.

Câu chuyện "Đời nón, đời người"

.

Bộ ảnh “Đời nón, đời người” là kết quả lao động miệt mài, tâm huyết mà nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Ông Văn Sinh đã thực hiện qua bao chuyến đi trên suốt chiều dài đất nước.

Các tác phẩm trong tập sách ảnh “Đời nón, đời người” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh.
Các tác phẩm trong tập sách ảnh “Đời nón, đời người” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh.

NSNA Ông Văn Sinh sinh năm 1954 tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ông từng đoạt nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế cũng như tham gia nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Năm 1991, ông có cuộc triển lãm cá nhân với chủ đề “Hoa xương rồng”.

“Đời nón, đời người” là tên gọi tập nhiếp ảnh từ cuộc triển lãm cùng tên của ông. Tập sách dày 108 trang (21x21cm) do NXB Đà Nẵng ấn hành, giới thiệu, gồm hơn 70 tác phẩm được chọn lọc với những tựa đề như: Làng rau Trà Quế, Mạ xanh, Tuổi học trò, Chiều miền quê, Hái chè, Ra khơi…, thể hiện nét đẹp bình dị, mộc mạc về chiếc nón lá Việt Nam.

Tương tự những chiếc nón lá thân thương, bình dị mà chúng ta vẫn thường gặp trong đời sống hằng ngày, đó có thể là chiếc nón đã sờn vành, bong lá, dãi dầu cùng con người trên ruộng đồng, sông nước. Có thể là chiếc nón bài thơ duyên dáng của những cô thiếu nữ nhẹ nhàng ngang qua những chiếc cầu tre, hay tung tăng trên đường phố. Có thể là chiếc nón uyển chuyển trong một vũ điệu thể hiện biểu tượng nét đẹp văn hóa Việt Nam.

Thế nhưng, nơi đây, chiếc nón trong “Đời nón, đời người” của Ông Văn Sinh vẫn mang lại những ấn tượng bất ngờ, bởi góc nhìn sáng tạo, khéo léo gắn chiếc nón với một nơi chốn, một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, cùng đời sống phong phú của con người, làm chiếc nón có hồn, đầy sinh động. Đặc biệt, trong đó, tác giả thể hiện những nét đặc trưng riêng của chiếc nón ở từng vùng, miền khác nhau trên quê hương.

NSNA Ông Văn Sinh chia sẻ: “Chiếc nón lá qua cái nhìn của người NSNA không đơn thuần chỉ là vật dụng để che nắng, che mưa mà còn gắn liền với một vùng đất, một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng và cũng là hiện thân cuộc sống, cái đẹp, sự tảo tần của người phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, cần cù, sáng tạo”.

Ông cho biết, bộ ảnh “Đời nón, đời người” là kết quả lao động miệt mài, tâm huyết mà ông đã thực hiện qua bao chuyến đi trên suốt chiều dài đất nước. Lần đầu bộ ảnh ra mắt vào dịp triển lãm chào mừng 36 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2011). Sau đó, những tác phẩm này được giới thiệu tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác... 

Có thể nói, trong bộ sưu tập “Đời nón, đời người”, Ông Văn Sinh đã ghi lại những hình ảnh đẹp nhất, xúc động nhất, đời nhất và chân thật nhất về chiếc nón lá. Nó không chỉ gắn riêng với người phụ nữ mà còn theo người đàn ông ra đồng, xuống biển, lên non... Song, hình ảnh người phụ nữ bên cạnh chiếc nón vẫn là tư tưởng chủ đạo.

Nhiều người thưởng ngoạn cho rằng, chiếc nón lá trong tác phẩm của Ông Văn Sinh mang ý nghĩa nghệ thuật sắp đặt. Những chiếc nón lá xếp lớp lớp, hàng hàng trắng ngần, tinh khôi giữa muôn hồng, nghìn tía của mùa lễ hội, trên sân khấu nghệ thuật đương đại, sân khấu thời trang, phim truyện và trong cả nghệ thuật tuồng cổ.

Chiếc nón cũng mang những phong cách vùng miền, ví như ở phương Bắc, NSNA Ông Văn Sinh gửi đến cho người xem nét đẹp của chiếc nón ba tằm, nón quai thao trong ngày hội, dùng dằng câu hát “người ơi người ở đừng về”, nón làm duyên trên vai áo, nón e ấp che nụ cười, giấu hàng nước mắt tiễn đưa...

Còn ở phương Nam, chiếc nón đẹp đến nao lòng theo chân các nữ sinh thướt tha áo dài nhẹ gót qua những nhịp cầu tre mỏng mảnh. Nón lá chấp chới theo những bà, những mẹ ở những phiên chợ nổi vùng sông nước. Ở đâu đó giữa mùa sen nở, mùa cúc vàng rực, bóng những cô gái xinh tươi, chao nghiêng vầng nón, quyến rũ lạ thường...

Nhà báo Hoài Hương chuyên về nghệ thuật nhiếp ảnh nêu nhận định: “Đâu chỉ có vậy, “đời nón” của NSNA Ông Văn Sinh còn mang dáng vẻ “trầm luân”, ướt thẫm mồ hôi trên đầu người phụ nữ tảo tần với chiếc gánh trên vai trĩu nặng, đó còn là những vệt sáng liêu xiêu giữa cồn cát mênh mông. Nón đôi khi trở thành gàu múc nước, là “ghế” ngồi, là chiếc quạt xua đi cơn nóng giữa trưa hè cho những người lao động nghèo..

. Điều đặc biệt, “chiếc nón” của NSNA Ông Văn Sinh còn thể hiện sinh động tính cách và nội tâm của nhân vật,  cái duyên người thiếu nữ; nón lá còn tôn lên vẻ rạng ngời hạnh phúc trong nụ cười móm mém của mẹ... Và dẫu chiếc nón ấy đang ở trên sân khấu, hay giữa đời thường, đều được ông dành hết tâm tư để thể hiện. Vì vậy, chiếc nón qua cái nhìn sáng tạo, độc đáo của ông có một sức sống rất mãnh liệt, diệu kỳ”.

Còn nhà báo Thanh Hải (Báo Lao Động) liên tưởng thú vị: “Không biết chiếc nón lá xuất hiện từ thuở nào tại Việt Nam. Với tôi, chiếc nón lá có kỷ niệm. Ngày bà tôi còn sống, chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy vừa ra đời. Mỗi lần về phố, không có cơ hội cho bà đội nón nhưng chưa lúc nào bà rời chiếc nón lá khi ra khỏi nhà. Tôi ép bà đội mũ bảo hiểm... nhưng bà nói rằng, thiếu nón lá thì bà sẽ mất tự tin. “Đi tay không vô duyên lắm con à”.

Rõ là chiếc nón lá đã làm duyên cho phụ nữ, không kể ở lứa tuổi nào. Bởi vậy, khi đến với bộ sưu tập nghệ thuật “Đời nón, đời người” của tác giả Ông Văn Sinh, tôi bị choáng ngợp với sự tinh tế, dày công của nghệ sĩ và bồi hồi nhớ đến bà tôi. Chiếc nón lá qua cái nhìn của Ông Văn Sinh không phải lúc nào cũng chỉ với công năng che nắng, che mưa. Có góc nhìn ông bắt gặp các chị, các mẹ dùng nón để đựng mớ cá, mớ rau trong phiên chợ chiều, phe phẩy giữa trưa hè. Có thiếu nữ nghiêng vành làm duyên hoặc thẹn thùng che cái bụng bầu mới lúp lúp”.

NSNA Ông Văn Sinh cho biết, sau “Đời nón, đời người”, ông đang tập trung sáng tác hướng đến chủ đề “Đà Nẵng panaroma” (thể hiện kỹ thuật toàn cảnh, không gian rộng). Bởi theo ông, Đà Nẵng hiện nay thể hiện theo những góc nhìn riêng lẻ như những nơi khác thì không thể phù hợp. Hơn nữa, không gian phát triển cũng đổi thay liên tục, nếu mình không bám theo kịp thì sẽ nhanh chóng lỗi thời…

“Hình tượng chiếc nón lá đã được khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ từ 3.000 năm trước. Kết hợp với chiếc áo dài, áo bà ba, nón lá đã trở thành biểu trưng và dấu ấn độc đáo của dân tộc ta trong đời sống, đặc biệt là trên trường ngoại giao quốc tế. GS Trần Văn Khê, cây đại thụ về nền âm nhạc dân tộc tại Hội thảo UNESCO về “Bản sắc văn hóa dân tộc” đã nói: “ Áo dài còn, nón lá còn, dân ta còn”. Thông điệp “Đời nón, đời người” của Ông Văn Sinh một lần nữa khẳng định chân lý này với người thưởng ngoạn”.

Lê Xuân Thăng, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.