Ca sĩ Lê Cát Trọng Lý tâm sự rằng, cô thấy hạnh phúc khi có thể sống bằng tình yêu âm nhạc. Với Lý, sáng tác và ca hát là hai việc không thể tách rời.
Lê Cát Trọng Lý nói rằng, cô thấy hạnh phúc khi có thể sống bằng tình yêu âm nhạc. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Là nghệ sĩ trẻ nhưng Lý được đánh giá là sâu sắc và già dặn hơn so với tuổi. Nhạc của Lý từ kỹ thuật âm nhạc đến ca từ đều đầy tính chiêm nghiệm, triết lý. 7 năm theo nghiệp ca hát, cô đã định hình trong lòng người yêu nhạc hình ảnh một nghệ sĩ độc lập trên con đường nghệ thuật không bằng phẳng.
Có người nói cô có đôi nét khiến người ta liên tưởng đến cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Lý cười và nói rằng đó là so sánh quá khập khiễng.
Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ quá lớn, quá tài hoa; còn Lý tự nhận mình chỉ là một người đang tìm đường, còn quá nhiều non nớt và vụng dại. Có điều, cô vẫn sẽ đi trên con đường đã chọn, với mong muốn đem đến cho người yêu nhạc sản phẩm âm nhạc thuần khiết nhất, bình dị nhất.
Vì vậy, trong sáng tác hay ca hát, Lý vẫn chọn cách gạt bỏ hết những gì thuộc về hình thức, nằm ngoài bản chất của âm nhạc. Lý chọn không gian tĩnh gần như tuyệt đối để thể hiện nhạc của mình, mặc dù biết rằng, thứ âm nhạc như vậy có thể rất kén khán giả. Thậm chí, một số khán giả còn thấy nhạc cũng như cách trình diễn của Lý tẻ nhạt và nhàm chán.
Khó chiều theo ý của tất cả mọi người
Khi Lý đột nhiên cắt tóc ngắn, có người cho rằng, Lý ngông, nổi loạn. Cô từ tốn nói rằng, đó là kiểu tóc cô thích sau chuyến hành hương đất Phật từ Tây Tạng về Việt Nam. Cô không cố ý tạo phong cách hay nổi loạn gì, chỉ đơn giản vì Lý còn trẻ, có thể làm gì mình thích, miễn không gây ảnh hưởng đến người khác.
Ngay cả khi kiểu tóc ngắn khiến chính gia đình và bạn bè phản đối, Lý cũng mặc kệ, bởi “chiều theo ý của mọi người thì mình khó là mình lắm”. Hơn nữa, theo Lý, nếu người ta yêu mến cô chỉ vì đầu tóc xù dễ thương hay vẻ ngoài ngộ nghĩnh thì không ổn, chỉ có tình yêu dành cho con người thật và âm nhạc của Lý mới là đích thực và bền lâu.
Lý tâm sự rằng, không phải cô không biết âm nhạc và cách trình diễn của mình có thể đem đến cho một bộ phận người nghe cảm giác tẻ nhạc, thậm chí buồn ngủ. Nhưng cô không có ý thay đổi, như liveshow Mùa thu trong em (tháng 11-2013) hay Thu của những ngày xanh mà Lý vừa cống hiến cho khán giả quê nhà Đà Nẵng tối 23-11 vừa qua, thì Lý vẫn là Lý - cô vẫn hát trong một không gian chỉ có chỗ cho âm nhạc, không gian của tự sự, tĩnh lặng và trong trẻo.
Lý đặc biệt thích mùa thu và đó là lý do mà hai lần liên tiếp cô chọn thời điểm này để hát tại quê nhà. Lý bộc bạch: “Em thích cái mùa ấm áp, trong lành, không mưa nhiều, không nắng lắm, cũng là thời điểm người ta không tất bật như đầu năm và cũng không khổ sở như cuối năm”. Nếu có cơ hội, sang năm, Lý vẫn muốn mang mùa thu về Đà Nẵng. Nhưng mỗi năm mỗi khó, mọi thứ không thể hứa trước điều gì. Bởi, không như nhiều tên tuổi trong giới showbiz hào nhoáng, người ta có thể có những ekip “to đùng, để lo hết mọi việc từ A-Z”, Lý thì không, mọi sự kiện âm nhạc của Lý đều do cô và những cộng sự thân thiết tự làm, từng việc một, không nhà tài trợ, không ban này bệ nọ hoành tráng.
Cô cần làm sao tiết kiệm chi phí nhất, đem đến cho người xem giá vé rẻ nhất nhưng chương trình vẫn chất lượng. Lý yêu những món quà được gói tỉ mẫn, những tấm thiệp tự làm mà người ta vẫn tặng nhau trong dịp sinh nhật ngày xưa, những sân khấu mộc mạc… - những niềm vui mang tính tinh thần dường như đã dần nhạt nhòa trong đời sống vội vã.
Lý cho rằng, khi mình có trong tay ekip này, ekip nọ thì mình phải lo quản lý, như người ta có của thì phải giữ lấy, có người phải giữ lấy người, có danh tiếng phải giữ danh tiếng. Mà nếu suốt ngày phải lo những việc như thế thì còn thời gian đâu để làm nhạc? Vậy nên, nhu cầu cuộc sống của Lý sẽ chỉ là những cái rất căn bản, vừa đủ. Và để đủ sống, với Lý, cũng đã phải rất cố gắng rồi.
Làm nghề gì, theo Lý, cũng có hai phần, phần vì mưu sinh, phần vì sở thích, Lý luôn nói rằng, mình may mắn khi có thể kiếm sống được từ tình yêu âm nhạc. Lý không phải làm điều mà mình không thích, có thể cân bằng được nhu cầu và sở thích. Với Lý, đó là một hạnh phúc và điều kiện cần của nghệ sĩ.
Âm nhạc chỉ hay khi đem đến cho người nghe sự an ủi
Lý nói rằng, những giải thưởng cũng có thể coi là các bước ngoặt trong sự nghiệp ca hát 7 năm qua của cô, như Giải Bài hát Việt (2008), hay Giải Cống hiến (2011), rồi việc sản xuất những album… Tuy nhiên, với cô, bước ngoặt lớn nhất là khi thực hiện tour Vui trong năm 2011.
Chuyến hành trình xuyên Việt từ thành phố Hồ Chí Minh đến Lạng Sơn đã đem đến cho cô nhiều trải nghiệm bổ ích. Có nhiều niềm vui, nhiều gặp gỡ thú vị nhưng đó cũng là lúc Lý nhận ra những hạn chế của mình để cô quyết định dừng lại, khi sự nghiệp tưởng như bắt đầu nở rộ. Lý nói: “Nếu không dừng lại, em sẽ không còn gì cả. Không dừng lại chắc em phải chuyển qua nghề khác”.
Sau Vui, Lý nhận ra rằng, cô quá trẻ và còn thiếu nhạy cảm, khéo léo trong ứng xử và các mối quan hệ. Đặc biệt, với vốn âm nhạc, cô đã giật mình tự vấn: Sau khi cháy hết mình với Chênh vênh, sau Giải Cống hiến và sau Vui, cô còn gì? Ở tuổi 23, Lý có thể hát hồn nhiên như thế, nhưng khi ở tuổi 33 hay 43, Lý còn gì? Lý ý thức rằng, cô không thể cứ du ca, lấy lòng người nghe bằng cách du ca như vậy mãi.
Lý quyết định rời showbiz để 2 năm liền lân la tìm hiểu nghệ thuật biểu đạt, nhạc cụ của chèo, ca trù, quan họ, hát văn, hát xẩm… - những loại hình nghệ thuật dân tộc luôn khiến Lý mê mẩn. Đây cũng là lúc Lý có thời gian để quan sát những loại hình nghệ thuật khác, như nghệ thuật thị giác, nghệ thuật đương đại…, gặp gỡ những văn nghệ sĩ mình thầm ngưỡng mộ. Phải đi mới biết vì học trong nhà trường, sách vở là không đủ.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Lý cũng nói rằng, bây giờ mình khác nhiều, có thể gọi đó là sự trưởng thành hơn. Lý không còn quá lý tưởng nghề nghiệp mình như trước, cũng không còn cái nhìn tiêu cực với một số loại hình giải trí như cô từng nhìn nhận. Lý cho biết, hiện cô có thể nhận lời đi hát event, vì cô nhận ra rằng, hát event cũng có ích và đó là lao động chân chính.
Song, Lý không “chạy show rầm rầm” mà mỗi năm chỉ vài cái, phù hợp với sở thích, với cái “tạng” của Lý thôi. Có điều, hát event hay những chương trình ca nhạc đầu tư bài bản, Lý cũng tự tin nhất khi hát ca khúc do chính mình sáng tác. Bởi vậy, sáng tác và ca hát với Lý là hai việc không thể tách rời. Thật khó để phân định rạch ròi Lý là ca sĩ hay nhạc sĩ. Lý thích cả hai.
Bên cạnh các loại hình âm nhạc dân tộc, Lý rất thích nhạc thế kỷ 20. Lý ngưỡng mộ nhiều ngôi sao ca nhạc thế giới cũng như trong nước, nhưng Lý tự thấy mình không rập khuôn theo hình mẫu nào. Điều cô thích nhất ở các thần tượng là sự hồn nhiên trong cách họ hát, trong cách thể hiện âm nhạc. Với Lý, âm nhạc hay khi chỉ để mà nghe, chứ không phải suy nghĩ. “Chứ nghe nhạc mà phải suy nghĩ, phân tích xem hay ở chỗ nào thì cũng không còn gì là hay nữa”, cô nói. Lý mong muốn đem lại cho người nghe thứ âm nhạc nhẹ nhàng, an ủi, dễ chịu, như cách các em bé nghe nhạc, nghe mà không cần nghĩ.
Thế nhưng, đằng sau tiếng hát trong trẻo, nhẹ tênh của “con chim xanh” Lê Cát Trọng Lý - như một thoáng bâng khuâng, như bất chợt, thì điều đọng lại trong lòng người nghe vẫn là những chiêm nghiệm, triết lý đằm sâu: “Nhiều người ôm giấc mơ giàu sang/ Vài người ôm giấc mơ bình yên/ Em cần an trú/ Em cần yêu thương…/ Xin miếng cơm luôn đong đầy/ Tình yêu cũng dâng/ Xin áo may đem cho người khắp nơi/ Xin tiếng ca đây không ngừng/ Xin sống vô tư cho ngày tiếp theo” (Nhiều người ôm giấc mơ).
THANH TÂN