Tại tọa đàm khoa học “Chắp cánh cho ca khúc Đà Nẵng đến với công chúng”, do Hội Âm nhạc thành phố tổ chức ngày 11-12 vừa qua, nhiều ý kiến của các nhạc sĩ Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã đề cập việc làm sao để đưa ca khúc Đà Nẵng đến gần hơn với công chúng.
Khi đặt vấn đề chắp cánh cho những ca khúc Đà Nẵng - ở đây hiểu theo nghĩa hẹp là các bài Đà Nẵng ca - tức chúng ta giả định rằng vấn đề chủ yếu chỉ còn nằm ở lĩnh vực quảng bá tác phẩm, cụ thể là việc tập trung tạo ra một đời-sống-thứ-hai trong công chúng nghệ thuật đối với hàng ngàn ca khúc viết về Đà Nẵng đang sẵn có. Đặt vấn đề như vậy cũng đúng, bởi so với số lượng ca khúc Đà Nẵng đếm trên đầu ngón tay đã được công diễn rộng rãi thì còn khoảng 1.000 bài Đà Nẵng ca chưa có điều kiện đến với đông đảo người nghe nhạc - trước hết là người nghe nhạc của thành phố bên sông Hàn.
Tuy nhiên, ngay trong cách đặt vấn đề như trên vẫn có chỗ cần bàn. Chúng ta chỉ có thể chắp cánh - đúng hơn là chắp thêm cánh - chứ không thể tạo ra sức bay bổng của ca khúc. Vì thế, cần đặt câu hỏi rằng, phải chăng hàng ngàn bài Đà Nẵng ca chưa được sống đời-sống-thứ-hai đều thừa sức bay bổng, chỉ chưa đủ cánh để có thể tiếp cận với công chúng, giống như dây leo khỏe đến mấy mà không được cắm chói bắc giàn thì cũng chỉ đủ sức bò tràn trên mặt đất? Và nếu chỉ vậy thôi thì cách giải quyết vấn đề không khó, chỉ cần vài cuộc liên hoan ca khúc là đã có thể chắp cánh cho hàng trăm tác phẩm âm nhạc có chất lượng nghệ thuật được trình diễn trước công chúng, được công chúng tiếp nhận và từ đó mà được sống đời-sống-thứ-hai.
Có điều e rằng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi khắc nghiệt về tính độc đáo, dị ứng với sự lặp lại, kể cả sự lặp lại của chính các tài năng. Đà Nẵng ca và nói chung là địa phương ca dễ tạo sự lặp lại, nhất là về ca từ nên có nhiều khả năng gây phản cảm. Cứ hình dung ca khúc nào viết về Đà Nẵng cũng đều vang lên những sông Hàn, Sơn Trà, Hải Vân, Bà Nà, Non Nước... thì nhàm chán biết bao! Chúng ta chỉ có thể chắp thêm cánh/cắm chói bắc giàn cho những ca khúc có khả năng giúp khán giả hình dung được hồn-đất-hồn-người đặc trưng của Đà Nẵng; còn với ca khúc nào không có được khả năng ấy thì cũng đành phải nói lời chia tay chứ còn biết làm sao! Đó là chưa kể nhiều ca khúc na ná nhau về giai điệu, nghe một bài thì hay, nghe hai bài thì hơi ngờ ngợ, nghe ba bài thì ước gì chỉ nghe duy nhất một bài thôi… Trong lý luận nghệ thuật, người ta gọi đây là “cái giá của phong cách”, bởi giữa các sáng tác của cùng một tác giả mà không có những chỗ giống nhau nhất định thì khó hình thành phong cách, nhưng nếu giống nhau quá mức cần thiết - lặp đi lặp lại - sẽ không đáp ứng được đòi hỏi khắc nghiệt về tính độc đáo.
Cho nên đặt vấn đề làm thế nào để Đà Nẵng thăng hoa trong thế giới nghệ thuật của âm thanh mới đủ khả năng bao quát được toàn bộ vòng đời của một sáng tác âm nhạc, từ hiện thực đa thanh của cuộc sống cho đến lăng kính tâm hồn và tài năng sáng tạo của người nhạc sĩ, từ một ca-khúc-được-viết-ra cho đến một nhạc-phẩm-được-hát-lên, nói khác đi là từ một nhạc phẩm được sống đời-sống-thứ-nhất trong lao động nghệ thuật của nhạc sĩ và của cả ca sĩ - với tư cách người đồng sáng tạo - cho đến một ca khúc được sống đời-sống-thứ-hai trong thị hiếu thẩm mỹ của công chúng nghe nhạc… Và đâu chỉ với ca khúc, Đà Nẵng còn có thể thăng hoa trong thế giới nghệ thuật của âm thanh với những bản nhạc không lời.
Nói vậy để thấy muốn Đà Nẵng thực sự thăng hoa trong thế giới nghệ thuật âm thanh, cần phải đầu tư không chỉ trong quảng bá tác phẩm mà còn là, và quan trọng hơn là ngay trong sinh thành tác phẩm. Tôi từng chúc anh chị em văn nghệ sĩ luôn tràn đầy cảm hứng nghệ thuật và quan trọng hơn là luôn đủ cô đơn để sáng tạo. Chính quyền thành phố chỉ có thể đầu tư để văn nghệ sĩ không còn cô đơn sau sáng tạo - tức trong quảng bá tác phẩm, chứ khó mà đầu tư để văn nghệ sĩ đủ cô đơn trong sáng tạo - tức trong sinh thành tác phẩm. Có thể nói nguồn lực đầu tư cơ bản nhất để sinh thành tác phẩm chính là nội lực của bản thân từng văn nghệ sĩ.
Người nhạc sĩ sinh thành tác phẩm trước hết là để bộc lộ, giãi bày những ý tưởng sáng tạo nghệ thuật của mình. Người nhạc sĩ viết được một ca khúc/một bản giao hưởng không phải vì người nhạc sĩ có thể viết mà là vì không thể không viết. Khi viết ca khúc Hát trong tù ở nhà giam của Nha Cảnh sát Đô thành vào đúng sinh nhật Bác Hồ năm 1970 với những lời ca lửa cháy: “Chốn lao tù là nơi ta rèn tâm trí - Đây cũng là chiến trường mà ta không cần vũ khí - Trái tim này là gang đập tan lũ người bán nước - Thân xác này là đồng ở trong có dòng máu đỏ - Máu có đổ hôm nay sẽ thắm ngọn cờ ngày mai”, Tôn Thất Lập chỉ có thể xuất phát từ sự thôi thúc bên trong, từ khát khao sáng tạo không thể cưỡng nổi của bản thân ông.
Đà Nẵng thăng hoa trong thế giới nghệ thuật âm thanh trước hết và chủ yếu là qua những ca khúc viết về Đà Nẵng, những Đà Nẵng ca phản ánh diện mạo tâm hồn của thành phố bên bờ sông Hàn đang từng ngày thay đổi, nhưng không chỉ có thế, bởi Đà Nẵng còn có thể thăng hoa trong thế giới nghệ thuật âm thanh qua những sáng tác của nhạc sĩ Đà Nẵng về một số đề tài khác, chẳng hạn các đề tài vĩnh cửu của nghệ thuật như khát vọng hòa bình, như tình yêu nam nữ, như nỗi thống khổ của kiếp người… Trong nghệ thuật âm nhạc chỉ có nhạc-phẩm-hay và nhạc-phẩm-không-hay, mà đã hay thì bất luận đề tài nào cũng đều mang nhãn hiệu cầu chứng Đà Nẵng, đều là thành tựu của âm nhạc Đà Nẵng và đều là niềm tự hào của người Đà Nẵng.
BÙI VĂN TIẾNG