Xem - Nghe - Đọc
Về quê ăn Tết
Khi nào thì người thành phố về quê ăn Tết? Người thành phố mà về quê ăn Tết thì thường là người “chưa thành phố”…
Tàu Tết, người về quê, người ở lại. Ảnh: L.A |
Sài Gòn tháng Chạp nóng không khác gì những tháng hè oi ả, ấy vậy mà tôi vừa soạn lại những áo mũ len, khăn choàng, găng tay và vớ cho mấy đứa nhỏ để Tết này về quê nội. Tết Đà Nẵng thường lạnh, vợ chồng con cái sống ở Sài Gòn đã quen với cái nóng quanh năm, nên Tết về phải chuẩn bị đồ ấm cho kỹ càng.
Về quê ăn Tết. Khi nào thì người thành phố về quê ăn Tết? Người thành phố mà về quê ăn Tết thì thường là người “chưa thành phố”. Ra khắp các bến xe, bến tàu những ngày cận Tết mà xem, đa phần là dân tỉnh nhập cư để làm ăn, chưa có chỗ ở ổn định, chưa là thị dân Sài Gòn chính hiệu, còn ở thuê, ở trọ, thì mới về quê ăn Tết. Còn người gốc quê nhưng đã nên nhà nên cửa ở Sài Gòn ít ai về quê ăn Tết. Một phần vì tâm lý “nhà mình” ở đâu thì Tết ở đó, một phần vì ở phố hiếm ai dám bỏ nhà bỏ cửa đi đâu xa và lâu nếu không nhờ được người trông coi giùm.
Sài Gòn bao dung, có chỗ cho mọi người, từ anh gốc Thanh Hóa “ai trứng cút vịt lộn bắp xào đây” đến chị người Quảng Nam “bánh tráng đậu nấu đậu rang”, hay cả ông cụ người Phú Yên 80 ngoài “Vé số chiều xổ”… Nhưng Sài Gòn đắt đỏ, nên thường chỉ là chốn mưu sinh. Mỗi năm, hàng trăm ngàn lượt người các vùng miền đổ về thành phố sầm uất nhất nước làm việc, cày cục, dành dụm tiền bạc, để rồi cuối năm lại “tìm đường” về quê ăn Tết. Sao phải tìm đường? Phải tìm đường chứ, ai mà không than van chuyện tàu xe ba ngày Tết. Mệt gớm!
Có tấm vé tàu Tết trong tay đâu có dễ. Vợ chồng tôi là công chức, trông lương từng tháng, đợi nhận được tiền thưởng Tết thì đã cận ngày, làm sao kịp mua vé. Vậy là phải xoay, nếu không có sẵn tiền dành dụm. Vợ chồng phải cắt cử một người xin nghỉ làm hai ngày mới lo được mấy tấm vé khứ hồi ngày Tết. Cầm được vé trong tay mới thở phào, còn tiền vé bao nhiêu thì thôi quên luôn chứ nhẩm lại chỉ thêm… xót ruột.
Cảnh mình đã khó, vừa ra đến cổng ga thấy anh công nhân nọ muốn mua 4 vé tàu về Tết mà chỉ có 3 thôi, mà vé thì tận toa đầu tàu, vé thì toa gần cuối. Vì là “vé chợ đen” nên mỗi vé anh phải bù thêm 300.000 đồng, còn một vé chưa xoay đâu ra nhưng anh vẫn tay quệt mồ hôi miệng cười xòa: “Thôi tới đó hẳn tính, cần 4 mà có 3 là mừng rồi”.
Nhìn cảnh mình, rồi cảnh người, lo tấm vé tàu Tết rớt mồ hôi hột mà đồng cảm, mà thương! Nhưng tôi và anh công nhân nọ còn may mắn hơn bao nhiêu người khác, tháng cuối năm, Tết cận kề rồi vẫn còn cắm mặt mưu sinh không dám nghĩ tới chuyện về quê, thấy cảnh sum vầy ngày Tết sao mà xa lơ xa lắc…
Rồi những ngày cận kề năm mới, người người chộn rộn, cập rập. Ai về quê ăn Tết được thì mừng, ai chưa về được thì gọi điện thoại cho gia đình giọng run run “Thôi ba má ăn Tết vui, ra Giêng con về!”… Tiếng còi tàu ngày cận Tết nghe như giục giã, hối hả hơn thường lệ. Ai ai cũng đồ đạc lỉnh kỉnh, tay xách nách mang, bước vội lên tàu. Rời xa Sài Gòn hoa lệ, những chuyến tàu tỏa đi khắp các miền quê. Ôi chao là tàu Tết, đêm khuya, tôi đi dọc các toa tàu, người thì ngồi kể chuyện quê mình, người thì lột cái trứng luộc ăn dằn bụng, người thì tranh thủ ngủ…
Dừng lại thật lâu trước cảnh một em bé 4 tuổi nằm co người ngủ trên tấm cạc-tông trải nơi lối đi giữa hai toa tàu, ba em ngồi trên chiếc ghế “xúp” (ghế nhựa thấp tăng cường) bên cạnh, miệng thả khói thuốc mắt dõi xa xăm ra ô cửa sổ, dù ngoài đó là bóng đêm. Tôi mong trong cơn trở mình mệt mỏi của giấc ngủ chật vật, em bé sẽ mỉm cười trong giấc mơ có cảnh được lì xì, được ăn nhiều bánh mứt và vui vầy bên ông bà, người thân…
“Chuyến tàu Sài Gòn – Đà Nẵng đã đưa quý khách về đến ga an toàn. Kính chào quý khách và chúc quý khách một năm mới an khang thịnh vượng”. Tiếng thông báo từ loa trên tàu đánh thức những giấc ngủ vùi mệt mỏi của đường dài. Bao người choàng tỉnh với nụ cười hân hoan. Từ trên sân ga nhiều người thân đang chờ đợi họ. “Đồ đạc chi nhiều gớm ri!”, tôi nghe loáng thoáng tiếng ai đó í ới hỏi han nhau, trong không khí là mùi lưu cữu cố hữu của ga tàu, mùi người, và mùi Tết.
Trên chuyến taxi chở gia đình tôi về nhà nội, Tết đã hiện diện trên những ngôi nhà trang hoàng bằng chậu cúc, chậu mai dọc đường đi, hiện diện ở cầu Sông Hàn lộng gió, cầu Rồng uy nghi… Như chợt nhớ ra, tôi nhoài người nói với bác tài xế taxi: “Bác ơi, bác ghé chợ Hàn cho tụi con mua bó Ly về nhà chưng Tết!”
LÂM AN