.

Nhặt chuyện đầu năm

.

Trong mỗi dịp về làng đón Tết, tôi thường chú ý nghe các cụ già kể nhiều chuyện xưa. Chuyện xưa ở làng thường có chất trào lộng, hóm hỉnh nhưng thâm ý liên quan đến thời cuộc và đâu đó còn là những bài học về lòng dân...

Bôi ngõ... bỏ ngôi

Sau ngày hồi cư về từ vùng tự do, đồn bót lính Pháp và lê dương lập nên dày đặc dọc quốc lộ 1 ở khu vực Điện Bàn (Quảng Nam). Chỉ hơn một cây số phía bắc cầu Ngũ Giáp đã có 4 cái đồn lính. Rất nhiều lính Tây lính ta thay nhau tuần tiễu cả ngày lẫn đêm, nhà dân nào cũng bị dòm ngó. Năm 1949, khoảng cuối tháng Chạp, khi các nhà bắt đầu rang nổ (rang từ gạo nếp cho nở phồng ra) để chuẩn bị “tắm” bánh khô, hoặc bửa củi nấu bánh tét, thì đám lính đi từng nhà gọi tập trung tu sửa lại hàng rào, cổng ngõ chuẩn bị đón quốc trưởng Bảo Đại từ Pháp về chấp chính và sẽ ra thăm Quảng Nam sau Tết (dù thực tế tháng 4-1949 ông ta mới về). Nhà nào sau khi đốn tre, chặt cây gỗ đều phải làm cổng ngõ theo kiểu vòng cung như chiếc vành khăn đóng và buộc phải sơn phết thật rực rõ.

Dân tình vừa trải qua mấy năm tản cư, loạn lạc, đói kém phải cắn răng không dám cãi lệnh, nhưng trong thâm tâm ai cũng uất ức. Nhất là chuyện Bảo Đại sau khi bỏ Hong Kong về vịnh Hạ Long rồi ký với Tổng thống Pháp Hiệp định Elysée để lập ra chính phủ theo “Giải pháp Bảo Đại” như báo chí lúc bấy giờ tường thuật. Tất cả hoạt động đầy toan tính của vị vua cuối cùng triều Nguyễn từ sau ngày trao ấn kiếm cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để trở thành “công dân của một nước độc lập” mà ông ta từng tuyên bố đã bị lộ tẩy.

Dù lúc đó, phương tiện truyền thông không có gì nhưng hầu như nhiều người dân quê ai cũng biết qua những bài vè rất dễ thuộc, chẳng hạn bài vè này ở quê tôi: Nguyễn đi rồi Nguyễn lại về/ Nguyễn về để đóng vai hề tay sai.../ Gái đẹp cùng với rượu Tây/ Quốc trưởng mê gái liếm giày thực dân.../ Khi nào súng nổ đâu đây/ Bù nhìn Bảo Đại tan thây có ngày...

Việc sơn sửa cổng ngõ lần này vì vậy được họ gọi nôm na là... bôi ngõ và nói lái thành “bỏ ngôi” để dè bĩu tham vọng của cựu hoàng.

Trò chơi “Ngô - Trúc”

Sau đình chiến 1954, thanh-thiếu niên làng tôi có nhiều trò chơi dân dã như bắn bi, u mọi, đá banh (làm bằng lá chuối khô hoặc giẻ rách quấn lại); con gái thì nhảy dây, đánh nẽ... Từ năm 1960-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam phát hành đồng tiền kim loại có mệnh giá 50 xu, một đồng, không biết từ đâu ra đám trẻ lại có thêm một trò chơi khác: trò chơi “Ngô - Trúc”.

Ngô - Trúc là cách nói gọn cho hình ảnh đúc trên hai mặt của đồng bạc bằng kim loại mới này: một mặt là chân dung Ngô Đình Diệm, mặt kia là hình bụi trúc in nổi. Trò chơi đơn giản như cách mà các trọng tài đá banh nay vẫn làm: tung đồng bạc quay tròn trên không, khi nó rơi vừa gần mặt đất (hoặc mặt bàn) thì dùng tay chụp và đè kín lại. Người tham gia trò chơi sẽ chọn “đáp án” là “Ngô” hoặc “Trúc” trước khi người chủ trò mở tay ra. Nếu mặt trên đúng là Ngô mà người chơi cũng nói “Ngô” thì thắng. Nói Ngô mà phía trên là hình bụi trúc thì thua. Phần thưởng thắng thua có khi chỉ có vài cái kẹo cau, kẹo ú, cũng có khi là ăn luôn tiền.

Trò chơi đơn giản là vậy, nhưng đầy ẩn ý. Người Quảng Nam thường nói Trúc đồng nghĩa với truất, lật, đổ... nên Ngô - Trúc cũng đồng nghĩa là chính phủ Ngô Đình Diệm trước sau sẽ bị lật đổ, truất phế.
Các cụ lão làng tôi ngày nay mới “bật mí” đó chính là cách tuyên truyền của những cán bộ Việt Minh được ở lại miền Nam sau Hiệp định Genève bày cho trẻ con thông qua trò chơi đó!

Trong nhà treo mõ, ngoài ngõ... úp om!

Quận trưởng Điện Bàn thời Ngô Đình Diệm là Trần Quốc Thái. Ông này nổi tiếng với việc xây dựng hàng loạt ấp Kiến thiết ở nông thôn lúc đó. Các làng ở quận Điện Bàn bao bọc bên trong những hàng rào ấp chiến lược làm bằng tre, phía ngoài đào hào rộng và cắm đầy chông tre nhọn. Ở các cổng làng, hoặc ngã tư thường dựng các bót gác, đêm đêm trai tráng biên chế vào các tiểu đội “thanh niên cộng hòa” thay phiên nhau gác.

Mỗi thôn, quận Thái chọn một xóm để quy hoạch gọi là ấp kiến thiết. Ở thôn chúng tôi, ngay sau Tết Kỷ Hợi 1959, quận Thái chọn xóm Chay nhờ địa thế khá độc lập và gần “cơ quan đại diện xã”. Xóm kiến thiết có hệ thống đường sá theo ô bàn cờ, nhà cửa của dân phải xây thẳng hướng ra đường, có cổng ngõ xây gạch, tô xi-măng theo mẫu chung là hai trụ vuông, bên trên gắn hai khối xi-măng tròn như quả bóng. Để có một khối tròn giống nhau, các thợ xây dùng cái om bằng đất nung làm khuôn để đổ xi-măng vào, chờ cho đông cứng sẽ đập bể om và đem “cục xi-măng” gắn lên đầu trụ ngõ.

Trong các xóm, trai tráng “thanh niên cộng hòa” mỗi người phải có một cái mõ bằng ống tre có khoét một rãnh dài và cột quai vào hai đầu để mang vào nách, một cây gậy và sợi dây dừa cuộn lại. Mỗi đêm họ được chia phiên gác ở các bót hoặc đi tuần tiễu trên các ngõ làng. Khi có biểu hiện khả nghi phải đánh mõ để “ngăn chặn cộng phỉ về tuyên truyền”! Mõ, gậy và dây khi hết ca gác phải treo ở một vị trí thuận lợi và cố định khi về nhà, thường là tại chỗ đầu hàng hiên.

Vậy là trong dân gian ngay sau đó đã lan truyền câu vè “Trong nhà treo mõ, ngoài ngõ úp om”. Các vị lão nông ngày nay giải thích câu đó hàm ý là chính quyền của Trần Quốc Thái (hay rộng ra là Ngô Đình Diệm) đến đâu thì dân chúng chỉ có treo mõ (miệng) và úp om (nồi nấu cơm bằng đất nung phổ biến của dân nghèo lúc đó) thôi!

Mấy cụ già làng tôi khi kể lại câu chuyện cũ từ 50, 60 năm trước trong đời sống người dân ở nông thôn Quảng Nam trên đây, thường chỉ “kể cho vui” với những người trẻ hóng chuyện hoặc những lúc nhàn rỗi bên quán rượu đầu xóm những ngày đầu năm, cuối năm…

Nhưng sau những câu chuyện ấy, tôi vẫn thấy thấp thoáng đâu đó sức sống mạnh mẽ của lòng dân. Bằng một thứ ngôn ngữ bình dị hằng ngày và đầy ẩn dụ, dù cuộc sống cơ cực đến đâu nhưng người dân vẫn nghĩ về vận nước bằng chính ngôn ngữ đặc thù của họ với ý nghĩa tích cực nhất và đối tượng được nhắm vào chính là lớp quan chức hoặc chủ trương đi ngược lại lòng dân!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.