.
ĐƯA VĂN HỌC VIỆT NAM RA THẾ GIỚI

Chúng ta cần đường hoàng đi trên đại lộ

.

Việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới lâu nay vẫn được thực hiện nhưng phần lớn chỉ là những nỗ lực mang tính cá nhân. Mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập Trung tâm dịch văn học với mục tiêu đưa vẻ đẹp văn học Việt ra thế giới và tuyển dịch tinh hoa văn chương từ các nước về Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. 		               Ảnh: N.T.BÌNH
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: N.T.BÌNH

Chúng tôi đã trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Trung tâm dịch văn học.

* Thưa ông, khi Trung tâm dịch văn học được thành lập và ông được bổ nhiệm làm Giám đốc, nhiều người mừng, nhưng cũng không ít người thở dài bảo bây giờ mới bắt đầu thì quá muộn?

- Đúng vậy. Được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm làm Giám đốc Trung tâm, tôi thấy đây là công việc rất khó khăn. Chúng ta biết nền văn học Việt Nam không phải là nền văn học để các nhà xuất bản nước ngoài “săn lùng”. Mặc dù Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định Hội Nhà văn Việt Nam phải thành lập Trung tâm dịch văn học, nhưng nếu Nhà nước không bỏ tiền đầu tư bài bản thì việc truyền bá văn học Việt Nam qua trung tâm này sẽ không đi xa được. Đây là việc không thể và không nên dựa dẫm vào một vài doanh nghiệp, doanh nhân mà phải là chiến lược lớn mang tính bền vững.

* Có phải vì chúng ta không có tác giả đoạt giải Nobel văn chương, thưa ông?

- Đúng là nếu chúng ta có một tác giả đoạt giải Nobel văn chương thì sẽ lập tức làm thay đổi bộ mặt của văn học Việt Nam với thế giới. Nhưng tôi cho rằng, nền văn học của chúng ta có những tác phẩm ngang tầm như thế nhưng chúng ta phải quảng bá. Thế giới không tìm đến chúng ta như họ từng tìm đến những nền văn học Mỹ, Nga, Pháp, Colombia, hay Trung Quốc. Chúng ta phải tìm đến họ, để một ngày họ nhận ra ở đó có những tác phẩm rất xứng đáng cho bạn đọc của họ cần đọc. Chúng ta phải làm quảng bá, nói nôm na là phải giới thiệu hàng hóa của chúng ta.

* Ông vừa nói chúng ta có những tác phẩm hay, nhưng lại thiếu chiến lược quảng bá, giới thiệu. Vậy nếu được đầu tư, chúng ta nên làm gì để văn chương Việt Nam bước ra với thế giới bằng cửa chính, thưa ông?

- Tôi nghĩ trước mắt chúng ta phải dịch, phải có những người dịch thật tốt và bỏ tiền để in ấn, xuất bản, phát hành. Có thể in ở trong nước hoặc nước ngoài nhưng chúng ta phải chịu tất cả chi phí, thuế ở nước khác. Có như thế chúng ta mới có thể triển khai được. Dù việc in sách là con đường khó khăn và hơi hẹp vì đòi hỏi về tài chính khá nhiều nhưng vẫn rất cần làm. Ngoài ra, có hai con đường mà ngay từ buổi ra mắt Trung tâm dịch văn học cách đây vài tháng tôi đã đề xuất. Một là, qua những tạp chí văn chương trên thế giới mà tôi có dịp quen biết, chúng ta sẽ dịch những bản thảo văn học tốt và gửi giới thiệu trên những tạp chí đó. Khi họ đồng ý in, chúng ta không phải bỏ ngân sách ra. Có thể chưa thật sự mỹ mãn nhưng đó là cách họ muốn dành những trang đó cho bạn đọc về một nền văn học Việt Nam mà họ muốn giới thiệu. Chúng ra nên đi từng bước như vậy.

Hai là, chúng tôi cũng đề nghị thành lập một trang web văn học Việt Nam bằng tiếng Anh để thế giới có thể quan tâm và đọc những tác phẩm văn học Việt Nam. Một ngày vô tình họ đọc được một truyện ngắn rất hay và họ nghĩ hình như nền văn học này có một điều gì đó cần khám phá. Lúc đó, họ sẽ tập trung nghiên cứu thì mới có thể bắt đầu dẫn đến việc giới thiệu, làm quen, để cái tên “văn học Việt Nam” không đến nỗi xa lạ, không quá đỗi dị biệt với các nhà nghiên cứu, các nhà xuất bản trên thế giới.

Nghĩa là chúng ta phải tìm tất cả con đường mà văn học Việt Nam có thể đi được đến với bạn đọc thế giới.

* Cụ thể hơn, sắp tới chúng ta nên giới thiệu văn học Việt Nam ra những khu vực nào?

- Theo tôi, có hai khu vực rất đợi chờ được tiếp nhận văn học và hình ảnh Việt Nam, đó là khu vực các nước nói tiếng Tây Ban Nha và các nước nói tiếng Arab. Nơi đây rất ít được đọc tác phẩm văn học Việt Nam nhưng có nhiều cảm tình với người Việt Nam. Nếu một cuốn sách hay của chúng ta được đặt trên tay của một trí thức lớn của những nước nói tiếng Tây Ban Nha, những trí thức lớn của những nước nói tiếng Arab thì họ sẽ tiếp tục truyền cho những trí thức lớn ở các khu vực khác. Và cứ thế lan tỏa, lan tỏa… Chúng ta nên tìm những nơi đang có nhu cầu tìm hiểu, như thế dễ hơn là những nơi chưa có nhu cầu.

Một dân tộc khác nói về dân tộc chúng ta sẽ tốt hơn chúng ta tự nói về chúng ta. Một nhân vật khác nhận xét văn học của chúng ta hay sẽ tốt hơn nhiều lần chúng ta giới thiệu. Nếu một nhà văn đoạt giải Nobel nói “Tôi rất yêu văn học Việt Nam” thì các nhà văn khác lập tức phải xem lại mình. Hay một giáo sư lớn nhận xét văn học Việt Nam có nhiều tác phẩm bất ngờ thì mọi người sẽ phải chú ý.

* Ngoài việc trông chờ Nhà nước thì có một lối thoát nào không, thưa ông?

- Chúng ta dứt khoát không nên tiếp tục đi bằng cửa phụ, bằng lối thoát hiểm. Như thế nó rất nhỏ bé. Chúng ta cần đường hoàng đi trên đại lộ. Vì thế, rất cần một chiến lược của Nhà nước. Còn các cá nhân vẫn có thể làm, nhưng rất đơn lẻ.

Nói chung là cần có chiến lược vì đây không phải là chiến lược riêng của văn học mà nó là chiến lược của văn hóa và hình ảnh Việt Nam. Nó lớn hơn rất nhiều so với một bài thơ, một cuốn sách, một cá nhân nhà văn này hay nhà văn khác. Nó mang những điều lớn lao hơn, đó là dân tộc Việt, hình ảnh Việt, mang theo thông điệp Việt. Bây giờ, tôi hoàn toàn có thể cùng với nhà thơ Mỹ, Tây Ban Nha hay nhiều nơi khác dịch tác phẩm của tôi. Tôi cũng có thể kêu gọi những doanh nghiệp tài trợ cho tôi in tác phẩm ở nước ngoài. Nhưng tôi không làm việc đó, vì biết rằng có làm thế cũng chỉ là những gắng gượng rất vô ích, mang màu sắc cá nhân. Các nhà văn Việt Nam cần phải đi bằng cửa chính. Họ bước từ cửa chính ra thế giới, hiện diện trước thế giới bằng cửa sảnh chính chứ không phải bằng lối đi sau nhà.

Khi văn học như một con thoi, văn học thế giới vào Việt Nam, văn học Việt Nam xuất hiện ở nước ngoài, thì sự trao đổi, đối thoại, nghe ngóng sẽ được nhiều hơn. Nó mở dần kích cỡ của chúng ta với thế giới.

* Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN THANH BÌNH thực hiện

;
.
.
.
.
.