.
VĂN HỌC-NGHỆ THUẬT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG 2009-2014

5 năm - một chặng đường

.

Cứ 5 năm một lần, đã thành lệ, những người làm văn học - nghệ thuật (VHNT) thành phố Đà Nẵng tiến hành Đại hội, nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá những mặt mạnh, những yếu kém, để từ đó có những bước đi vững chãi hơn trên chặng đường mới.

Các nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nỗ lực để đưa nghệ thuật tuồng đến với công chúng. Trong ảnh: Một tiết mục trong chương trình “Biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam” tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.  Ảnh: TÚ PHƯƠNG
Các nghệ sĩ của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nỗ lực để đưa nghệ thuật tuồng đến với công chúng. Trong ảnh: Một tiết mục trong chương trình “Biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam” tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ảnh: TÚ PHƯƠNG

5 năm qua, đồng hành với nhịp sống đầy năng động và nhiều dấu ấn đáng ghi nhớ của thành phố, VHNT dường như cũng thêm khởi sắc; đội ngũ làm VHNT như được tiếp thêm sức mạnh, cùng nhau đoàn kết, hợp tác, tâm huyết, sáng tạo, khắc phục những khó khăn, trở ngại, làm nên nhiều sản phẩm tinh thần mới, góp phần xây dựng con người và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của thành phố. Mặc dù còn nhiều hạn chế, bất cập, nhưng những gì mà các văn nghệ sĩ thành phố đã làm được trong thời gian qua rất đáng tự hào.

Bằng tiếng nói nghệ thuật, văn nghệ sĩ thành phố đã thể hiện ý thức chính trị và trách nhiệm công dân, góp phần xây dựng đạo đức, lối sống, biểu dương những gương điển hình tiên tiến, phê phán những hiện tượng tiêu cực, cổ vũ các chương trình mang tính nhân văn như: chương trình “5 không”, chương trình “3 có”, chương trình xây dựng thành phố môi trường, v.v… Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Sáng tác và quảng bá các tác phẩm VHNT về Chủ tịch Hồ Chí Minh” ngày càng đi vào chiều sâu.

Đề tài xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang đã tạo không khí sáng tác sôi nổi trong các chuyên ngành, bước đầu xuất hiện một số tác phẩm tốt. Đề tài lịch sử đấu tranh cách mạng tiếp tục được đầu tư sáng tác. Bên cạnh đó, các tác giả đã tập trung những đề tài về con người và cuộc sống thành phố hiện tại, kể cả những đề tài thời sự nóng hổi như đề tài biển đảo, ý thức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Nếu như thành tựu của một nhiệm kỳ được thể hiện phần nào qua những con số, thì đã có những con số vui. Đầu nhiệm kỳ, số hội viên các Hội là 647, trong đó có 285 hội viên các hội chuyên ngành Trung ương. Kết thúc nhiệm kỳ, nếu tính cả hội viên Hội Kiến trúc sư thì tổng số hội viên lên đến hơn 1.000 người, trong đó có 337 hội viên Trung ương. Phần lớn hội viên đều có trình độ đại học, cao đẳng; một số hội viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Về các danh hiệu cao quý và các giải thưởng cấp Nhà nước, từ chỗ 2 tác giả được nhận Giải thưởng Nhà nước, 1 NSND, 11 NSƯT, đến nay con số này được nhân lên với 10 tác giả được nhận Giải thưởng Nhà nước, 3 NSND và 23 NSƯT.

Về chất lượng tác phẩm, tuy không đồng đều nhưng ở tất cả chuyên ngành đều có những tác phẩm được đánh giá tốt. Nét mới của nhiệm kỳ là bên cạnh các tác phẩm đoạt giải cao trong nước, một số tác phẩm đã vươn tới các giải thưởng ngoài nước như: Giải thưởng văn học Đông Nam Á, Giải thưởng văn học sông Mekong, Huy chương vàng của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP, giải cao nhất hạng mục phim tài liệu châu Á tại Liên hoan phim quốc tế ở Nhật Bản...

Nhiều công trình dài hơi mang tính tổng kết giai đoạn, thể hiện tầm vóc tác phẩm đã xuất hiện. Hoạt động quảng bá tác phẩm được đầu tư thích đáng. Trong nhiệm kỳ, hàng trăm đầu sách văn học, các CD, VCD âm nhạc, múa được xuất bản; các triển lãm cá nhân và nhóm tác giả về tranh, ảnh nghệ thuật, đồ án kiến trúc… trong và ngoài thành phố được tổ chức; những vở kịch ngắn về nếp sống văn minh đô thị có tác dụng giáo dục tốt. Các hình thức sinh hoạt âm nhạc đường phố, triển lãm ảnh bên bờ sông Hàn cũng góp phần đưa VHNT đến với người dân thành phố.

Hội nghị Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam tại Đà Nẵng ngày 14-7-2014.
Hội nghị Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam tại Đà Nẵng ngày 14-7-2014.

Những thành tích đạt được trong nhiệm kỳ qua như một thông điệp bày tỏ lời cảm ơn đến sự quan tâm của lãnh đạo Liên hiệp VHNT Việt Nam; của lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố; sự phối hợp giúp đỡ hiệu quả của các sở, ban, ngành, quận, huyện, của các cơ quan truyền thông đại chúng thành phố và của Trung ương trên địa bàn; sự quan tâm chia sẻ của đồng nghiệp các địa phương bạn.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước công chúng yêu VHNT thành phố, mỗi cá nhân văn nghệ sĩ vẫn luôn băn khoăn, trăn trở trước câu hỏi làm sao để VHNT có được vị trí xứng đáng hơn nữa trong vị thế chung rất ấn tượng của thành phố trên các mặt phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề chất lượng tác phẩm vẫn là mối quan tâm hàng đầu của người sáng tác và người quản lý VHNT. Vẫn còn thiếu những tác giả mới, đạt được uy tín cao trên từng chuyên ngành.

Trong 5 năm tới, nguồn nhân lực sáng tác có tầm quốc gia vẫn đang được kỳ vọng. Bên cạnh đó, những hạn chế yếu kém về hoạt động phổ biến, quảng bá tác phẩm; công tác quản lý hội viên và công tác điều hành hoạt động các hội chuyên ngành, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trên lĩnh vực VHNT cũng đang đặt ra bức xúc.

Những năm đến, tình hình trong nước và thành phố tiếp tục mở ra nhiều cơ hội và thuận lợi, đan xen nhiều thách thức. Lĩnh vực đời sống tinh thần, đời sống VHNT sẽ xuất hiện những vấn đề mới, đòi hỏi phải giải quyết. Với phương châm Đoàn kết, Đổi mới, Dân chủ, Nhân văn, VHNT thành phố Đà Nẵng tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu xây dựng và phát triển sự nghiệp VHNT Đà Nẵng thành một trong những nguồn lực nội sinh quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố; tập trung đầu tư để có nhiều tác phẩm chất lượng, phản ánh sinh động quá khứ hào hùng và hiện thực năng động của thành phố nhằm động viên, cổ vũ sự nghiệp xây dựng Đà Nẵng giàu mạnh, văn minh, hiện đại; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng con người Đà Nẵng phát triển toàn diện, đời sống văn hóa tinh thần không ngừng được nâng cao theo hướng chân - thiện - mỹ.

Như một cuộc chạy tiếp sức không ngừng nghỉ, lại thêm một chặng đường mà VHNT thành phố đã đi qua. Một chặng đường trong những chặng đường. Có tiếp nối, kế thừa; có phát triển, đóng góp. Khiêm tốn, lặng lẽ nhưng không kém phần sôi sục, bứt phá, mỗi chuyên ngành VHNT đều có những thành tựu riêng theo đặc trưng nghề nghiệp, góp thêm những sắc màu làm tươi thắm thêm vườn hoa nhiều hương sắc của VHNT thành phố.

Với những thành quả đáng tự hào đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, với ý chí, tâm huyết và nhiệt tình sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ, chắc chắn những người làm công tác VHNT sẽ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, đồng hành với các tầng lớp nhân dân thành phố, làm nên những thành tựu to lớn hơn nữa trên lĩnh vực văn hóa tinh thần trong 5 năm sắp tới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng văn hóa, xây dựng con người Đà Nẵng.

Nâng cao chất lượng các Hội chuyên ngành

Trước thềm Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố (nhiệm kỳ 2014-2019), lãnh đạo một số Hội chuyên ngành chia sẻ tâm tư xung quanh vấn đề: Làm sao nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội và nâng cao chất lượng sáng tác của hội viên.

* Ông Nguyễn Trường Hoàng - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu

Nhiệm kỳ vừa qua, Hội Nghệ sĩ sân khấu đã nỗ lực tổ chức các hoạt động sáng tác, biểu diễn. Song, hoạt động văn hóa nghệ thuật không theo kịp đà phát triển năng động của thành phố. Những người làm văn hóa nghệ thuật và nghệ sĩ rất mong lãnh đạo thành phố tạo điều kiện, hỗ trợ đầu tư văn hóa nghệ thuật để chúng tôi có điều kiện sáng tác, dàn dựng những tác phẩm đạt chất lượng cao hơn… Sự đãi ngộ của Nhà nước và thành phố còn hạn chế nên giới trẻ không muốn đến với nghệ thuật sân khấu.

* Ông Hồ Đình Nam Kha - Chủ tịch Hội Mỹ thuật

Điều trăn trở lớn nhất của tôi là làm sao mọi người đồng lòng, đoàn kết, nâng cao nhận thức, góp sức xây dựng Hội ngày càng vững mạnh.

Muốn có những tác phẩm chất lượng tốt, trước hết phải có nhiều hoạt động phong trào như: triển lãm, trại sáng tác… Cần tạo nhiều sân chơi cho hội viên. Hội cần tổ chức nhiều cuộc triển lãm hơn nữa để có nhiều tác phẩm tốt hơn phục vụ công chúng yêu mỹ thuật.

* Ông Lê Huân - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa

Quy chế của Sở Nội vụ thành phố chưa coi Hội chuyên ngành chúng tôi là hội chính trị-xã hội-nghề nghiệp mặc dù chúng tôi là thành viên của Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật, là Hội có tính đặc thù, là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp. Tuy vậy, chúng tôi - những nghệ sĩ sáng tạo vẫn luôn trăn trở để nâng cao nhận thức, hiểu biết chính trị để khám phá, sáng tạo những tác phẩm có giá trị.

Ngoài sự nỗ lực tự thân của mỗi nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ kinh phí, bởi mỗi tác phẩm múa ra đời để đến với đông đảo công chúng đòi hỏi rất nhiều công sức và kinh phí đầu tư. Tôi nhận thấy sự chỉ đạo, quản lý văn hóa của thành phố không chú trọng việc phát huy, phát triển nội lực sẵn có. Nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ lễ hội của thành phố đều đi ngoài tỉnh thực hiện, kể cả việc sáng tác và biểu diễn. Trong khi đó, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Âm nhạc có đầy đủ NSND, NSƯT và hàng trăm diễn viên có khả năng sáng tạo, biểu diễn, có tình yêu, có sự gắn bó mật thiết với sự phát triển văn hóa thành phố.

* Ông Huỳnh Hùng - Chủ tịch Hội Điện ảnh

Sáng tạo nghệ thuật là lĩnh vực của từng cá nhân nghệ sĩ. Ngay cả tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình nhất thiết phải có nhiều người tham gia nhưng vai trò của cá nhân có ý nghĩa quyết định.

Để có được những bộ phim “đi cùng năm tháng”, người nghệ sĩ phải hòa mình, phải “dấn thân” giữa dòng đời để từ đó phản ánh một cách chân thực, sâu sắc, sinh động những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, bức xúc.

Chất lượng tác phẩm nghệ thuật trước hết phụ thuộc vào tài năng của từng cá nhân văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, nếu được hỗ trợ, động viên cả tinh thần và vật chất (qua việc đầu tư sáng tác, quảng bá, trao giải thưởng…), người nghệ sĩ có cảm hứng hơn, có điều kiện hơn để thai nghén rồi sản sinh những đứa con tinh thần cho xã hội. Không ai khác, Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành phải làm thật tốt nhiệm vụ này…

* Ông Trần Ái Nghĩa - Chủ tịch Hội Âm nhạc

Điều trăn trở của tôi cũng như của các nhạc sĩ và người yêu nhạc Đà Nẵng là sự phát triển của âm nhạc Đà Nẵng chưa tương xứng với sự phát triển chung của thành phố…

… Tôi nghĩ rằng, với nhạc sĩ, ngoài sự say mê trong sáng tạo âm nhạc, trách nhiệm với tác phẩm của mình, nhạc sĩ còn có bổn phận định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng và ngăn chặn những sản phẩm âm nhạc xấu, kém chất lượng làm ảnh hưởng đời sống âm nhạc của cộng đồng, để Hội Âm nhạc đúng nghĩa là ngôi nhà chung của các nhạc sĩ Đà Nẵng.

HUỲNH HOA ghi

BÙI CÔNG MINH

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2009-2014

;
.
.
.
.
.