.

Mê hoặc với nghệ thuật châu Phi

.

Những mặt nạ mang đường nét, họa tiết hoa văn huyền bí, nhiều màu sắc sặc sỡ, gắn liền với đời sống tâm linh thổ dân của nhiều bộ lạc trên vùng đất châu Phi.

Nhạc sĩ Diệp Chí Huy hát bài I’m your của Jason Mraz để minh họa việc sử dụng trống Djembe.Ảnh: C.T.V
Nhạc sĩ Diệp Chí Huy hát bài I’m your của Jason Mraz để minh họa việc sử dụng trống Djembe.Ảnh: C.T.V

Trong lịch sử văn hóa nhân loại, có một thời mặt nạ châu Phi không được công nhận là tác phẩm nghệ thuật. Các nhà truyền giáo từ châu Âu đến “lục địa đen” khi bắt gặp tượng hay mặt nạ này đã vứt chúng vào lửa. Đầu thế kỷ XX, mặt nạ châu Phi được biết đến nhiều hơn bởi nhóm họa sĩ lập thể đến từ Pháp gồm: Picasso, Matisse, Vla Mainsk, Derain, Braque. Họ được cho là những người đã khám phá ra nghệ thuật da đen.

Thời gian này, Picasso sục sạo hầu hết các cửa hàng đồ cổ ở Paris để tìm mua mặt nạ châu Phi và ra sức ca ngợi hình thức ấn tượng, bắt mắt của tượng gỗ châu Phi. Các họa sĩ nhóm lập thể đã tác động đến nhận thức của cả thế giới khi thừa nhận tượng gỗ châu Phi là loại hình nghệ thuật chân chính, tử tế, là nền nghệ thuật hẳn hoi, cần được tôn trọng.

Năm 1945, lần đầu tiên tại Bảo tàng Dân tộc học ở Paris (Pháp), người ta trưng bày rất nhiều mặt nạ và tượng gỗ châu Phi nhằm giới thiệu rộng rãi loại hình nghệ thuật này trên toàn thế giới. Từ đó, mỗi năm có hàng trăm cuộc triển lãm nghệ thuật châu Phi được tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau, nhiều tác phẩm nghệ thuật tượng, mặt nạ châu Phi có giá hàng triệu USD trong các cuộc bán đấu giá tại Paris, New York…

Hơn 10 năm qua, vì công việc kinh doanh hàng may mặc sang thủ đô Lomé của Togo - đất nước bên bờ Đại Tây Dương, nhạc sĩ Diệp Chí Huy thường xuyên qua lại châu Phi, có những chuyến đi kéo dài hàng mấy tháng trời. Khoảng thời gian này, Diệp Chí Huy có điều kiện đặt chân đến một số nước khác như: Benin, Ghana, Nigeria, Bukinafaso, để tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu một số loại hình nghệ thuật, âm nhạc cũng như cách nhạc công da đen sử dụng trống vỗ Djembe và phát hiện rằng “người châu Phi thường chơi nhạc giỏi vì ngay từ thời ấu thơ đã làm quen với trống, bộ gõ và những điệu nhảy vui nhộn”.

Mang tâm hồn nghệ sĩ, Diệp Chí Huy bị mê hoặc bởi những âm thanh vui nhộn, quen thuộc trong cuộc sống người da đen và quyết định tìm đến Học viện âm nhạc và nghệ thuật ở Krokobite (Ghana) học về trống. Theo Diệp Chí Huy, chúng ta sẽ không cảm nhận được văn hóa châu Phi nếu không cảm nhận được vẻ đẹp của mặt nạ châu Phi vì đây là hai khái niệm không thể tách rời nhau.

Trong quá trình tìm hiểu về mặt nạ châu Phi, Diệp Chí Huy thật sự ấn tượng câu nói của Picasso: “Mặt nạ châu Phi giúp tôi nhìn thấy ý nghĩa chính xác của hội họa, cách đào thoát ra khỏi những ảo ảnh bóng bẩy và tìm lại những nhiễu động nguyên sơ trong sự sáng tạo của chính mình”. Anh cố công tìm hiểu và thật sự bị chinh phục bởi vẻ đẹp huyền bí đó.

Trong những chuyến đi - về giữa Việt Nam và châu Phi, hành lý của Diệp Chí Huy bao giờ cũng có một số mặt nạ cùng trống Djembe làm quà tặng người thân, bạn bè nơi quê nhà. Qua những người bạn là họa sĩ, nhạc sĩ, kiến trúc sư, anh biết mặt nạ châu Phi được nhiều người Việt Nam yêu thích nên “thai nghén” ý tưởng mang chúng về nước với số lượng nhiều hơn.

“Bên cạnh mặt nạ, tôi bị trống Djembe mê hoặc. Đây là loại nhạc cụ dân gian quen thuộc của người dân châu Phi, dễ dàng sử dụng trong âm nhạc đương đại. Djembe với kiểu dáng gọn gàng, đẹp mắt, dễ dàng mang đi nhiều nơi, chơi được âm bass nên chỉ cần kết hợp với guitar đã có thể đánh một bản nhạc hoàn chỉnh. Ngoài giá trị âm nhạc, mỗi chiếc trống Djembe còn là một tác phẩm hội họa, điêu khắc”, Diệp Chí Huy chia sẻ.

Mới đây, ước muốn mang mặt nạ, trống Djembe châu Phi về Việt Nam trở thành hiện thực khi anh quyết định mở showroom các sản phẩm này tại tầng 2, tòa nhà Indochine Riverside (Đà Nẵng), là nơi lui tới của những ai yêu cái đẹp và muốn tìm hiểu về văn hóa - nghệ thuật châu Phi.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.