.

Cười ra nước mắt với Bệnh sĩ

.

Cười thắt ruột, cười ngặt nghẽo, cười ra nước mắt… với Bệnh sĩ là những xúc cảm mà hàng trăm khán giả yêu mến kịch Lưu Quang Vũ có mặt tại Nhà hát Trưng Vương tối 28, 29 và 30-11 có dịp trải nghiệm.

Cảnh trong vở Bệnh sĩ do Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn. Ảnh: NGỌC DUNG
Cảnh trong vở Bệnh sĩ do Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn. Ảnh: NGỌC DUNG

Kịch bản sân khấu cuối cùng của cố nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ - vở kịch Bệnh sĩ đã được Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng, biểu diễn.

“Càng nghèo, càng khó, càng cần tiếng nổ to…”

Bao trùm vở kịch Bệnh sĩ là cảnh người người, nhà nhà căng thẳng, nhốn nháo, toát mồ hôi… vì sĩ diện, vì háo danh. Nhốn nháo ngay cảnh mở màn xã Cà Hạ đổi tên thành xã Hùng Tâm, nhốn nháo cho đến khi vở kịch kết thúc.

Trong buổi lễ đổi tên trọng đại, Chủ tịch xã Toàn Nha quyết định Hùng Tâm từ nay không trồng hoa màu nữa mà chuyển sang phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ. Trong đó, sản xuất pháo, nuôi lợn và thu mua lông gà lông vịt là 3 ngành mũi nhọn, với khát vọng nay mai Hùng Tâm sẽ trở thành điển hình của cả huyện, cả tỉnh, thậm chí cả nước, để ai ai cũng ao ước: “Sáng mai ngủ dậy được là người Hùng Tâm”. “Mình đang là Cà Hạ, mở mắt phát thành Hùng Tâm, nghe oai phết!”, Chủ tịch xã Toàn Nha tâm đắc.

Thế là từ đó, cả xã nhốn nháo, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch xã Toàn Nha và “cố vấn” Văn Sửu, khẩn trương xây dựng hình ảnh của mình làm sao cho xứng với cái danh ấy. Vì từ nay, ông Độp hoạn lợn đã trở thành Chủ nhiệm Trung tâm triệt sản gia súc, ông Thìn chuyên nghề đan lát đã trở thành Chủ nhiệm Trung tâm công nghệ, bà Thủ chủ cửa hàng tạp hóa nay trở thành Chủ nhiệm Công ty dịch vụ thương nghiệp, cô Xoan Bí thư Đoàn trở thành Chủ nhiệm Trung tâm xay xát lương thực…

Ông Toàn Nha, người tự nhận là ít chữ nhưng có ý chí tiến thủ và hoài bão lớn, nhất quyết chọn làm pháo là một trong 3 mũi nhọn kinh tế của xã Hùng Tâm. Vì theo nhìn nhận của ông, “đời sống người Việt Nam ta không thể thiếu tiếng nổ. Càng nghèo, càng khó, càng thiếu thốn, càng cần tiếng nổ to”… Chủ tịch xã Toàn Nha nói như đinh đóng cột, như thể ông chưa bao giờ phát biểu một câu chí lý như thế. Và quả thật, Chủ tịch xã Toàn Nha đã phát biểu quá hay, hay đến day dứt, để rồi, với những ai đã chăm chú theo dõi vở kịch từ đầu chí cuối đến khi ra về vẫn không thể quên được.

Suốt vở kịch, nhân vật Văn Sửu (do nghệ sĩ Xuân Bắc thủ vai) - một anh chàng giỏi nịnh hót, mưu mẹo và cũng rất háo danh, với câu nói cửa miệng “Chính!”, hễ xuất hiện lại khiến cả khán phòng cười nghiêng ngả. Cười từ màn huấn luyện các thôn nữ đi mua lông gà, lông vịt, đến những đoạn Văn Sửu líu cả lưỡi, khựng cả người khi tiếp đón “đồng chí” nhà văn tầm cỡ quốc gia (dỏm), khi hay tin Hưng (cháu ông Thìn) là thuyền trưởng Vossco…

Rồi những “âm mưu” mượn lợn, mượn trường học để làm trang trại; sáng tác logo in hình tràng pháo và lông gà; màn văn nghệ sử dụng đạo cụ là thúng, quang gánh để đón tiếp truyền hình và nhà văn (dỏm)... do Văn Sửu thiết kế, dàn dựng, chịu trách nhiệm sản xuất tiếp tục khiến người xem bật cười.

Gỗ thật còn hơn bạc giả

Đan xen khung cảnh nhốn nháo của cả xã Hùng Tâm, Bệnh sĩ còn chứa đựng những khoảng lặng trong chuyện tình không mấy suôn sẻ của kỹ sư Nhàn và thuyền trưởng Hưng vì bệnh sĩ của người lớn; trong những tia sáng chợt lóe lên từ ý thức của người trẻ muốn phê phán, đẩy lùi bệnh sĩ đang hoành hành nơi gia đình, xóm làng. Nhưng đôi khi chính họ cũng không thể chiến thắng cái “sĩ” vẫn tồn tại đâu đó trong chính mình.    

Khi ấy, những câu nói như: “Sắm cho mình cái kính để người ta nhìn vào thấy mình là người có chữ”; “càng nghèo, càng khó, càng thiếu thốn, càng cần tiếng nổ to”, “quan trọng là cái tiếng, cái tiếng, ông hiểu không?”; “Ô hay, có phải mình mày nói dối đâu, cả xã nói dối, cả huyện nói dối, cả nước đang nói dối. Cho nên mày hãy dối một lần cho tao nhờ...”.

Có thể nói, với Bệnh sĩ, sự hài hước vẫn không thể làm nhạt đi sự sắc sảo, sâu cay vốn là đặc điểm lời thoại trong kịch Lưu Quang Vũ.

Kết cục dở khóc dở cười khi Chủ tịch xã Toàn Nha bị thương vì pháo, mọi người một phen hoảng loạn, thì ai nấy đều nhận ra rằng, thà “gỗ thật còn hơn bạc giả” - như lời của một nhân vật trong Bệnh sĩ thốt lên.

Chăm chú xem vở kịch từ đầu đến cuối vào tối 28-11, ông Nguyễn Hà (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) nói rằng, lâu lắm rồi ông mới có dịp được xem một vở kịch thú vị, được cười nhiều đến vậy.
Đâu đó có vài ý kiến cho rằng, vở diễn chưa khai thác hết ý thâm sâu của kịch bản khi phê phán một thói xấu thâm căn cố đế của người Việt; có những khoảng sự nhốn nháo, ồn ào vượt quá mức cần thiết; xem xong Bệnh sĩ, người ta vẫn thấy thiêu thiếu cái gì đó…

Nhưng dẫu sao, không chỉ đối với ông Hà mà với những khán giả Đà Nẵng đến Nhà hát Trưng Vương tối 28, 29 và 30-11, Bệnh sĩ vẫn đem lại cho họ những trải nghiệm khó quên, bởi kịch nói đang là một khoảng trống không dễ lấp đầy trong đời sống văn hóa - nghệ thuật hiện tại của người Đà thành.

NGỌC DUNG

;
.
.
.
.
.