Văn hóa - Giải trí

Mong ước đầu năm

07:49, 24/02/2015 (GMT+7)

Trò chuyện với phóng viên Báo Đà Nẵng, các văn nghệ sĩ chia sẻ nhiều kỳ vọng về nghề trong năm mới Ất Mùi 2015.

* NSƯT Huỳnh Hùng, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng kiêm Chủ tịch Hội Điện ảnh Đà Nẵng: Tự hào về đất và người Đà Nẵng

Bề dày lịch sử, văn hóa cùng hiện thực sôi động của thành phố Đà Nẵng luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho lĩnh vực văn học - nghệ thuật nói chung, điện ảnh và phim tài liệu nói riêng. Thực tế, những bộ phim phản ánh về vùng đất, con người trong quá khứ và hiện tại nơi đây từng làm xúc động lòng người và cũng mang về cho thành phố những giải thưởng lớn, trong đó có giải thưởng quốc tế như bộ phim Chiếc chiếu của bà Bứa của Dương Mộng Thu đoạt giải cao nhất hạng mục phim tài liệu tại một liên hoan phim danh giá ở Nhật Bản.

Định hướng của thành phố trong việc làm phim tài liệu về đất và người Đà Nẵng trong năm 2015 cũng là đòi hỏi tất yếu của thực tiễn. Mảng đề tài văn hóa, lịch sử tuy được khai thác từ nhiều năm qua nhưng vẫn còn đó khá nhiều vấn đề cần được tiếp tục khám phá.

Ngay từ đầu năm 2015, các hội viên Hội Điện ảnh Đà Nẵng đã hoàn thành hai bộ phim tài liệu có giá trị là Người cho sông núi mượn tên, phản ánh chân dung danh thần Thoại Ngọc Hầu, người con ưu tú của Đà Nẵng đã có công lao rất lớn trong sự nghiệp mở mang bờ cõi, khai phá vùng đồng bằng sông Cửu Long vào đầu thế kỷ 19; và bộ phim Buổi đầu đánh Mỹ (3 tập) nhân sự kiện lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng trực tiếp xâm lược nước ta tròn 50 năm (8-3-1965 – 8-3-2015).

Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tư liệu để thực hiện một số bộ phim khác về các danh nhân đất Quảng, trước hết là các danh nhân người Đà Nẵng như: Thái Phiên, Ông Ích Khiêm, Ông Ích Đường..., và cũng thực hiện một số bộ phim về các làng nghề, các lễ hội truyền thống ở Đà Nẵng.

Nếu được sự hỗ trợ của thành phố từ nguồn kinh phí đầu tư cho “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, các hội viên Hội Điện ảnh sẽ có điều kiện hơn trong việc thực hiện những dự định nói trên, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương cho thế hệ trẻ thành phố hôm nay và mai sau.

* NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh: Mong được biểu diễn phục vụ nhân dân nhiều hơn

Năm 2014 có thể nói là một năm có nhiều niềm vui lớn đối với Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Nhiều diễn viên trẻ dự thi tài năng trẻ sân khấu tuồng đoạt giải cao; đơn vị được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động; Nhà hát là đơn vị duy nhất trong ngành tuồng được Bộ VH-TT&DL và Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ định cho phép xây dựng vở tuồng Như những tượng đài theo Đề án 844 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện bằng nguồn kinh phí Trung ương…

Để đạt được những kết quả đó, cùng những nỗ lực của tập thể cán bộ và diễn viên, không thể không nói đến sự hỗ trợ rất lớn từ phía lãnh đạo thành phố. Cụ thể, nguồn kinh phí sự nghiệp tăng 1,5 lần so với năm 2013; cơ sở vật chất được nâng cấp; trang thiết bị ánh sáng, âm thanh được mua sắm bổ sung; khu làm việc của Nhà hát có quyết định cho xây dựng lại; một số diễn viên trẻ tài năng sẽ được thành phố hỗ trợ ngang bằng chế độ đãi ngộ hàm tiến sĩ trong 3 năm (2014-2016)…

Song, nhìn một cách thẳng thắn, những năm qua, việc tổ chức giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật còn gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể, Nhà hát không có kinh phí để thực hiện nhiều hơn những buổi diễn miễn phí phục vụ nhân dân, vừa góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, vừa là cách để tuyên truyền, phổ biến tác phẩm, bảo tồn, phát huy những giá trị của nghệ thuật tuồng. Nhà hát có 6 NSƯT đang tham gia biểu diễn, mức lương chỉ nằm ở khung “viên chức hạng B” với khung cao nhất là 4,06 và chưa có chế độ đãi ngộ gì khác…

Trong năm mới này, tập thể Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh rất mong Nhà nước có chính sách bảo trợ cho việc quảng bá các tác phẩm nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng. Mong các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm để có những điều chỉnh trong chính sách đãi ngộ nghệ sĩ, chính sách chuyển đổi ngạch lương cho các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

* Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng: Động lực mới cho hội họa Đà Nẵng

Năm qua, quyết định xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng của lãnh đạo thành phố làm thỏa lòng mong ước bấy lâu của các họa sĩ, nhà điêu khắc Đà Nẵng về một nơi trưng bày, một địa chỉ văn hóa ổn định, xứng tầm để tác phẩm mỹ thuật chất lượng có điều kiện đến với công chúng. Có thể nói, đây vừa là động lực sáng tác cho các họa sĩ như chúng tôi, vừa là tiền đề quan trọng để mỹ thuật phát triển xứng tầm với sự phát triển kinh tế - chính trị chung của thành phố.

Với gần 70 hội viên, những năm qua, Hội Mỹ thuật thành phố đã gặt hái nhiều thành công tại các kỳ liên hoan, triển lãm trong nước, khu vực và quốc tế. Nhiều họa sĩ đã khẳng định được tên tuổi của mình như: Vũ Dương, Duy Ninh, Tường Vinh, Trần Nhơn, Nguyễn Trọng Dũng, Dư Dư… Lĩnh vực điêu khắc có Phạm Hồng, Đinh Gia Thắng, Lê Huy Hạnh, Nguyễn Quang, Lê Công Dũng…

Ở mức độ nhất định, mỹ thuật Đà Nẵng đã định hình được những khuynh hướng, phong cách sáng tác riêng. Điều đáng nói hơn là tại những cuộc triển lãm gần đây, có thể thấy có sự kết nối rất rõ giữa các thế hệ sáng tác.

Trên các diễn đàn của Hội Mỹ thuật Đà Nẵng ngày càng xuất hiện nhiều những họa sĩ trẻ đầy đam mê, nhiệt huyết và tài năng, có thể dẫn chứng tại triển lãm Mùa xuân và con giáp dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi này. 50 tác giả tham gia triển lãm (với 74 tác phẩm) thì có đến hơn 20 tác giả là các họa sĩ trẻ. Sự góp mặt của họ đã đem lại làn gió mới cho cuộc triển lãm độc đáo trong những ngày đầu xuân.

Bên cạnh những ưu điểm trên, vài năm trở lại đây, nhiều người cho rằng, hoạt động mỹ thuật có phần lắng xuống do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự hạn chế cảm xúc thẩm mỹ của công chúng. Nhiều người không còn mặn mà với tranh, hoặc trở nên dễ dãi hơn với thú chơi tranh, thưởng tranh một thời. Vì vậy, chúng tôi rất trông chờ những định hướng từ cấp trên, mà trước hết là cuộc tuyển chọn tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật sắp ra đời.

Khi những tác phẩm có chất lượng được trân trọng, được đặt đúng chỗ thì thị hiếu, cảm xúc thẩm mỹ của công chúng sẽ được nâng lên, từ đó người sáng tác sẽ được bồi đắp thêm rất nhiều động lực. Anh em họa sĩ chúng tôi rất ủng hộ chủ trương kêu gọi hiến tặng tranh cho sưu tập tại Bảo tàng Mỹ thuật của thành phố. Tuy nhiên, để có những bức tranh quý, chúng tôi nghĩ cần có những động thái quyết liệt hơn để tránh tình trạng những bức tranh, những tác phẩm thuộc hàng đỉnh cao cứ bị bán ra nước ngoài như thực tế rất phổ biến lâu nay.

NGỌC DUNG thực hiện

.