Văn hóa - Giải trí
"Chắp cánh" cho hoạt động văn nghệ
Làm thế nào để hoạt động văn học - nghệ thuật thoát khỏi tình trạng làng nhàng, thiếu tác phẩm và tác giả đột phá là một trong những vấn đề đang được đặt ra bức thiết đối với việc xây dựng nền tảng văn hóa tinh thần ở thành phố Đà Nẵng.
Đà Nẵng vẫn mong mỏi có ca khúc viết về thành phố bên sông Hàn có sức tỏa mạnh mẽ đến công chúng. Trong ảnh: Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu giao lưu với khán giả Đà Nẵng ngay sau đêm nhạc mừng ông 90 tuổi. Ảnh: MINH TRÍ |
Nâng tầm sáng tạo, kích thích cống hiến
Nhiều năm nay, mỗi lần trò chuyện với chúng tôi, NSND Lê Huân - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa thành phố thường chia sẻ sự ấp ủ của ông đối với một vở kịch múa lớn về thành phố Đà Nẵng, nơi ông đã cống hiến cả tuổi thanh xuân trong chiến tranh và dành biết bao tâm huyết để góp phần xây dựng thành phố trong thời bình.
Đó sẽ là một tác phẩm về đề tài cách mạng nhưng được lấy cảm hứng từ những đổi thay, những công trình mới của thành phố trẻ Đà Nẵng và do hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ múa của Đà Nẵng biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Trưng Vương...
Cách đây hơn một năm, NSND Lê Huân vui mừng thông báo rằng đã hoàn thành kịch bản của vở kịch múa “trong tim” ông. “Nhưng đến nay, kịch bản ấy vẫn chỉ để trong ngăn bàn vì chưa có kinh phí dàn dựng”, NSND Lê Huân nói. Người đối diện không khó nhận ra trong đáy mắt người nghệ sĩ già chất chứa nỗi buồn và cả sự thất vọng.
“Có lẽ chúng ta sẽ phải phối hợp với Hội Nghệ sĩ múa Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì vở kịch mới có thể dàn dựng, biểu diễn được. Đó sẽ là câu chuyện dài nên hãy tạm gác lại”, NSND Lê Huân nói. Rồi ông chuyển câu chuyện sang chương trình ca múa nhạc tổng hợp mang tên Đà Nẵng đất Đồng Long mà Hội Nghệ sĩ múa phối hợp với các đơn vị nghệ thuật khác trên địa bàn dày công xây dựng kịch bản để chào mừng 40 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng.
Hiện kịch bản đã được hoàn thành, đang chuẩn bị dàn dựng âm nhạc. Mở đầu chương trình sẽ là dàn hợp xướng của các em nhỏ và kết thúc trong khúc ca điệu múa ngợi ca tình người Đà Nẵng. “Cái tình người sẽ là điều đọng lại sau cùng”, NSND Lê Huân chia sẻ.
Nhưng cũng giống vở kịch múa tầm cỡ quốc gia, chương trình ca múa nhạc gần kề ngày Giải phóng Đà Nẵng vẫn đang trong tình trạng phấp phổng chờ kinh phí từ trên. Không biết khi nào được duyệt? Kinh phí được duyệt có đủ đáp ứng yêu cầu chương trình?
Đó là những lo lắng của những nghệ sĩ tâm huyết. “Đã đến lúc Đà Nẵng đầu tư để có những tác phẩm tầm vóc chứ không thể manh mún, bình bình như trước. Nghệ sĩ, diễn viên Đà Nẵng cần được tôi luyện trong những chương trình nghệ thuật lớn, chất lượng cao thì mới nâng cao được năng lực sáng tạo”, NSND Lê Huân đúc rút.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng Võ Văn Hòe chia sẻ: “Chúng tôi cũng ước ao nhiều lắm nhưng điều kiện có hạn nên nhiều việc của hội phải hoàn thành theo kiểu “giật gấu vá vai” để thỏa mãn một phần đam mê, tâm huyết”.
Khi kinh phí được cấp để làm một cuốn sách hàng trăm trang chỉ 5 triệu đồng thì những nhà nghiên cứu của Hội Văn nghệ dân gian thường chọn cách in 1 cuốn, còn lại photo thêm vài chục bản, ngay cả phát cho các hội viên còn chưa đủ nên thật khó để nói đến chuyện quảng bá, trao truyền, phát huy giá trị.
Theo ông Hòe, hiện tại ở Đà Nẵng có biết bao vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa dân gian còn bỏ ngỏ như các lễ hội truyền thống, âm nhạc cổ truyền, trò chơi dân gian…, nhưng nếu chỉ bằng tâm huyết, đam mê không thì thật khó để có những công trình nghiên cứu bài bản, đến nơi đến chốn.
“Điều chúng tôi lo lắng nhất là những người lưu giữ một vốn liếng văn hóa dân gian dày dặn ở Đà Nẵng còn rất ít và đa phần tuổi cao sức yếu, nếu không tranh thủ thì e rằng sự kết nối văn hóa khó được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”, ông Hòe nói.
Cần “bà đỡ” cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật
Thời gian gần đây, đã có những chuyển biến trong sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo thành phố đối với lĩnh vực văn học - nghệ thuật trên địa bàn.
Dù sự đầu tư chỉ mang tính hỗ trợ thì đối với các văn nghệ sĩ, đó thực sự là nguồn động viên tinh thần rất lớn để họ dồn tâm sức sáng tạo, cống hiến. Chẳng hạn, khi thành phố đồng ý đầu tư xuất bản cuốn Địa danh Đà Nẵng - công trình chào mừng Ngày giải phóng Đà Nẵng với kinh phí 50 triệu đồng, với cuốn sách dày cả ngàn trang, in 100 bản thì chi phí đó chỉ đủ in ấn, còn các tác giả xem như viết “chay”.
Nhưng ông Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, đơn vị được giao hoàn thành công trình, quả quyết: “Đến Tết này, cuốn Địa danh Đà Nẵng nhất định sẽ được hoàn thành, bởi đó là niềm vui, là tâm huyết của chúng tôi”.
Quỹ sáng tạo văn học - nghệ thuật của thành phố được thành lập từ 10 năm trước nhưng đến nay chưa một ngày hoạt động vì không có “quỹ”. Mới đây, tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến với Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật, quỹ này mới được khôi phục với nguồn hỗ trợ 500 triệu/năm từ thành phố. Nhưng nguồn kinh phí ấy mà chia đều cho 10 hội chuyên ngành thì thật khó.
Chủ tịch hội Âm nhạc thành phố Trần Ái Nghĩa đã phát biểu tại buổi “gặp mặt lịch sử” giữa Chủ tịch UBND thành phố với các văn nghệ sĩ: “Đà Nẵng chưa bao giờ đứng thứ nhì trong các liên hoan âm nhạc khu vực, chưa bao giờ không chiếm số lượng giải lớn trong các cuộc thi, trại sáng tác toàn quốc; đã có hàng nghìn ca khúc viết về Đà Nẵng nhưng rất ít ca khúc được “chắp cánh”, được đầu tư quảng bá bài bản để đến với đông đảo công chúng.
Lãnh đạo thành phố nên động viên, khuyến khích, hỗ trợ, là “bà đỡ” cho các hoạt động sáng tạo văn học - nghệ thuật. Đừng để các sáng tác âm nhạc chỉ để trong ngăn bàn, đừng để nghệ sĩ chúng tôi đến một lúc nào đó chỉ viết những điều nhỏ nhặt cho bản thân, cho một nhóm bạn bè… thì buồn lắm”…
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, Đà Nẵng còn thiếu những buổi gặp mặt, tọa đàm, hội thảo tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ bày tỏ những dự định sáng tạo với lãnh đạo thành phố, để từ đó họ có thể dồn hết tâm sức cống hiến. Bên cạnh đó, cần chính sách hỗ trợ để ngày càng có nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng miễn phí phục vụ nhân dân thành phố, đặc biệt với những địa bàn khó khăn. Đó cũng là những đề xuất với mong muốn nâng cao đời sống tinh thần cho người Đà Nẵng…
Đà Nẵng đang trong cuộc “đại phẫu” văn hóa! Đã có ý kiến khái quát như vậy và dư luận vẫn đang dõi theo những động thái tích cực, những thay đổi mạnh mẽ từ phía lãnh đạo thành phố trong chính sách đầu tư thể hiện sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đối với sự nghiệp văn hóa. Lãnh đạo thành phố kỳ vọng văn nghệ sĩ kỳ vọng và người dân Đà Nẵng đang kỳ vọng cuộc chuyển mình mạnh mẽ, một diện mạo mới đối với hoạt động văn hóa - văn nghệ của Đà Nẵng, mà ở đó, hoạt động sáng tác cần được “chắp cánh” để bay cao hơn, xa hơn.
THANH TÂN