo và Hà Nội - Côn Đảo.

Quy hoạch các khách sạn và khu nghỉ dưỡng trên đảo Côn Sơn dường như còn mang tính tự phát, đáng chú ý là một resort đang xây dựng bên bờ biển án ngữ tầm nhìn của du khách đối với đỉnh núi Tình Yêu đầy lãng mạn trên đường đi từ thị trấn Côn Sơn ra cảng Bến Đầm. Và cảm nhận chung của nhiều du khách là những người làm công nghiệp không khói ở Côn Đảo dường như vẫn còn đơn thương độc mã trong quá trình thực hiện giấc mơ biến “địa ngục trần gian” trước đây thành “thiên đường hạ giới” trong mai hậu. Côn Đảo rất cần sự đầu tư về nguồn lực từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và nhất là từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kể cả nguồn tài lực - hiện do du khách hảo tâm quyên góp là chính - và nhất là nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

Đó là chưa kể nhiều vấn đề về lịch sử hình thành hệ thống nhà tù Côn Đảo đến nay vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ để có thể trả lời nhiều câu hỏi còn chưa có lời đáp; chẳng hạn như vì sao ngay sau khi chiếm đóng Côn Đảo từ tay vương triều Nguyễn, thực dân Pháp đã chọn nơi đây để xây dựng nhà tù, và vào lúc ấy trên địa phận Nam Kỳ lục tỉnh, đã có bao nhiêu nhà tù thực dân được xây dựng, và tù nhân người Việt đầu tiên bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo là ai, bị kết tội gì… Cả nước - trong đó có người Đà Nẵng - đang hướng về Côn Đảo và kỳ vọng rất nhiều ở Côn Đảo!

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.