.

Làm phim về đồng đội

.

Hơn 30 phút chìm trong hồi ức, mọi người vẫn bần thần khi màn hình đã tắt. Tiếng hò da diết của NSƯT Ngọc Thủy như vọng lại những tháng mưa dầm, những ngày đói rét cùng những chiến công oai hùng và máu xương đồng đội thấm vào mảnh đất Hòa Vang kiên trung.

Ông Trần Chiến Chinh (giữa) với đồng đội và ê-kíp làm phim tại buổi trình chiếu.
Ông Trần Chiến Chinh (giữa) với đồng đội và ê-kíp làm phim tại buổi trình chiếu.

Cựu chiến binh Trần Chiến Chinh, người con của xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, hiện ở 15 Nguyễn Cư Trinh, quận Hải Châu, Đà Nẵng đã tri ân tình đồng đội bằng một nghĩa cử cao đẹp: tự bỏ tiền làm một bộ phim với tên gọi Một thời để nhớ. Nguyên do để ông làm phim bắt đầu từ những cuốn nhật ký. Học đến lớp 11, ông bỏ dở để làm biệt động thành, bị bắt rồi thoát ra được, sau đó làm bộ đội trinh sát huyện, đại đội trưởng rồi trợ lý tác chiến huyện Hòa Vang cho đến ngày giải phóng.

Đánh nhiều chiến trường, di chuyển liên tục, vậy mà ông vẫn giữ thói quen viết nhật ký. Đến nay ông vẫn còn bên mình 3 tập nhật ký rất dày, chữ viết rành mạch, chân phương. Từng sự kiện, trận đánh, đồng đội hy sinh, lòng dân với cách mạng… được ông ghi chép tỉ mỉ như một cuốn sử đầy cảm xúc về Khu 2, Khu 3 Hòa Vang. Những nhân vật trong nhật ký, người sống, người đã mất như thầm thì gọi tên hằng ngày, thôi thúc ông phải làm gì đó tri ân đồng đội, không để họ bị lãng quên. Vậy là ông nghĩ đến chuyện làm phim, dù sau khi về hưu ông chuyển ngành làm ở Công ty Dâu tằm tơ lụa tỉnh, không biết gì về lĩnh vực phim ảnh.

CCB Trần Chiến Chinh nói: “Từ cuốn nhật ký, tôi viết thành 300 câu thơ thể lục bát với tựa đề “Một thời để nhớ”. Trong đó có tên của 200 đồng đội và các bà mẹ liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) cùng các địa danh ở Hòa Vang. Tôi lại nhờ NSƯT Ngọc Thủy và anh Quốc Hộ chuyển thể dân ca bài chòi. NSƯT Ngọc Thủy và nghệ sĩ Thanh Châu trực tiếp thể hiện, khi bằng hình, khi bằng lời. Những câu thơ ngân lên xuyên suốt bộ phim thay cho lời bình”.

Có xong ý tưởng, ông Chinh bàn bạc với nguyên Huyện đội trưởng Hòa Vang Trần Thanh Bình và các đồng chí ở Khu đội 2, Khu đội 3, được mọi người ủng hộ và nhiệt tình tham gia làm “diễn viên”, tái hiện người thật việc thật trong phim. Để phim giống bối cảnh chiến trường, ông may quần áo bộ đội, mũ tai bèo cho gần 100 người. Lúc đầu cứ nghĩ quay chừng 5 lần là đủ, vậy mà đã tiến hành đến 25 lần với 6 tháng bấm máy ròng rã, đó là chưa kể có thêm nửa năm ông Chinh đi tiền trạm.

Nếu đồng đội chỉ đi 1-3 lần, thì ông phải có mặt “trên từng cây số”. Tùy theo kịch bản, đồng đội của ông có nơi đi chỉ chừng 25 người, có nơi đông đến 50 người. Tuổi đã lớn, trong đó có rất nhiều người là nữ, là thương binh, những trận đánh trước đây hầu hết ở dốc cao, đèo sâu, suối dữ, khu căn cứ heo hút, nhưng các CCB đều vui vẻ vượt qua. Từng là người trong cuộc, từng cào đất đá tìm đồng đội bị vùi lấp, từng kiếm nắm cơm để cúng một lúc 9 đồng đội hy sinh… nên việc tái hiện để đóng phim rất tự nhiên, chân thực. Thương ông Chinh lo toan quá nhiều, các CCB tự mang thức ăn mỗi lần về căn cứ.

Các địa phương nơi đoàn đi qua đã nhiệt tình giúp đỡ, bố trí cán bộ, liên hệ trước với gia đình cách mạng, nhất là các bà mẹ VNAH, mẹ liệt sĩ để đoàn gặp gỡ thuận lợi. Có người như mẹ VNAH Nguyễn Thị Hiệu sau khi đoàn quay phim 10 ngày thì bà qua đời. Mẹ không còn nữa nhưng hình ảnh mẹ trong phim vẫn lưu mãi. Một cô gái không quen bán hoa bên đường, khi biết đoàn mua hoa dâng lên các liệt sĩ đã ủng hộ một lúc 3 bó hoa to với mong muốn được thể hiện tấm lòng biết ơn với thế hệ cha anh đi trước.

Anh Nguyễn Lê Tâm (một chủ studio tư nhân chuyên làm phim ca nhạc ở Đà Nẵng) đạo diễn của phim Một thời để nhớ cho biết: “Lâu nay, tôi chủ yếu làm phim ca nhạc, vốn rất nhẹ nhàng, nhưng tâm huyết của chú Chinh đã lan truyền sang tôi. “Bửu bối” là 300 câu thơ, nhưng sau đó hằng tuần liền, bên ly cà-phê, chú kể cho tôi nghe tỉ mỉ từng trận đánh, sự kiện, để có thể hình dung hết các cảnh quay và thực hiện ý đồ tác phẩm là nơi nào có bước chân người lính Khu 2, Khu 3 thì đoàn làm phim đến đó. Cực nhất là leo lên di tích lịch sử “Hòn đá Đà Nẵng” với 1.700 bậc thang. Muốn có được cảnh hòn đá hùng vĩ, tôi và 3 anh em tổ làm phim phải thòng máy xuống hố sâu quay ngược lên. Đâu chỉ quay con người, sự kiện, phim còn là tác phẩm nghệ thuật với những cảnh tuyệt đẹp về quê hương Hòa Vang mà chúng tôi đã cố gắng đến mức cao nhất”.

Bộ phim bắt đầu bấm máy từ tháng 7-2014 và đến ngày 28-12-2014, tại hội trường UBND huyện Hòa Vang, 70 khách mời gồm các đồng chí cựu chiến binh từng lãnh đạo chỉ huy Đại đội 2, Khu ủy, Khu đội và Huyện đội, Huyện ủy Hòa Vang trước giải phóng đã có mặt trong niềm vui tay bắt mặt mừng. Và kia, từng khung cảnh trong phim kéo họ về với ngày hôm qua. Đây là “… trận đánh Gò Mè. Phú Sơn mẹ đứng bên hè đợi trông. Nhớ đêm địch phục Hòn Vòng. Chín ngày nhịn đói giữa rừng Cánh Tây. Trung Mang, Tống Cói, Ô Rây. Chia nhau củ sắn lòng đầy yêu thương. Em là Ngọc, em là Hương. Nắm cơm, viên thuốc trên đường hành quân… Ta về Đồng Nghệ, Đồng Xanh. Hòa Lương một thuở tung hoành dọc ngang. Trạm Trung bảy mốt chống càn. Bo bo Lộc Mỹ ai còn nhớ không. Trải lòng ta với núi sông…”. Đây là Hầm xẻ, Dốc Bụi tre, hang đá Ông Tương, suối Lớn, sông Yên, Cẩm Nê, Cồn Dầu, Vùng 7 Hòa Hải…

Những địa danh gắn liền với những chiến công oai hùng và máu xương của đồng đội Hòa Vang đã đổ, là lát cắt khốc liệt của cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc. Đây những tháng mưa dầm, những ngày đói rét, đêm đi đánh giặc, ngày về lại căn cứ làm rẫy, có lúc bữa ăn chỉ là bo bo, môn thục, rau tàu bay; dành gạo nấu cháo cho thương binh. “Nhớ khi cơn lũ tràn về. Đường qua Suối Lớn trăm bề gian nan. Ơn ai năm tháng cưu mang. Cho ta đôi cánh vượt ngàn bão giông…”.

Ở đâu đó, chiến tranh không có gương mặt đàn bà. Nhưng ở Việt Nam, đằng sau chiến thắng của các cánh quân là người mẹ. Mẹ ta đó, với ngọn đèn không tắt, là rổ khoai lang ngồi chờ các con đánh xong trận sẽ đi qua, là căn hầm bí mật mẹ giấu thương binh, con đường nhỏ sau hè, in bàn chân mẹ xóa dấu vết bộ đội: “Bao đêm mẹ Mẹo, mẹ Tờn. Chong đèn ngồi đợi chúng con trở về. Dẫu cho cách trở sơn khê. Nhớ về mẹ với trăm bề yêu thương”…

Hơn 30 phút chìm trong hồi ức, mọi người thảng thốt khi đã tắt tiếng hò da diết của NSƯT Ngọc Thủy và không còn màu xanh quân phục trước mặt. Nỗi xúc động khiến nhiều người chảy nước mắt. Ông Bùi Xuân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng; ông Nguyễn Văn Đáng, nguyên Bí thư Huyện ủy Hòa Vang; ông Lê Hữu Tháo, nguyên Chính trị viên trưởng Đại đội 2 đều bày tỏ khâm phục đối với CCB Trần Chiến Chinh và ê-kíp làm phim.

Ông Tháo nói: “Xem phim mà tôi cứ ước lời ca cứ vang mãi, thước phim cứ chiếu mãi. Chỉ có tình đồng đội cao đẹp mới làm được nghĩa cử cao đẹp là sản xuất ra bộ phim này”. Quá khứ được đánh thức, họ lại kể cho nhau nghe những kỷ niệm ở chiến trường Hòa Vang. Ký ức miên man ngỡ như không bao giờ hết, kéo theo những giọt nước mắt cứ thay nhau rơi, hòa trong cơn mưa phùn của ngày đông năm Giáp Ngọ. Dự định của ông Chinh là sự trải lòng một thời để nhớ với các CCB  Khu 2, Khu 3 nhân dịp 40 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng thân yêu.

HỒNG VÂN

;
.
.
.
.
.