.

Đêm sông Hàn chinh phục người Hàn Quốc

.

Gần một năm nay, Đêm sông Hàn - chương trình nghệ thuật mới biểu diễn phục vụ khách du lịch do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dàn dựng, biểu diễn đã chinh phục hàng ngàn lượt khán giả, trong đó có khán giả đến từ xứ sở kim chi.

Trích đoạn tuồng Ông già cõng vợ đi xem hội – một trong những tiết mục “đinh” của chương trình nghệ thuật Đêm sông Hàn. Ảnh: T.TÂN
Trích đoạn tuồng Ông già cõng vợ đi xem hội – một trong những tiết mục “đinh” của chương trình nghệ thuật Đêm sông Hàn. Ảnh: T.TÂN

Đậm đà bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn và đầy tinh thần hội nhập là những nét hấp dẫn mà người xem có thể cảm nhận được từ những trích đoạn tuồng đặc sắc, múa Chăm, những màn độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc trên nền nhạc Hàn Quốc, điệu nhảy, tập tục dân gian… của Đêm sông Hàn.

Từ tích Ông già cõng vợ đi xem hội…

Ngày xuân mọi người nô nức đi trẩy hội. Công tử Cà Lắp, con quan Thiên hộ trong phủ Chúa, cậy quyền thế luôn tìm ghẹo các cô gái đẹp. Thấy một ông già cõng cô vợ trẻ trên lưng, tên Công tử Cà Lắp sinh lòng ham muốn chiếm đoạt vợ người. Ông già đã chứng minh sức mạnh và tình yêu của mình với nguyên lý “chồng vợ bất ly thân”, đồng thời dạy cho tên công tử một bài học nhớ đời và bảo vệ được người vợ trẻ. Đó là nội dung trích đoạn tuồng Ông già cõng vợ đi xem hội - một trong những tiết mục “đinh” của Đêm sông Hàn, do tập thể Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dàn dựng, biểu diễn và lần đầu tiên phục vụ khách Hàn Quốc từ tháng 4 đến nay.

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, cho biết trích đoạn Ông già cõng vợ đi xem hội xuất phát từ một trò diễn dân gian lâu đời trong nhân dân, sau đó tích này được đạo diễn, NSND Nguyễn Ngọc Vương sưu tầm, chỉnh lý, nâng cao về nghệ thuật. Năm 1979, NSND Đàm Liên là người đầu tiên biểu diễn.

Trích đoạn chỉ kéo dài gần 10 phút nhưng qua đó, nghệ thuật tuồng một lần nữa cho thấy sức tái hiện cuộc sống một cách khác lạ, cùng một lúc người nghệ sĩ đóng hai vai: ông già và người vợ trẻ, tạo sự hấp dẫn cho người xem. Tiết mục từng được biểu diễn thành công ở nhiều nước trên thế giới. Với những giá trị đặc sắc, khác biệt của trích đoạn tuồng, nhà hát đã chọn đây là một trong những điểm nhấn của chương trình nghệ thuật mới Đêm sông Hàn.

Nét mới của Đêm sông Hàn so với Bức tranh quê, hay những chương trình nghệ thuật truyền thống phục vụ khách du lịch đã khá quen thuộc tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh những năm qua là sự xuất hiện của những tiết mục hòa tấu, độc tấu bằng nhạc cụ dân tộc trên nền nhạc Hàn Quốc.

Ông Tuấn cho biết, đó là những bản nhạc Hàn chọn lọc do nhà hát phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hanasan Hàn Quốc tại Đà Nẵng - đơn vị kết nối các tour du lịch từ Hàn Quốc đến Đà Nẵng cân nhắc, lựa chọn. Đồng thời, cô đọng từ 45-70 phút, trong kết cấu của Đêm sông Hàn, bên cạnh múa trình tường mở màn, mang lời chúc tốt đẹp và những điều may mắn nhất đến người xem, vẫn có sự đan xen của những tiết mục múa Chăm, độc tấu đàn bầu Cung đàn đất nước, độc tấu đàn Tơ-rưng, múa hát sắc bùa…

… đến múa sạp ngày xuân

Xem chăm chú từ đầu đến cuối, hồi hộp khi xem những đoạn tuồng gay cấn, cười sảng khoái khi hiểu ra điều gì đó ý nhị, hài hước, vỗ tay theo những điệu nhạc, vỗ tay khi tiết mục vừa bắt đầu và vỗ tay giòn giã khi một tiết mục kết thúc, rồi dồn lên sân khấu và thả mình theo những bước nhảy sạp giàu màu sắc của dân tộc Việt Nam…, đó là những gì mà hàng ngàn lượt khán giả đến Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh có dịp trải nghiệm với Đêm sông Hàn.  

Ông Jong Young San, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Hanasan nói: “Tôi đã bị mê hoặc bởi những bước nhảy khéo léo, uyển chuyển khi xem múa sạp ngày xuân. Tôi cũng không thể thôi nghĩ về những câu hát tuồng khỏe khoắn, những câu chuyện kể giản dị của đất nước các bạn mặc dù tôi có thể chưa hiểu hết ý nghĩa”, ông Jong Young San nói.

Và chính sức hút không thể cưỡng lại được của những chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc ấy mà vị giám đốc người Hàn Quốc đã tình nguyện làm MC các chương trình Đêm sông Hàn thời gian qua với mong muốn chuyển tải đầy đủ nhất, sát nhất những giá trị nghệ thuật cũng như nội dung tư tưởng của chương trình đến khán giả quê nhà.

Trong khi đó, với ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đêm sông Hàn xuất phát từ đơn đặt hàng của một đơn vị lữ hành Hàn Quốc là một trong những chương trình nghệ thuật mới. Đây cũng là một nỗ lực thu hút thêm khán giả, để Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh có thể đỏ đèn hằng đêm. Khi đó, nghệ thuật tuồng cùng những loại hình nghệ thuật truyền thống khác của Việt Nam sẽ có dịp đến với bạn bè quốc tế và lưu truyền mãi.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.