Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) thành phố Đà Nẵng lần này sẽ đánh giá tình hình hoạt động VHNT trong nhiệm kỳ qua và đề ra nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, đánh dấu thêm một bước phát triển mới của VHNT thành phố.
Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội VH-NT thành phố nhiệm kỳ 2009-2014. Ảnh: HUY ĐẰNG |
Quảng Nam - Đà Nẵng là mảnh đất có bề dày truyền thống VHNT; là vùng đất của văn hóa dân gian, cái nôi của nghệ thuật tuồng.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều chí sĩ yêu nước cũng là nhà văn hóa như: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… đã có những áng văn giàu lòng yêu nước để vận động cách mạng. Đây là quê hương của Phan Khôi, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, những tác giả mở đường cho văn học lãng mạn Việt Nam, là quê hương của những cây bút nổi tiếng: Khương Hữu Dụng, Nam Trân, Xuân Tâm, Phạm Hầu, Nguyễn Văn Bổng…
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một số văn nghệ sĩ đã tham gia sinh hoạt ở Hội Văn hóa cứu quốc thành phố Đà Nẵng như: Nguyễn Văn Bổng, Tế Hanh…
Trong những năm 1946-1948, lực lượng văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến ở vùng tự do Liên khu V (từ Nam Quảng Nam đến Phú Yên) ngày càng nhiều. Để tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ và các nhà văn hóa kháng chiến ở Nam Trung Bộ, phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc, dưới sự chỉ đạo của Liên khu ủy V, tháng 8-1948, Liên đoàn Văn hóa kháng chiến Nam Trung Bộ được thành lập tại Tam Quan (Bình Định) do họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung làm Chủ tịch, nhà thơ Nam Trân (người Quảng Nam) làm Phó Chủ tịch, nhà văn Phan Thao (người Quảng Nam) làm Phó Chủ tịch kiêm chủ nhiệm tạp chí Miền Nam của Liên đoàn.
Ở tỉnh cũng lập Đoàn văn hóa kháng chiến Quảng Nam - Đà Nẵng do nhà thơ Hồ Thấu làm Chủ tịch, nhà thơ Trinh Đường làm thư ký, phụ trách ngành văn nghệ; nhà giáo Huỳnh Lý phụ trách giáo dục; bác sĩ Phạm Phú Đông phụ trách khoa học.
Đoàn văn hóa kháng chiến tổ chức một tập san sáng tác văn nghệ để in các tác phẩm thơ, văn, ca dao phục vụ kháng chiến. Hình thức hoạt động chủ yếu lúc bấy giờ là các đêm văn nghệ được tổ chức ở những nơi đông đúc như Tam Kỳ, có ca nhạc, ngâm thơ, đọc truyện, nói chuyện thời sự, phổ biến kiến thức giáo dục và đời sống mới.
Đoàn văn hóa kháng chiến phối hợp với Ty Thông tin tuyên truyền Quảng Nam - Đà Nẵng phát động phong trào văn nghệ xuống tận xã, thôn. Phong trào sáng tác thơ ca, hò vè và trình diễn văn nghệ rất sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân.
Đầu năm 1949, tại Bồng Sơn (Bình Định), Đại hội văn hóa kháng chiến được tổ chức, bầu đại diện Văn hóa kháng chiến Liên khu V (thay cho Liên đoàn văn hóa kháng chiến Nam Trung Bộ), do nhà thơ Nam Trân làm Chủ tịch, nhà văn Phan Thao làm Tổng thư ký kiêm Tổng biên tập Tạp chí Miền Nam.
Riêng ngành văn nghệ đã thành lập Chi hội văn nghệ Liên khu V do nhà văn Phan Thao làm Chi hội trưởng, nhà văn Nguyễn Văn Bổng làm Chi hội phó kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Liên khu V ra 2 kỳ/tháng.
Dịp này, ở Quảng Nam - Đà Nẵng cũng thành lập Phân hội văn nghệ Quảng Nam do nhà thơ Trinh Đường làm phân hội trưởng. Nhiều cây bút người Quảng Nam và các tỉnh đang công tác ở văn nghệ Khu, các hội viên trong phân hội văn nghệ Quảng Nam thường xuyên đi công tác ở các cơ sở trong tỉnh, kể cả vùng tạm chiếm để sáng tác như: Hồ Thấu, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thành Long, Khương Hữu Dụng, Lưu Trùng Dương, Nguyễn Mạnh Hào (văn học); Hoàng Châu Ký, Nguyễn Lai, Tống Phước Phổ, Nguyễn Nho Túy (tuồng); Phan Huỳnh Điểu (âm nhạc)… Các hội viên có nhiều tác phẩm xuất sắc như: Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, Từ đêm 19 của Khương Hữu Dụng…
Một số cây bút đang tích lũy vốn sống, sau này là những cây bút chủ lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ như: Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Võ Quảng, Thu Bồn, Ngọc Anh (văn học); Trương Đình Quang, Thuận Yến (âm nhạc); Nguyễn Văn Thông, Phan Văn Định (điện ảnh)… Một số người sau này trở thành những cây bút nghiên cứu phê bình văn học xuất sắc: Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn, Lê Đình Kỵ…
Sau năm 1954, nhiều cây bút tập kết ra Bắc, trở thành những tác giả chủ lực của các ngành VHNT Việt Nam. Một số cây bút ở lại miền Nam vẫn tiếp tục viết về kháng chiến.
Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời để lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam. Các lực lượng quân sự, chính trị, văn hóa đều cần được phát triển để đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh lực lượng tại chỗ ở miền Nam còn có sự chi viện của miền Bắc ruột thịt ngày càng nhiều. Từ đó, các ban, ngành, đoàn thể ra đời và phát triển, trong đó có sự ra đời của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam.
Ở Khu V, bên cạnh văn nghệ sĩ từ đồng bằng lên căn cứ, còn có nhiều văn nghệ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc và văn nghệ sĩ miền Bắc lần lượt về Khu: Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Cao Phương, Chu Cẩm Phong, Dương Hương Ly, Liên Nam… (văn học); Phan Huỳnh Điểu, Văn Cận (nhạc); Khánh Cao (đạo diễn); Phương Thảo (múa); Thế Vinh, Hồng Chinh Hiền… (mỹ thuật) và Đoàn tuồng Khu V, chủ yếu là người Quảng Nam. Ở các tỉnh trong Khu, lực lượng văn nghệ cũng phát triển từ các nguồn trên.
Nhận thấy lực lượng văn nghệ trong Khu, nhất là văn học phát triển mạnh nên Khu ủy quyết định tổ chức Đại hội văn nghệ để thành lập Chi hội văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ (đến năm 1973, đổi thành Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ) vào ngày 9 và 10-10-1967 tại Nước Vin, Trà My (Quảng Nam). Đại hội đã bầu BCH do nhà văn Nguyên Ngọc làm Chủ tịch Hội; nhà thơ Vương Linh (Hải Lê) làm Phó Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng Đoàn; nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và đạo diễn Khánh Cao làm Phó Chủ tịch.
Sau Đại hội văn nghệ, không khí văn nghệ phát triển rầm rộ trong Khu. Năm 1967, tại tỉnh Quảng Đà, Phân hội văn nghệ giải phóng Quảng Đà được thành lập do nhà văn Đoàn Xoa làm phân hội trưởng. Phân hội đã tập hợp được nhiều cây bút ở địa phương như: Đoàn Xoa, Hồ Hải Học, Hoài Hà, Trần Văn Anh, Triều Phương, Nguyễn Đình An; sau đó là Hồ Duy Lệ, Vũ Thành Lê… Phân hội có tạp chí Văn nghệ giải phóng Quảng Đà để in tác phẩm thơ, văn xuôi, hội họa, âm nhạc… của các cây bút Quảng Đà.
Tại Quảng Nam, trong năm này, Phân hội văn nghệ giải phóng Quảng Nam cũng được thành lập, do nhà thơ Chí Cao làm phân hội trưởng. Phân hội đã tập hợp nhiều cây bút: Chí Cao, Vũ Dương, Vũ Minh (Lý Anh Minh), Hoàng Hương Việt, Huỳnh Phan Lê (văn học), Phạm Hồng, Lê Văn Thìn (hội họa). Tạp chí Văn nghệ giải phóng Quảng Nam cũng ra đời để in sáng tác của các tác giả trong tỉnh.
Đoàn văn công Quảng Đà và Đoàn văn công Quảng Nam được thành lập, bám sát tuyến trước, luồn sâu vào vùng địch để biểu diễn, phục vụ nhân dân, có lúc có cả binh lính Sài Gòn.
Trong hoàn cảnh in ấn khó khăn, nhưng cả hai phân hội Văn nghệ giải phóng Quảng Nam và Quảng Đà đã xuất bản được nhiều sách, báo gồm thơ, truyện, ca dao, sách về các gương chiến đấu, sản xuất điển hình của chiến sĩ và nhân dân. Một số vở diễn, đặc biệt là loại hình dân ca Khu V, được dàn dựng kịp thời; các đội nghệ thuật không chuyên ở các huyện, xã cũng được phát triển.
Ở các thành phố, thị xã như Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hội An, văn nghệ cũng phát triển; nhất là lực lượng học sinh, sinh viên đã phát triển thơ ca, kịch, bài hát yêu nước trở thành vũ khí sắc bén tấn công địch ngay sào huyệt của chúng. Nhiều tác phẩm được xuất bản rộng rãi, gây tiếng vang.
Chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng cũng là nơi đón tiếp nhiều văn nghệ sĩ của Khu V về công tác như: Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Cao Phương, Dương Hương Ly, Nguyễn Khắc Phục, Ngô Thế Oanh, Thanh Quế, Nguyễn Bá Thâm, Đỗ Văn Đông (văn học); Phan Huỳnh Điểu, Văn Cận, Thanh Đính (nhạc); Nguyễn Thế Vinh, Hà Xuân Phong, Giang Nguyên Thái (hội họa)…
(Còn nữa)
THANH QUẾ