Văn hóa - Giải trí

Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn 2015

Kết tinh những giá trị nhân văn

07:41, 08/04/2015 (GMT+7)

Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn 2015 đã chính thức khép lại nhưng nét đẹp của những giá trị văn hóa truyền thống, tính nhân văn sâu sắc vượt ra ngoài ý nghĩa tôn giáo, trở thành những dư âm đẹp trong vạn vạn trái tim.

Tái hiện đức Bồ Tát Quán Thế Âm.
Tái hiện đức Bồ Tát Quán Thế Âm.

Cái thiện hội tụ và lan tỏa

Phát biểu tại Lễ vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, ông Lê Hoàng Đức -Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, Trưởng ban tổ chức lễ hội - cho rằng việc tổ chức lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn trang trọng từ nhiều năm nay không ngoài mục đích khơi dậy lòng từ bi, bác ái trong cộng đồng, tôn vinh cái đẹp chân - thiện - mỹ, tôn vinh những giá trị nhân văn của con người Việt Nam.

Lễ hội cũng là nơi kết tinh những giá trị văn hóa - lịch sử của vùng đất Đà Nẵng địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống, chan hòa trong đời sống hiện đại, văn minh. Bởi thế, vượt ra ngoài ý nghĩa tôn giáo, giới hạn địa phương, lễ hội Quán Thế Âm là một trong những lễ hội có sức hút, ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng.

Hòa cùng dòng người về dự lễ hội Quán Thế Âm năm nay, bà Nguyễn Hoàng Châu (52 tuổi, trú đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, cả nhà bà theo đạo Phật và năm nào cũng vậy, bà cùng gia đình không thể vắng mặt trong lễ hội Phật giáo lớn bậc nhất nước.

“Con cháu ai bận công việc, học hành nên tranh thủ đi lễ ngoài giờ hành chính. Tôi làm nội trợ nhưng từ giữa tháng 2 âm lịch phải xếp hết việc nhà, dành trọn thời gian cho 3 ngày lễ hội. Mỗi năm chỉ có một lần nên năm nào không đi được thì thấy bứt rứt không yên”, bà Châu thổ lộ.

Quê ở Quảng Ngãi, anh Đào Trọng Tuấn (40 tuổi) cho biết, vợ chồng anh chỉ kịp thu xếp về chùa Quán Thế Âm dự lễ hội trong ngày diễn ra nghi lễ chính thức. “Thật bất ngờ, đường Sư Vạn Hạnh vào chùa quá khang trang; công tác tổ chức cũng quy củ, chặt chẽ hơn. Lượng người về dự hội đông như thế nhưng đi lại rất thoải mái, không chen lấn, xô đẩy gì cả”, anh Tuấn nhận xét.

Trong khi đó, chị Nguyễn Quỳnh Anh, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi quá mệt mỏi với cảnh chen lấn khi đi lễ hội đầu năm tại một số chùa ở miền Bắc nên năm nay quyết định vào lễ chùa Quán Thế Âm. Với bầu không khí hoàn toàn khác, đây đúng là nơi hội ngộ của lòng thiện, của tâm nguyện từ, bi, hỷ, xả trong sâu thẳm trái tim mỗi người”.

Lễ hội văn minh

Theo đánh giá của Ban tổ chức, lễ hội Quán Thế Âm 2015 diễn ra uy nghiêm, an toàn, vui tươi, tiết kiệm, đúng tinh thần Phật giáo, giáo dục lòng hướng thiện trong cộng đồng. Ước tính mỗi ngày lễ hội, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đón khoảng 20.000 - 30.000 lượt người về trẩy hội cầu an, vãn cảnh.

Riêng ngày diễn ra lễ vía chính thức (sáng 7-4), số lượng đạo tràng Phật tử và du khách tham gia lễ hội tăng đột biến, ước khoảng 40.000 - 50.000 lượt người. Dù vậy, công tác giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được bảo đảm trước, trong và sau lễ hội.

Đặc biệt, quyết tâm về một lễ hội “5 không” do Ban tổ chức đề ra gồm: không trộm cắp, cướp giật, móc túi; không có lang thang xin ăn và xin ăn biến tướng; không xả rác bừa bãi, không có thức ăn vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; không nâng giá giữ xe, không bán hàng rong, chèo kéo khách, ép giá; không bán chim, cá và các loài phóng sinh đã được thực hiện nghiêm ngặt.

Có thể nói, lễ hội Quán Thế Âm 2015 thực sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn, góp phần khẳng định thương hiệu Đà Nẵng - thành phố hiện đại, văn minh, văn hóa.

Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1960 nhân khánh thành tượng Đức Bồ Tát Quán Thế Âm ở động Hoa Nghiêm (thuộc ngọn Thủy Sơn của danh thắng Ngũ Hành Sơn). Năm 1991, lễ hội này được khôi phục và đến năm 2000 được công nhận là một trong 15 lễ hội cấp quốc gia.

Bài và ảnh: THANH TÂN

.