Năm 2014, thành phố Đà Nẵng đầu tư lĩnh vực văn hóa khá quyết liệt, mạnh mẽ. Đây là thời cơ để ngành văn hóa bước vào năm 2015, năm văn hóa - văn minh đô thị.
Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn vở Trưng Nữ Vương vừa mới phục dựng lại. |
Dù đã về hưu lâu năm, nhưng ông Nguyễn Đình An luôn quan tâm đến nhất cử nhất động của ngành văn hóa. Lần nào gặp chúng tôi, ông cũng trăn trở nhiều về văn hóa của thành phố, nhưng lần gặp gần nhất vào cuối năm 2014, ông phấn khởi hẳn: “Trong bối cảnh ngân sách của thành phố đang khó khăn, nhưng năm nay, đầu tư cho văn hóa rất lớn, chưa bao giờ ngành văn hóa nhận được sự đầu tư lớn như lúc này. Đây là thời cơ mà không phải lúc nào cũng đến và không phải nơi nào cũng có”.
Cú hích ấn tượng
Hơn 200 tỷ đồng bố trí kế hoạch vốn đầu tư cho văn hóa thành phố năm 2014 là con số “không tưởng” so với mức đầu tư nhỏ giọt lâu nay dành cho văn hóa. Cuối tháng 12-2014, công trình Thư viện Khoa học tổng hợp đã hoàn thành 30% tiến độ theo kế hoạch. Một thư viện mới khang trang, hiện đại bên bờ sông Hàn thơ mộng sẽ mang lại làn gió mới cho văn hóa đọc. Và Bảo tàng Mỹ thuật ra đời sẽ góp phần nâng cao tính thẩm mỹ cho người dân. Rồi đây những công trình như: Công viên 29-3, Bảo tàng điêu khắc Chăm, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát lớn, Trung tâm Văn hóa thành phố, hay các trung tâm văn hóa - thể thao phường, xã, khu vui chơi giải trí… được sửa sang, xây dựng sẽ tìm ra lời giải về việc đi đâu, xem gì…
Đối với những người làm công tác quản lý văn hóa, năm 2014 là năm khó quên. Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ rằng, sự quan tâm đặc biệt của những lãnh đạo đứng đầu thành phố đối với văn hóa đã kéo theo sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên nhiều chính sách, chủ trương được đưa ra kịp thời, nhanh chóng. Đó thật sự là cú hích ban đầu, tạo động lực cho văn hóa phát triển lâu dài. “5 năm tới (giai đoạn 2015-2020), chúng ta sẽ nhận thấy văn hóa thành phố khởi sắc mạnh mẽ như thế nào”, ông Nguyễn Hữu Chiến khẳng định.
Chuyển biến trong nhận thức
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An, nếu dừng lại ở những con số đầu tư tiền tỷ cho ngành văn hóa thì chưa lột tả hết sự đột phá của ngành. Thành quả lớn nhất có lẽ là chuyển biến trong nhận thức về lĩnh vực văn hóa của lãnh đạo thành phố. Người ta nói: lãnh đạo nào, phong trào ấy. Vì thế, khi những người đứng đầu thành phố dành sự quan tâm cho văn hóa, nhất định văn hóa sẽ chuyển mình.
Không phải ngẫu nhiên mà lúc trà dư tửu hậu, người ta thường nhắc đến những câu nói rút gan rút ruột của Bí thư Thành ủy Trần Thọ như: “Chúng ta tự hào khi làm tốt việc xây dựng kết cấu hạ tầng và nhiều vấn đề khác, nhưng riêng với văn hóa, ở đây là những công trình văn hóa và điều kiện thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của người dân thành phố, thì ít thấy ai khen”; đi kèm những chỉ đạo quyết liệt: “Các công trình đã có chủ trương rồi thì phải làm nhanh đi”… Hay sự kiện Chủ tịch UBND thành phố đối thoại trực tiếp với những người làm công tác văn học - nghệ thuật càng khẳng định thành phố sẽ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho giới văn nghệ sĩ.
Đảm nhiệm lĩnh vực văn hóa - xã hội trong bối cảnh thành phố “chấn hưng” văn hóa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ truy vấn trách nhiệm của từng ngành liên quan đến cùng để nhanh chóng hoàn tất thủ tục hồ sơ, giúp các dự án quan trọng được bố trí vốn kịp thời.
Chính “lửa” nhiệt tình của những người đứng đầu thành phố đã lan tỏa, tác động đến mỗi cá nhân công tác trong lĩnh vực văn hóa và kéo theo sự vào cuộc của các ban, ngành…
Không chỉ chuyển biến nhận thức của những người làm quản lý văn hóa mà ngay cả đội ngũ sáng tạo, thực hiện văn hóa - nghệ thuật cũng đã có sự chuyển mình đáng kể. Có thể cảm nhận những tháng cuối năm, hoạt động văn hóa - văn nghệ thành phố đang khởi động và “nóng” dần lên, sẵn sàng cho những bước tiến dài hơi.
Về vấn đề này, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa trải lòng: “Thật ra, sáng tạo nghệ thuật là hoạt động tự bản thân mỗi nghệ sĩ nhưng nếu được cổ vũ, động viên tinh thần, chăm lo đời sống vật chất thì nghệ sĩ không bị vướng bận và sự sáng tạo đó sẽ thăng hoa”.
Năm 2015 là Năm văn hóa - văn minh đô thị. Gánh nặng của ngành văn hóa càng trĩu hơn. Song, ông Nguyễn Hữu Chiến nói rằng: “Cực mà vui, có nhiều việc để làm, còn hơn trước đây nhìn thấy nhiều bất cập mà không biết xoay xở thế nào”.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ