Văn hóa - Giải trí
Ông già flycam
Chẳng biết từ bao giờ, mong muốn được lưu giữ lại những cảnh đẹp về quê hương, đất nước đã ngấm vào con người của “ông già” Lâm Tứ Khoa.
Lâm Tứ Khoa trong những chuyến tác nghiệp (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Từ một kỹ thuật viên của đài truyền hình, ông nghỉ việc, rong ruổi trong những chuyến đi dài để theo đuổi những “giấc mơ bay”.
Những chuyến bay không rẻ
Để chụp được một tấm hình đẹp về phong cảnh thì có nhiều cách nhưng ông Lâm Tứ Khoa chọn flycam. Flycam là các thiết bị (mô hình) bay mini có gắn camera để quay phim, chụp ảnh từ trên cao, ghi được những đoạn phim với cảnh quay rộng, khuôn hình độc đáo. Lần đầu tiên thấy chiếc flycam trên truyền hình, ông thích quá nên quyết tâm mua bằng được. Có máy rồi, ông chủ động đi quay những gì mình thích, đó là chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn, hay không khí rộn ràng ngày Quốc khánh 2-9…
Được biết, giá trị của mỗi chiếc flycam không hề rẻ (từ 20-40 triệu đồng/máy). Là “dân” kỹ thuật, khi máy bị trục trặc, ông có thể tự sửa được nhưng từ khi Lâm Tứ Khoa chơi flycam vào năm 2012 đến nay, chiếc máy ông đang dùng là cái thứ tư.
Theo lời kể của ông, khi quay thường tham cảnh nên không chú ý đến các chướng ngại vật hai bên và trước mắt. Do đó, máy dễ bị va đập và rơi hỏng. Ngay bản thân ông vì ham cảnh nên đã đánh rơi một máy ở sông Hàn, cái thứ hai có tính ổn định không cao nên cũng sớm bị hỏng. Và ngay dịp đầu năm mới 2015, khi đang mải mê quay ở Tây Nguyên thì chiếc máy thứ ba cũng bị rơi vỡ, không dùng được nữa.
Mỗi lần đi quay là một lần “gia tài” về hình ảnh của Lâm Tứ Khoa lại giàu hơn. Ông cho biết, tuy đã quay nhiều hình ảnh của Đà Nẵng, từ các điểm du lịch đến không khí thi công sôi động ở cầu vượt ngã ba Huế... nhưng để tả về thành phố Đà Nẵng thì không biết bắt đầu từ đâu vì có nhiều điểm cần nhấn mạnh, cần nhắc tới.
Ông cũng thường cắt những hình ảnh từ clip mình quay được để ghép thành những bức ảnh toàn cảnh lớn, đặc tả không gian rộng của thành phố. Do đó, bên cạnh những clip quay từ flycam, ông còn sở hữu những bộ ảnh độc đáo của riêng mình.
Theo ông, những bộ ảnh được tạo ra từ flycam tuy không nét nhưng mang lại không gian rộng để mọi người có thể ngắm nhìn. Đó chính là cái đặc biệt mà nếu dùng máy ảnh thì không dễ gì chụp được.
Quảng bá du lịch bằng hình ảnh
Hiện nay, Đà Nẵng cũng có nhiều người chơi flycam nhưng hầu hết là những bạn trẻ. Lâm Tứ Khoa dường như là người đầu tiên chơi flycam ở Đà Nẵng ở độ tuổi chẳng hề trẻ (58 tuổi), bởi ông muốn ghi lại những cảnh đẹp của các vùng miền trên đất nước, đặc biệt là Đà Nẵng, để giới thiệu với mọi người, nhất là khách du lịch trong và ngoài nước.
Từ trước khi chơi flycam, Lâm Tứ Khoa đã có sở thích chụp ảnh. Những bộ ảnh như “Tây Nguyên tự tình” với khoảng hơn 150 ảnh đã theo ông tham dự triển lãm ở Đắc Lắc, Gia Lai, Trung tâm Văn hóa Việt ở Hà Nội, Lễ hội văn hóa cồng chiêng; “Sắc màu dã quỳ” là bộ ảnh tiếp theo về những người phụ nữ Tây Nguyên, đời sống của người dân Tây Nguyên được thực hiện trong 6 năm và triển lãm ở Bảo tàng Đà Nẵng năm 2012; hay gần đây nhất là triển lãm “Câu chuyện của những dòng sông” năm 2013 cũng được triển lãm ở Bảo tàng Đà Nẵng.
Bộ ảnh này gồm các bức ảnh về những dòng sông ở miền Trung như: sông Hoài, sông Hương, sông Hàn… Bộ ảnh này được Lâm Tứ Khoa cắt từ những hình ảnh quay của flycam.
Những ngày này, ông tất bật với những chuyến đi quay cuối năm. Mới đây, ông tham gia làm video về Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, “đi bay” suốt 20 ngày về các điểm du lịch của 3 địa phương, giới thiệu từ cảnh đẹp đến các điểm vui chơi, mua sắm, món ăn… Ông cũng đang tất bật để chuẩn bị triển lãm bộ ảnh mang tên “Đà Nẵng vươn tới những tầm cao” vào đầu tháng 2 tới - bộ ảnh được thực hiện trong 2 năm.
Ông Lâm Tứ Khoa cho biết, suốt 2 năm qua, ông chủ yếu đi quay bằng flycam và về tự cắt, dựng ảnh. Cái khó nhất là cắt, ghép những bức ảnh dài, đòi hỏi người ghép phải có kỹ thuật tốt để người xem thấy được không gian rộng lớn nhưng không mất đi những nét đặc trưng riêng của mỗi góc hình.
Tất cả những kỹ thuật này đều là do ông tự học. Dù chưa qua bất kỳ trường lớp nào về video hay nhiếp ảnh nhưng những bộ ảnh của ông đều sinh động và có hồn, nói như cách của ông thì mỗi bức ảnh đều mang một câu chuyện.
Những bức ảnh được triển lãm lần này chủ yếu là tổng quan về Đà Nẵng gồm các điểm đến như: Sun Wheel, Bà Nà, làng đá Non nước, sông Hàn, chùa Linh Ứng, Sơn Trà… 32 bức ảnh, trong đó bức dài nhất 2,8m là hình ảnh Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Sau triển lãm, ông sẽ tặng lại bộ ảnh cho thành phố.
THU HÀ