Văn hóa - Giải trí

Một người Việt Nam trung hiếu

07:44, 24/11/2014 (GMT+7)

Nhiều người nhớ đến luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một phần vì dù giữ nhiều chức vụ cao nhưng suốt cuộc đời ông giữ vững nguyên tắc “hai không”: không nhà riêng, không viết gì về chính bản thân mình.

Cuốn sách Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - hành trình yêu nước do NXB Trẻ ấn hành.
Cuốn sách Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - hành trình yêu nước do NXB Trẻ ấn hành.

Và 16 năm sau khi ông mất, mới có một cuốn sách khá dày dặn về ông. Đó là cuốn Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - hành trình yêu nước do NXB Trẻ ấn hành.

Con viết sách về cha

Điều đặc biệt của cuốn sách là hơn 300 trang sách khổ lớn này do tác giả Nguyễn Hữu Châu, con trai của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chấp bút và tập hợp tư liệu. Có đọc hết cuốn sách mới cảm nhận hết cách sống trong sạch, khiêm tốn của một trí thức tiêu biểu giữa thế kỷ 20.

Qua ngòi bút của con trai, chân dung luật sư Nguyễn Hữu Thọ hiện lên dung dị: “Hằng ngày, cha tôi phải tiếp nhiều thân chủ, khi thì những người nông dân không một xu dính túi đến cầu cứu để nhờ cãi cho con em họ mới bị thực dân bắt; khi lại là một nhà giáo, nhà trí thức nhờ cãi cho bạn bè là chiến sĩ cách mạng thoát khỏi nhà tù thực dân... Với ai, cha tôi cũng niềm nở, ân cần và lo lắng chu đáo. Nhiều người dân ở Vĩnh Long nay đã trên 70 tuổi kể rằng việc luật sư quan tâm nhất vẫn là cãi hộ cho những người nghèo và ông không bao giờ nhận của họ tiền thù lao”.

Cách sống ấy không chỉ hằn nếp trong những người thân trong gia đình mà đã được nhiều người chứng thực. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng lúc sinh thời cũng khẳng định: “Không ít trường hợp luật sư bào chữa không lấy thù lao và cũng y như vậy, không phải thân chủ đến gõ cửa luật sư mà chính luật sư sục sạo trong đống cáo trạng để chọn “thân chủ” mà vấn đề luôn gay gắt, luôn kề cái án tử hình, bởi đó là những Hoàng Xuân Bình, Nguyễn Châu Sa (Nguyễn Thị Bình), Lý Hải Châu, Đỗ Duy Liên, cùng hàng trăm trường hợp tương tự mà luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đem hết trí lực và trái tim giành mạng sống cho họ”.

Hoạt động đầu tiên của Nguyễn Hữu Thọ chính là những việc làm của một trí thức thương dân tiêu biểu bằng hành động thiết thực như vậy. Sinh năm 1910 tại vùng Sài Gòn - Chợ Lớn cũ (nay thuộc Bến Lức, tỉnh Long An) trong một gia đình trung lưu, Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức Tây học, ông sang Pháp lúc 11 tuổi, học ở Trường trung học Mignet đến Đại học Aix-en-Provence trong 11 năm, từ năm 1921. Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật năm 1932, về nước, ông tập sự hơn 5 năm tại Văn phòng luật sư Duquesnay ở Mỹ Tho và trở thành luật sư thực thụ vào năm 1939, mở văn phòng riêng tại Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ.  

Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra ngày 23-11-1940 gây chấn động toàn Đông Dương, ông càng phát huy tinh thần thương dân và trở thành một luật sư nổi tiếng. “Lúc bấy giờ, cha tôi trong vai trò luật sư đã bày tỏ lòng yêu nước như một lẽ tự nhiên của mọi người dân mất nước bằng việc bênh vực, bào chữa cho những người dân lương thiện bị áp bức, các tù nhân yêu nước trước tòa án thực dân… Cha tôi luôn đấu tranh cho chân lý là cố không để kết án những người đã toan tháo tung xiềng xích nô lệ chỉ vì lòng yêu nước của họ”, Nguyễn Hữu Châu kể.

Hoạt động trong lòng địch

Không chỉ đơn thân bảo vệ dân, Nguyễn Hữu Thọ còn đứng ra thành lập Hội Văn hóa Sài Gòn - Chợ Lớn vào năm 1946 do ông làm Chủ tịch và bác sĩ Nguyễn Văn Hon làm Phó Chủ tịch. Ông cũng công khai lên tiếng đòi Pháp trả tự do cho 22 nhà trí thức Việt Nam yêu nước sắp bị đưa ra xét xử tại tòa án binh. Quyết liệt hơn, ông đã thay mặt đại biểu các giới ký tên vào bản tuyên bố phản kháng vụ án trên với danh nghĩa “Trưởng phái đoàn luật sư: Nguyễn Hữu Thọ”.

Những hoạt động yêu nước đã dẫn ông đến chặng đường tù ngục và lưu đày dài dằng dặc, có lúc ra tận vùng heo hút khổ cực nhất thời ấy là nhà lao Lai Châu, có lúc đưa về giam rồi quản thúc suốt 7 năm tại Phú Yên... “Ba bị đày đi một nơi nào đó thật xa, nghe nói tận ngoài biên giới (sau này lớn lên, nhìn vào bản đồ tôi mới biết đó là Mường Tè). Suốt hai năm trời, mẹ và tôi không gặp ba vì đường sá xa xôi cách trở. Vắng ba, gia đình tôi gặp biết bao khó khăn. Bệnh của má ngày càng trở nặng, vì má quá buồn và quá lo cho ba. Khi ba bị đưa về quản thúc ở Sơn Tây, má còn bệnh.

Bà dẫn tôi cùng chị Trân, bé Thủy ra thăm ba. Bé Thủy năm ấy mới lên ba. Bé sinh ra chỉ được mấy tháng thì ba bị bắt, nên bé không nhớ mặt ba. Gặp bé, ba mừng lắm, đưa tay ra bế nhưng bé không chịu. Ba ôm bé vào lòng dỗ dành, nhưng bé vẫn khóc thét lên. Ba phải trả bé lại cho bà, mặt buồn rười rượi. Năm ấy, tôi mới chín tuổi, còn ngây thơ quá, chưa hiểu vì sao ba buồn. Song, trí nhớ non nớt của tôi còn in đậm nét mặt của ba hôm đó”, trong hồi ức của con trai Nguyễn Hữu Châu vẫn khắc ghi rất rõ.

Cuộc đời và sự nghiệp của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là quá trình vận động từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản, gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Ông là con người tiêu biểu của tình đoàn kết dân tộc, là một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương sáng về đạo đức, tác phong, lối sống giản dị, khiêm tốn, trong sạch, hy sinh vì nghĩa lớn, không khuất phục trước cường quyền, không sa ngã trước tiền tài danh lợi, vì lý tưởng cộng sản cao đẹp. Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã hiến dâng trọn đời cho Tổ quốc, cho dân tộc. Đúng như sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đánh giá: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ quả là một nhà trí thức yêu nước vĩ đại”.

Ông mất tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 24-12-1996. Đảng, Chính phủ và Quốc hội ra thông báo đặc biệt tổ chức quốc tang trong 2 ngày. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng đầu Ban lễ tang đã xúc động đọc điếu văn: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức yêu nước, một nhà hoạt động chính trị và xã hội mà tiếng tăm vượt khỏi ranh giới quốc gia, là một luật sư tài năng, một ngọn cờ tập hợp quần chúng đầy uy tín, một người Việt Nam trung hiếu, một nhân cách khả kính...”.

Với những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ta và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Ông cũng được Nhà nước Liên Xô tặng Giải thưởng quốc tế V.I. Lênin và Huân chương Hữu nghị vì sự nghiệp củng cố hòa bình giữa các dân tộc; Nhà nước Cuba tặng Huân chương Đoàn kết - chiến đấu; Nhà nước Bulgaria tặng Giải thưởng Đimitrốp; Hội đồng hòa bình thế giới tặng Huân chương Joliot Curie.

HOÀNG THU PHỐ

.