.

Dòng sông di sản

.

“Sông Thu Bồn chảy ra cửa Đại
Lạch Bình Long chảy mãi ra Hàn
Ai về Đà Nẵng, Hội An
Cho ta nhắn gởi vài hàng tâm thư…”

Hai câu ca dao xuất phát từ vùng Điện Bàn thời ông Hường Hiệu dấy binh chống Pháp.

Với gần 30km, sông Vĩnh Điện bắt đầu từ làng Câu Nhí nối với Thu Bồn, chảy qua Vĩnh Điện rồi đến các địa danh Tứ Câu, Cẩm Sa phía bắc Quảng Nam và được gọi là sông Cái ở địa phận Hòa Vang. Tại đây nó hòa vào dòng sông Cẩm Lệ trước khi chảy ra cửa Hàn. Ngã ba hai dòng sông này trên địa bàn xã Hòa Xuân, mà khi 2 chiếc cầu Nguyễn Tri Phương và Khuê Đông hoàn thành, đứng trên cầu cao mới trông thấy rõ.

Sông Vĩnh Điện luôn có dòng nước trong xanh chảy qua nhiều làng mạc trù phú và các di tích lịch sử như thành La Qua, lăng mộ nhà cách mạng Phan Thành Tài ở phía nam và các khu du lịch sinh thái Hòa Xuân, Non Nước, làng cổ Cổ Mân sát Đà Nẵng.

Theo “Đại Nam nhất thống chí” và các tài liệu cũ, Vĩnh Điện hà trước đây là con lạch nhỏ hẹp, năm 1824, vua Minh Mạng cho đào nới rộng ra, từ Câu Nhí đến làng Cẩm Sa dài 850 trượng, đặt tên là sông Vĩnh Điện. Đến tháng 6-1925, theo Quốc triều chính biên toát yếu, lần này, thống chế Trương Đăng Minh lấy 8.000 dân phu đào chỉnh lý đường sông cho thẳng, mở rộng cửa sông để lấy nước từ Thu Bồn.

“Đây là việc trọng yếu về vận tải đường sông ở phía nam kinh kỳ..., phải đào vét thêm, mong lợi cho dân, chẳng phải muốn nhọc sức dân đâu”, vua Minh Mạng từng ra dụ cho các quan trong vùng.

Ông còn nhiều lần đích thân kiểm tra tiến độ, chém đầu viên quan ăn chặn khẩu phần của dân phu. Tương truyền, khi đi thị sát, do tình hình căng thẳng, một ngày nhà vua đã ăn đến 100 miếng trầu! Nhờ vua kiểm tra, đốc thúc, động viên tận nơi, sau 2 tháng thi công, sông đào Vĩnh Điện đã hoàn tất, nhà vua lại sai đem bò, rượu đến khao thưởng quan, dân.

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua sai đúc Cửu đỉnh để “khắc các hình tượng núi, sông, và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét. Đó là cái ý người xưa vẽ hình mọi vật; Vĩnh Điện Hà đã được khắc trên Dụ đỉnh cùng với các sông đào khác như kinh Vĩnh Tế ở Nam bộ, sông Cửu An ở Hưng Yên, sông Vệ ở Quảng Ngãi... Chính nhờ đó, trong ca dao xứ Quảng ngày nay vẫn còn truyền tụng câu ca dao:  

Biết bao giờ trả cho hết nợ Cao Hoàng.
Đào sông Câu Nhí, đắp đàng Bông Miêu…

Tiếp nước cho Vĩnh Điện Hà không chỉ có sông Câu Nhí, mà còn có lạch Bình Long chảy qua Thanh Quýt và một nhánh sông Yên chảy qua Miếu Bông. Đến đây, ta mới thấy cái giỏi về thủy văn của người xưa. Như vậy có thể thấy ngoài công dụng dẫn thủy nhập điền, vận chuyển bằng đường sông, ông cha ta đã tính toán lấy nước của cả Vu Gia và Thu Bồn cung cấp thêm cho dòng chảy Vĩnh Điện Hà tại ngã ba sông Cẩm Sa, qua sông Thanh Quýt. Vĩnh Điện là con sông quan trọng cho vận chuyển hàng hóa từ cảng thị cũ Hội An ra tân cảng Cửa Hàn sau khi sông Cổ Cò và cửa Đại bị bồi lấp!

Theo nhà văn Nguyễn Văn Xuân, sông đào Vĩnh Điện còn gắn liền với những chiếc ghe bầu chở hàng hóa từ Hội An ra Đà Nẵng, đặc biệt là hai loại đường cát trắng và quế. Lượng xuất khẩu những năm cao điểm như năm 1842 là 1.400.000 cân đường cát và 20.000 cân quế được chở thẳng sang Batavia (nay là Jakarta); Tambalang (Indonesia), Mã Lai - Singapore, Luzon (Philippines); Ma Lục Giáp (Malacca).

Con sông đóng vai trò cầu nối giữa hai cảng thị Hội An và Đà Nẵng trong một giai đoạn dài… Con sông ấy có thể nói là một di sản của Quảng Nam và Đà Nẵng về phương diện kinh tế và thủy văn…

Ngày nay, tuyến sông này vẫn giữ được dòng chảy ổn định, qua những làng mạc trù phú, những cánh đồng lúa, hai bờ sông còn có những lũy tre xanh uốn mình, soi bóng, đẹp đến hút hồn những ai mê cảnh đẹp quê hương… Nếu đứng trên hai cây cầu mới xây dựng là Nguyễn Tri Phương và Khuê Đông, ta mới thấy hết vẻ đẹp của toàn vùng, bao quát cả những khu đô thị mới phía nam khu vực quận Cẩm Lệ ngày nay, kéo dài đến tận phía Ngũ Hành Sơn huyền thoại…

Có thể nói thành phố Đà Nẵng được thiên nhiên ban cho những dòng sông, chúng gắn liền với lịch sử - văn hóa của mình là sông Hàn, sông Cẩm Lệ, sông Cổ Cò và sông Cái (đoạn cuối của Vĩnh Điện Hà). Nếu khai thông được sông Cổ Cò là khai thông phong thủy; thì giữ được cảnh quan cho sông Hàn, sông Cẩm Lệ như giữ các trục không gian kiến trúc của một đô thị xanh; thì sự tôn trọng và tôn tạo, giữ gìn con sông Cái chạy qua khu vực đang phát triển ở phía nam cũng là để bảo vệ những giá trị lịch sử nhân văn cho tương lai vậy!

Dòng sông tượng trưng cho dòng thời gian, dòng đời. Cuộc đời con người (hay một vùng đất) cũng giống như một dòng sông tuôn chảy không dừng lại!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.