Văn hóa - Giải trí
Theo tiếng chuông xưa
Sau khi tổ chức đấu giá thành công 2 cổ vật Việt Nam là chiếc long sàn vua Thành Thái và chiếc xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh vào năm ngoái, văn phòng đấu giá Rouillac (Pháp) cho biết, đơn vị này sẽ tổ chức buổi đấu giá ngoài trời trong hai ngày 7 và 8-6 tới tại Paris. Trong số các lô đấu giá ngày 8-6 có chiếc chuông cổ Việt Nam (lô 255 nằm trong 10 lô Á châu, từ lô 250-260).
Chiếc chuông cổ Việt Nam lưu lạc tại Nhật được người Nhật mua gửi tặng lại Việt Nam. |
Ông Philippe Rouillac, người sáng lập Công ty đấu giá Rouillac, cho hay sau khi có người ở Orléans nhờ ông kiểm định một chiếc chuông vừa tìm được ở làng Loiret, mà theo ông, đó là một chiếc chuông cổ của Việt Nam (1405-1585).
Tháng 11-2014, ông sang Việt Nam để nhờ sự giúp đỡ và tham khảo thêm ý kiến của một số chuyên gia ông từng gặp tại Đại sứ quán Việt Nam sau cuộc đấu giá xe kéo của mẹ vua Thành Thái. Theo đó, chung quanh hồ sơ của chiếc chuông này, nhiều người đánh giá đây là một cổ vật rất độc đáo...
Theo tài liệu do nhà sưu tập người Pháp gốc Việt Gérard Chapuis cung cấp, sau khi liên hệ với ông Rouillac: “Đây là chiếc chuông đúc đồng, trang trí với song long và chạm trổ văn khắc trong ngữ pháp cổ điển “Kaishu” trên 4 mặt chuông. Mỗi mặt chuông được chia 3 phần ngang, từ trên xuống dưới không đồng đều. 4 phần ngang trên có 4 chữ được lồng trong một khung có nhiều cạnh.
Chiều cao chuông 108cm, đường kính chuông 126cm. Chiếc chuông này có thể xem như chiếc chuông được bảo quản ở điện Long An (cung đình Huế) hay chuông trong Bảo tàng chuông cổ (đền Dazhong ở Bắc Kinh)”.
Đáng chú ý, qua hình ảnh của chiếc chuông nói trên, chúng tôi thấy có hình dạng khá tương đồng với một chiếc chuông Việt Nam từng bị thất lạc sang Nhật Bản. Chiếc chuông lưu lạc này là một câu chuyện dài cảm động nhưng có thể lược ghi như sau: “Cuối thập niên 70, có người Nhật phát hiện tại một tiệm bán đồ cổ ở Nhật một cái chuông đồng của Việt Nam thuộc chùa Ngũ Hộ, làng Kim Thôi. Chuông hình ống, cao 1m, đường kính 42cm, nặng khoảng 120kg, bên trên có chạm hình con rồng 2 đầu, 4 phía có khắc bốn chữ “Ngũ Hộ Tự Chung”.
Nhiều người Nhật đã đứng ra quyên góp tiền mua lại chuông này để gửi trả về Việt Nam, được giới truyền thông ủng hộ. Phía tiệm đồ cổ đòi giá 5 triệu yen, trong khi tiền quyên góp được tới 9,6 triệu yen. Ngày 14-6-1978, một buổi lễ trao trả chuông diễn ra tại chùa Quán Sứ và sau đó đem về chùa Bút Tháp ở tỉnh Bắc Ninh. Từ đó, tiếng chuông lại vang vọng ở Việt Nam, quê hương của chính quả chuông đó”.
So với nhiểu cổ vật Việt Nam, chuông đồng là những di vật cổ có giá trị rất lớn. Những quả chuông có niên đại cổ nhất Việt Nam từ trước đến nay đã thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng dưới thời bấy giờ.
Cũng thông qua các minh văn, các nhà nghiên cứu cho rằng, thời kỳ xuất hiện quả chuông là thời kỳ Phật giáo khá phát thịnh trong cộng đồng người Việt và người Hoa trên đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, do chiến tranh loạn lạc, những quả chuông có niên đại sớm ở Việt Nam còn lại rất ít. Đến nay, chỉ phát hiện hai quả chuông được xem có niên đại sớm nhất của Việt Nam là chuông Thanh Mai và chuông Nhật Tảo.
Theo giáo sư khảo cổ học Nguyễn Lân Cường: “Quả chuông Thanh Mai là một trong những bảo vật quốc gia đặc biệt quý hiếm vì hiện nay đây là chiếc chuông có niên đại sớm nhất được phát hiện ở Việt Nam”. Còn chiếc chuông Nhật Tảo được địa phương lưu giữ rất cẩn thận.
Tuy nhiên, theo các nhà sử học thì vị trí xứng đáng của những quả chuông này phải là ở các bảo tàng quốc gia của Trung ương hoặc Hà Nội mới phát huy được giá trị và tránh mất mát. Quả chuông này cũng là một chứng tích lịch sử duy nhất, cực kỳ hiếm hoi về thời đại Ngô Quyền mà đến nay Việt Nam chúng ta có được.
Trở lại phiên đấu giá chiếc chuông cổ Việt Nam tại Pháp trong những ngày tháng 6 sắp đến, nhà sưu tập Gérard Chapuis nói: “Tôi nghĩ người sưu tập cá nhân sẽ không tham gia nhiều nhưng sẽ là cơ hội để Việt Nam mua giá rẻ. Cũng như những cổ vật tôi trực tiếp theo dõi trước đây, tôi mong muốn nhiều người cùng tham gia đánh tiếng quảng bá để những tổ chức trong nước có điều kiện quan tâm mua và đưa chiếc chuông trở lại ngân vang tại chính quê nhà”.
TRẦN TRUNG SÁNG