ĐNĐT - Kết luận tại cuộc họp về phương án đầu tư cho Công viên 29-3 chiều ngày 12-9, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đồng ý cải tạo, nâng cấp Công viên 29-3 bằng ngân sách thành phố để tạo sự hưởng thụ tối đa cho người dân.
Thành phố sẽ đầu tư nâng cấp, sửa chữa, làm mới một số hạng mục tại Công viên 29-3 để phục vụ cộng đồng. |
Không thể chờ nhà đầu tư
Tại cuộc họp đầu tháng 6-2014, lãnh đạo UBND thành phố chủ trương xã hội hóa Công viên 29-3 nhưng yêu cầu xây dựng theo hướng xanh - sạch - đẹp để đảm bảo đây vẫn là “lá phổi” của thành phố, là nơi để người dân tự do ra vào vui chơi, giải trí.
Được sự chỉ đạo của thành phố, Viện Quy hoạch xây dựng thành phố đã lập phương án quy hoạch cụ thể để mời gọi nhà đầu tư. Theo đó, khu đất quy hoạch xây dựng Công viên 29-3 (thuộc phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) có tổng diện tích 188.081 m2 (trong đó phần diện tích mặt nước 106.301 m2, diện tích mặt đất 81.780 m2). Đồng thời, giao cho nhà đầu tư khai thác các hạng mục như: khu chụp ảnh lưu niệm, khu giải khát, khu văn phòng và nơi nghỉ chân, sân khấu nổi, khu trò chơi trong nhà…
Ngày 22-8, sốt ruột trước việc kêu gọi xã hội hóa vẫn giậm chân tại chỗ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã giao Hội đồng thẩm định (thuộc Sở Tài chính) có trách nhiệm thẩm định giá đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chính sách ưu đãi. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng với vai trò chủ đầu tư sẽ xây dựng dự án, lập thủ tục liên quan để kêu gọi đầu tư Công viên 29-3. Yêu cầu gửi đơn mời các nhà đầu tư tiềm năng như Suối Tiên, Sun Group, Đầm Sen… và đăng thông tin kêu gọi nhà đầu tư trên các phương tiện truyền thông.
Mặc dù đã kêu gọi xã hội hóa nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nhà đầu tư thích hợp. Một số nhà đầu tư cho rằng, xã hội hóa một phần thì diện tích quá nhỏ và chỉ muốn đầu tư toàn phần. Hơn nữa, những hạng mục đầu tư nhanh thu lợi nhuận như nhà hàng, quán ăn lại không được phép kinh doanh trong khi phải chi tiền tỷ hằng năm để duy tu, quản lý cả công viên nên nhiều nhà đầu tư vẫn đứng ngoài cuộc.
“Công viên 29-3 là nơi diễn ra những hoạt động văn hóa, giải trí của người dân thành phố vào dịp Tết, lễ lớn. Vì thế, chúng ta không thể ngồi chờ nhà đầu tư được. Bây giờ mà họ vào rồi chỉnh tới chỉnh lui hết năm vẫn chưa làm gì. Phải làm nhanh để phục vụ Tết. Trước mắt, bỏ ngân sách của thành phố làm trước một số hạng mục. Những hạng mục chưa cần thiết thì sang năm làm tiếp. Để ra một hình dáng công viên vừa ý thì còn cải tạo dài dài”, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến phát biểu tại cuộc họp.
Tạo sự hưởng thụ tối đa cho người dân
Viện Quy hoạch xây dựng thành phố cho biết đã lên phương án quy hoạch Công viên 29-3 gồm 17 hạng mục với tổng mức kinh phí đầu tư 24 tỷ đồng, bao gồm: trò chơi trong nhà, cải tạo khu nhà bảo vệ kết hợp quầy lưu niệm và nhà vệ sinh, bãi giữ xe, trò chơi ngoài trời, khu vực cà phê, vườn hoa kết hợp quảng trường, nhà trượt patin, thiết bị thể dục thể thao cho người lớn tuổi, chòi nghỉ chân, nhà hàng tiệc cưới, vườn thú, vườn dạo, đường đi dạo ven hồ, cải tạo nâng cấp hàng rào đường Nguyễn Tri Phương và Điện Biên Phủ, cải tạo cây xanh, lắp điện chiếu sáng toàn khu vực để người dân đi dạo ban đêm, nâng cấp hệ thống thoát nước...
Sau khi nghe báo cáo của Viện Quy hoạch, các đại biểu đã thảo luận xoay quanh vấn đề: hạng mục nào nên đầu tư, đầu tư như thế nào cho hiệu quả để tạo sự hưởng thụ tối đa cho người dân. Ý kiến nhận được sự đồng thuận cao vẫn là xây dựng hạng mục phục vụ công cộng, các hạng mục phục vụ mục đích kinh doanh, vốn đầu tư lớn như nhà hàng tiệc cưới (12 tỷ đồng), khu trò chơi trong nhà (2 tỷ đồng), quán cà phê (1,5 tỷ đồng) thì nên xã hội hóa.
Kết luận buổi họp, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: “Các ngày lễ, Tết nhu cầu vui chơi của người dân khá lớn, nhất là người dân khu vực quận Thanh Khê, Liên Chiểu vốn không có chỗ để chơi. Nhưng một Công viên 29-3 rộng lớn vậy lại để quá buồn tẻ. Vì thế, sử dụng ngân sách thành phố bố trí đầu tư trong năm nay cho Công viên 29-3 là 10 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa, làm mới một số hạng mục mang tính chất phục vụ cộng đồng, tạo sự hưởng thụ tối đa cho người dân, chú ý đến cải tạo cảnh quan sao cho đẹp mắt, đảm bảo cả vấn đề môi trường".
Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố đồng ý chọn một số vị trí phù hợp đặt thiết bị tập thể dục thể thao miễn phí cho người lớn tuổi; giữ lại vườn thú nhưng nâng cấp, bổ sung thêm các loài cho phong phú; rà soát lại các thiết bị trò chơi, cái nào hư hỏng thì bỏ đi, chỉ sử dụng những thiết bị còn mới, sạch sẽ, an toàn, bổ sung thêm các trò chơi mới; tạo các sân tập thể dục dưỡng sinh, thẩm mỹ, yoga; tạo đường đi dạo ven hồ... Đồng thời, phá bỏ nhà vệ sinh phía mặt đường Điện Biên Phủ; sân trượt patin cũng được tháo dở, thành sân patin ngoài trời cho chơi miễn phí... Đặc biệt, lưu ý đầu tư công trình điện chiếu sáng sao cho đẹp mắt, ấn tượng.
Ngoài ra, Chủ tịch Văn Hữu Chiến cũng lưu ý xem xét các hạng mục kêu gọi xã hội hóa như cà phê, quầy bán hàng lưu niệm phải hài hòa, gần gũi với thiên nhiên. Cho phép đặt một vài quầy nước uống, thức ăn nhẹ phục vụ cho người dân, nhất là trẻ em và người lớn tuổi.
Cải tạo công viên đẹp thì cần đi đôi với sạch, môi trường đảm bảo. Do đó, chú ý xây dựng một số nhà vệ sinh ở những địa điểm thuận lợi, nâng cấp hệ thống thoát nước, giao Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng nạo vét, xử lý mùi hôi của hồ nước. Giao cho Viện Quy hoạch tiếp tục nghiên cứu thêm để khai thác đầu tư diện tích mặt nước để tăng cường hoạt động vui chơi, giải trí cho người dân.
NGỌC HÀ