Văn hóa - Giải trí

Danh hiệu gia đình văn hóa bị xem nhẹ

08:02, 13/01/2015 (GMT+7)

Thời gian qua, việc bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (GĐVH) mang nặng tính hình thức, dẫn đến tình trạng nhà nhà đều được công nhận GĐVH, nên danh hiệu này bị xem nhẹ.

Thống kê cho thấy, năm 2014, toàn thành phố có 184.606/242.230 hộ đạt danh hiệu GĐVH (đạt 76,21%, tăng 1,01% so với năm ngoái). Có 4.564 tổ dân phố, thôn đạt chuẩn văn hóa (đạt 78,04%, tăng gần 4% so với năm ngoái).

Có cũng được, không cũng chẳng sao!

Về lý thuyết, tỷ lệ đạt danh hiệu GĐVH cao thì con người sẽ văn minh hơn và xã hội lành mạnh, tiến bộ hơn. Tuy nhiên thực tế, số người vi phạm pháp luật, nhiễm HIV không có dấu hiệu giảm; vẫn tồn tại tình trạng tệ nạn ma túy, bạo lực gia đình, đánh đề… trên địa bàn thành phố.

Con số 5.449 vụ việc được TAND hai cấp ở thành phố Đà Nẵng thụ lý trong năm 2014, tăng 167 vụ so với năm ngoái; toàn thành phố có 1.779 trường hợp nhiễm HIV (774 trường hợp chuyển sang AIDS và 441 ca tử vong do AIDS)… khiến nhiều người dân băn khoăn về chất lượng thật sự của danh hiệu GĐVH.

Thừa nhận với chúng tôi, ông Châu Văn Sâm, tổ trưởng tổ 82, phường Thanh Bình (quận Hải Châu) cho rằng, nếu xét một cách nghiêm khắc thì không dễ đạt danh hiệu GĐVH. “Tổ 82 có 100% hộ đạt GĐVH nhưng thực chất chỉ 70% thôi”, ông Sâm nói. Cũng theo ông Sâm, nguyên nhân do tâm lý xuê xoa, nể nang lẫn nhau, sợ mất tình làng, nghĩa xóm và sợ mất danh hiệu thi đua của tổ, chi bộ…

Một khi nhà nhà đạt danh hiệu GĐVH thì người dân xem nhẹ danh hiệu này cũng là điều tất nhiên. Anh Nguyễn Quang Mên được đề cử danh hiệu GĐVH tiêu biểu của tổ 82 chia sẻ, danh hiệu GĐVH là mục tiêu để người dân phấn đấu sống tốt với gia đình, trách nhiệm với xã hội. Nhưng làm sao để hộ được nhận danh hiệu này cảm thấy tự hào, mang cái giấy chứng nhận về treo trang trọng trong nhà và những ai chưa đạt phải phấn đấu vươn lên.

Anh Mên cũng bức xúc: “Rất không công bằng khi một gia đình có nhiều cố gắng cùng nhận danh hiệu GĐVH với gia đình lâu lâu mới đi họp tổ dân phố, hay gia đình có người chơi đề, chửi bới, đánh nhau với hàng xóm… Vì thế, nhiều người chán nản và không thiết tha đăng ký danh hiệu này nữa, tổ trưởng đi vận động thì mới đăng ký”, anh Mên bức xúc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều gia đình cho biết, với họ, có danh hiệu GĐVH cũng được mà không có thì cũng chẳng sao. Bằng chứng là nhiều gia đình chẳng mặn mà gì với giấy công nhận GĐVH, nhận rồi về cất trong nhà kho hoặc để trong góc nhà…

Đưa danh hiệu GĐVH về đúng thực chất

Theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, với vai trò cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của thành phố, ngành văn hóa đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện phong trào phù hợp với truyền thống văn hóa và nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Trên cơ sở các tiêu chuẩn về gia đình đạt GĐVH mà Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa Trung ương ban hành, thành phố Đà Nẵng đã bổ sung hàng loạt tiêu chuẩn khắc khe như: đưa vào “điểm liệt” các trường hợp phát hiện hút chích ma túy, chơi số đề, cá độ, bạo lực gia đình... Trong khi đó, vẫn áp dụng tiêu chuẩn do Trung ương ban hành cho các thôn trong việc xét GĐVH, thôn văn hóa để các xã đủ chỉ tiêu về đích nông thôn mới. Như vậy, nếu căn cứ quy định của Trung ương, các thôn dễ dàng đạt 100% GĐVH, trong khi các phường không dễ gì đạt được danh hiệu này.

“Điều đó cho thấy, chủ trương của thành phố về xét công nhận GĐVH, khu dân cư văn hóa, phường văn hóa khá nghiêm khắc. So với các tỉnh, thành phố khác thì danh hiệu GĐVH của Đà Nẵng chất lượng hơn”, ông Nguyễn Hữu Chiến nhấn mạnh. Song, ông thừa nhận phong trào xây dựng GĐVH vẫn chưa đi vào chiều sâu và mang tính hình thức, từ khâu tuyên truyền vận động đến tổ chức thực hiện, kiểm tra, tổng kết, khen thưởng, nhân rộng điển hình… Vì chạy đua theo thành tích, sợ mất danh hiệu chi bộ trong sạch, vững mạnh… mà nhiều nơi đã nâng số hộ GĐVH lên hoặc giấu những người vi phạm…

Ông Nguyễn Hữu Chiến cũng cho biết thêm, thời gian tới, Sở VH-TT&DL sẽ ngồi lại cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng tìm giải pháp khắc phục những điểm hạn chế, bổ sung một số trường hợp điểm cộng, điểm trừ phù hợp (chẳng hạn, nếu tổ dân phố phát hiện người nghiện ma túy, vận động đưa đi cai nghiện thành công sẽ được điểm cộng nhằm loại bỏ tình trạng giấu người nghiện, không khai báo như trước đây); hướng dẫn các đơn vị cơ sở đánh giá, bình chọn đúng thực chất, trả lại đúng nghĩa cho danh hiệu GĐVH.

Mới đây, thành phố quyết định chọn năm 2015 là “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, cùng với việc đầu tư các công trình văn hóa trọng điểm, xây dựng con người văn hóa cho thấy sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố nhằm tạo ra đột phá mới trên lĩnh vực văn hóa. Điều này sẽ góp phần nâng cao động lực cho các cấp, ngành liên quan, cũng như người dân trong nhận thức xây dựng GĐVH.

NGỌC HÀ

.