.
Cafe sáng

Rác là tài nguyên

.

Đọc cuốn sách The Bleu Economy/Nền Kinh tế Xanh lam của Gunter Pauli do dịch giả Phạm Hải Hồ tặng, tôi rất tâm đắc với một câu mà Gunter Pauli đã hào hứng viết ngay từ chương đầu tiên: “Trong tự nhiên, chất thải từ quá trình này luôn luôn là chất dinh dưỡng, vật liệu hay nguồn năng lượng cho một quá trình khác”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Càng ngẫm nghĩ về câu này, tôi càng hiểu rõ hơn tại sao các nước phát triển trên thế giới đang chuyển mạnh từ chỗ xem rác chỉ là chất thải đến chỗ xem rác chính là tài nguyên. Rồi tôi liên tưởng đến những người nhặt rác để kiếm sống ở bãi rác Khánh Sơn và dọc theo các đường phố Đà Nẵng như người đi đầu trong đổi mới tư duy về rác thải, bởi đòi hỏi của cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn buộc họ phải xem rác là tài nguyên hữu dụng, là nguồn sống chủ yếu hằng ngày.

Và cũng chính cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn, thậm chí hiểm nguy ấy đã thôi thúc tôi viết bài Nghĩ về những người nhặt rác ở Đà Nẵng đăng ở Trang đầu tuần - Báo Đà Nẵng (số ra ngày 15-9-2014). Vấn đề cần chung tay góp sức trong thời gian tới là làm sao để ý tưởng về một mô hình hợp tác xã nghề nghiệp của những người nhặt rác mưu sinh ở thành phố bên sông Hàn sớm trở thành hiện thực nhằm giúp họ giảm thiểu nhọc nhằn và nguy cơ lây nhiễm bệnh tật…

Tôi tưởng đâu chỉ có số phận những đồng bào nghèo khổ đang lấy nhặt rác làm sinh kế mới ám ảnh mình, nào ngờ mấy ngày gần đây lại có một thông tin liên quan tới rác và đáng nói hơn là liên quan tới cách nhìn cách nghĩ hiện đại về rác còn có sức ám ảnh hơn nhiều: Nhà chức trách Đài Loan xác định 14 sản phẩm làm từ dầu ăn bẩn trong vụ bê bối chấn động người tiêu dùng đã được xuất sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam; giới chức y tế Đài Loan xác nhận 12 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhập khẩu sản phẩm làm từ dầu ăn rác thải, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Pháp, Úc, New Zealand, Brazil, Chile, Argentina, Nam Phi, Singapore, Hong Kong và Trung Quốc.

Thông tin chi tiết còn khẳng định rằng không chỉ kém vệ sinh, hàng trăm tấn dầu được tái chế từ dầu thải của nhà hàng, chất thải từ lò giết mổ gia súc, vật liệu nhiễm độc, mỡ da quá hạn... này còn chứa các chất gây ung thư như benzopyrene và aflatoxin. Tuy nhiên, tính đến nay, vụ bê bối dầu ăn bẩn cực lớn đang diễn ra tại Đài Loan không phải duy nhất, bởi Trung Quốc mới thật sự là cái nôi của dầu bẩn: trong 22,5 triệu tấn dầu ăn người dân Trung Quốc tiêu thụ hằng năm, có khoảng từ 2-3 triệu tấn là dầu ăn đã qua sử dụng.

Khi những kẻ sản xuất dầu bẩn ở Đài Loan đang tâm trộn dầu ăn từ nhà hàng được chiên đi chiên lại nhiều lần với thịt lợn thừa từ lò mổ cùng mỡ gia cầm, rồi tiến hành tẩy màu bằng kỹ thuật sản xuất và thiết bị tinh lọc tiên tiến khiến người mua khó phân biệt thật - giả, sạch - bẩn, an toàn - độc hại, dường như họ cũng đã xuất phát từ nhận thức đúng đắn về rác: rác không chỉ là chất thải, rác còn là và chủ yếu là tài nguyên. Như vậy, biết nhận thức đúng cộng với khả năng làm chủ được công nghệ hiện đại vẫn chưa đủ để mang lại điều tốt đẹp cho cuộc đời này.

Cái họ thiếu hoặc sẵn sàng giẫm đạp chính là đạo đức kinh doanh, là lương tâm nghề nghiệp, là văn hóa doanh nhân. Do vậy, họ không chỉ làm ảnh hưởng đến hàng loạt thương hiệu lâu đời và nổi tiếng như: Wei Chuan, 85’C Bakery Cafe, Chi Mei, Taiwan Sugar… ở Đài Loan, mà còn đang được hình dung như những thủ phạm gieo rắc mầm bệnh hiểm nghèo cho đồng bào/đồng loại mình.

Đây còn là hệ quả của việc buông lỏng quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm của nhà chức trách xứ Đài - có thể các cơ quan chức năng từng quản lý rất hiệu quả cả quá trình và trên diện rộng, nhưng chỉ cần một vụ bê bối cũng đủ để mọi thành tựu trước đó trở thành vô nghĩa...  

Có điều qua câu chuyện buồn về đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nhân ở xứ Đài, chúng ta cũng phải khâm phục nhà chức trách Đài Loan, bởi chính họ chứ không ai khác đã kiểm tra, phát hiện đúng các địa chỉ sản xuất và tiêu thụ lượng dầu bẩn hàng trăm tấn này. Càng đáng ngưỡng mộ hơn khi sự việc xảy ra, nhà chức trách xứ Đài lập tức thừa nhận, không “đóng cửa bảo nhau” và chủ động cung cấp thông tin cần thiết về những sản phẩm nhiễm bẩn cho nhà chức trách các nước đã nhập khẩu sản phẩm làm từ loại dầu-ăn-rác-thải này, trong đó có nước ta.

Hãy thử tưởng tượng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan vì muốn né tránh trách nhiệm, vì nghĩ đây là chuyện nhạy cảm có thể phút chốc làm mất đi danh tiếng của hòn đảo vốn là thiên đường cho những người yêu thích thực phẩm, mà cố tình che giấu sự thật, tìm cách báo cáo sai lệch thực tế để trấn an dư luận…, thì tác hại của dầu bẩn xứ Đài chắc sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều.

Rõ ràng qua câu chuyện dầu bẩn xứ Đài, càng có thể khẳng định công khai minh bạch chính là phẩm chất hàng đầu của đạo đức công vụ và văn hóa công sở - tất nhiên phải đi đôi với một phẩm chất khác cũng quan trọng không kém là quyết bảo vệ đến cùng mọi bí mật quốc gia…

Trông người lại nghĩ đến ta và càng nghĩ càng thấy lo rằng người Đà Nẵng mình hằng ngày, hằng giờ đang phải đối diện với bao nhiêu thách thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Một khi đã quan niệm rác không chỉ là chất thải, rác còn là và chủ yếu là tài nguyên thì yêu cầu phải tận dụng và tái chế rác được đặt lên hàng đầu, nhưng tận dụng và tái chế theo kiểu dầu bẩn Đài Loan và Trung Quốc thì chẳng thà rác cứ là chất thải thôi còn hơn.

Theo thông tin trên báo và thực ra cũng không quá khó để cảm nhận, đến nay ở nước ta chưa phát hiện cơ sở nào chế biến dầu ăn từ rác thải hay nước cống, song nhà chức trách một số địa phương cũng phanh phui không ít cơ sở chế biến dầu mỡ từ mỡ bẩn bèo nhèo gom về từ các chợ, các cửa hàng hoặc tái chế lại từ dầu ăn đã qua sử dụng nhiều lần... Đó là chưa kể do để tiết kiệm chi phí sinh hoạt nên không ít người - nhất là sinh viên và công nhân trẻ ở trọ xa nhà - phải thường xuyên sử dụng nhiều lần một lượng dầu ăn ít ỏi để chiên đi xào lại cho qua bữa.

Mong sao câu chuyện buồn về đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nhân ở xứ Đài sẽ trở thành hồi chuông báo động để cả cộng đồng và mỗi người chúng ta đề cao cảnh giác hơn nữa về mối họa từ miệng vào…

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.