Văn hóa - Giải trí
Nhiều hoạt động dịp lễ 30-4 và 1-5
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015) và Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch), sáng 28-4, Thường trực Huyện ủy Hòa Vang và Thường trực Quận ủy các quận: Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn tổ chức lễ đúc Đại hồng chung và xây dựng tháp chuông tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Hòa Vang.
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; Nguyễn Thanh Quang, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Trần Thanh Vân, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng.
Đại hồng chung Đài tưởng niệm liệt sĩ Hòa Vang có chiều cao 2,016m, rộng 1,2m, nặng 1,5 tấn do cơ sở đúc đồng Nguyễn Văn Sính (Thừa Thiên-Huế) thực hiện. Tổng kinh phí để đúc Đại hồng chung gần 900 triệu đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Đài tưởng niệm liệt sĩ Hòa Vang là nơi vinh danh 7.116 liệt sĩ của 19 xã thuộc huyện Hòa Vang (cũ).
ĐẶNG NỞ
* Sáng 27-4, Ban Liên lạc truyền thống Đại đội Độc lập cánh Bắc huyện Hòa Vang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (27-4-1965 – 27-4-2015) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đại đội Độc lập cánh Bắc huyện Hòa Vang được thành lập ngày 27-4-1965, ban đầu gồm 170 cán bộ, chiến sĩ. Địa bàn hoạt động chủ yếu là các xã phía Bắc huyện Hòa Vang và đường đèo Hải Vân. Đơn vị đã chiến đấu gần 300 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 300 tên Mỹ và quân chư hầu, diệt 100 tên lính ngụy, thu trên 100 khẩu súng các loại và nhiều phương tiện khác, phá hủy 10 máy bay trực thăng, 1 máy bay L19, 65 xe quân sự, đánh đổ 23 đoàn tàu hỏa quân sự và đánh sập nhiều cầu cống trên đèo Hải Vân, phá hoàn toàn 3 ấp chiến lược.
TRỌNG HÙNG
* Triển lãm mỹ thuật mang chủ đề “Sắc màu tháng tư” được tổ chức tại Bảo tàng lịch sử Đà Nẵng từ ngày 27-4 đến 5-5.
Theo đó, “Sắc màu tháng tư” giới thiệu 53 tác phẩm của 39 tác giả thuộc Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng, được thể hiện bằng nhiều chất liệu như: sơn dầu, lụa, tổng hợp, khắc gỗ, acrylic, sơn mài, khắc meca và đa dạng màu sắc… Các tác phẩm thể hiện một thời kháng chiến, khắc họa chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hình ảnh Đà Nẵng đổi thay sau 40 năm giải phóng, hình ảnh con người Đà Nẵng…
Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày 12 ký họa về Trường Sa của họa sĩ Thân Trọng Dũng và Hồ Đình Nam Kha trong chuyến thực tế tại huyện đảo Trường Sa vào giữa tháng 4.
Sau triển lãm, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sẽ chọn mua 3 tác phẩm chất lượng trưng bày tại Bảo tàng.
* Diễn ra từ ngày 27-4 đến 1-5, “Chợ phiên đồ xưa Đà thành” lần đầu tiên được tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng thu hút đông đảo người dân và giới sưu tầm đồ xưa, đồ cổ đến tham quan, trao đổi, mua bán.
Tại phiên chợ này, có 20 gian hàng trưng bày những vật dụng, đồ dùng gắn liền với đời sống thường nhật của người dân trước đây. Đó là những chiếc đèn dầu Hoa Kỳ, đèn bầu pha lê Pháp, quạt con cóc, mắt kính, ấm chén, đồng hồ, bình hoa, đồ đựng trầu, sách cũ, băng đĩa cũ hay những kỷ vật chiến tranh như ba-lô, bi-đông, lược nhôm làm từ thân máy bay, đồ dùng từ thời bao cấp như bát sành, bát sứ, lọ hoa, đèn dầu, đồng hồ đeo tay, điện thoại bàn...
Bên cạnh đó, giới sưu tầm cũng mang đến chợ phiên những cổ vật giá trị như chiếc bàn ủi có từ thời nhà Lê là đồ dùng của Vua - một trong những chiếc bàn ủi hiếm của Việt Nam còn sót lại…
Phiên chợ là dịp để những người quan tâm đồ xưa, đồ cổ giao lưu, trao đổi, mua bán vật dụng, đồ dùng yêu thích; đồng thời tạo nên điểm nhấn văn hóa của thành phố.
NGỌC HÀ