Văn hóa - Giải trí

Từ ký ức Hòa Xuân

08:20, 25/05/2015 (GMT+7)

1. Bến đò Xu ngày xưa đưa đón tôi về làng Trung Lương quê vợ, quê bạn những mai những chiều vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Ở đó, những người mẹ, người chị trĩu lưng đưa sang thành phố những gánh rau, rổ cá vừa thu hoạch trong đêm. Những người cha, người anh vác qua chuyến đò đầy chiếc xe đạp cà tàng, rồi còng lưng đạp nhanh về phố cho kịp ca làm sớm. Họ là những thợ hồ, công nhân bốc xếp ở cảng. Có cả những bạn học sinh sang bên này sông học cấp hai, cấp ba…

Một góc khu phố mới Hòa Xuân.  		                   Ảnh: NGUYỄN CẦU
Một góc khu phố mới Hòa Xuân. Ảnh: NGUYỄN CẦU

Những chuyến đò qua lại khúc sông Cẩm Lệ này luôn trĩu nặng những ước mơ đổi đời của người Trung Lương, Cồn Dầu suốt nhiều chục năm sau chiến tranh. Tôi đưa vợ con về đây chạp giỗ mỗi năm nhiều lần nên thấu hiểu nhiều tình cảnh. Những bạn bè tôi quê Trung Lương, Cồn Dầu sau này học đại học vẫn ôm giấc mơ sẽ quay về làng làm thay đổi cuộc sống mà ông cha mình đã trải qua trong gian khó, nghèo túng.

Không ai có thể dằn lòng khi thấy những làng quê chỉ cách phố thị một nhánh sông rộng vài ba trăm mét mà cuộc sống trái ngược hẳn, những con đường đất đá lởm chởm quanh co, những giếng nước nhiễm phèn quanh năm đỏ quạch, những mái nghèo lọt thỏm trong cái túi nước ngập đến mái qua mùa mưa lụt. Làng trở thành ốc đảo.

Nhớ hồi mới về làm rể, lụt tháng 10, tôi chạy xe máy lên đứng bên này đò Xu ngó qua bên kia, lúc đó là một biển nước mênh mông, cách biệt. Cả gia đình mấy người chú vợ thấp thoáng trong màn mưa, trong lũy tre xanh chợ xa lắc xa lơ đến nao lòng, vì chẳng có điều kiện gì để liên lạc biết tin tức. Ai đói no, sống còn ra sao cũng đành chịu. Tôi rưng rưng quay về phố và cầu mong mọi sự an lành…

Cái bên đò Xu, đoạn sông Cẩm Lệ này, đâu chỉ chứng kiến những tâm trạng riêng lẻ, riêng tư như vậy. Lịch sử bỗng dưng thức dậy trong tôi khi có tin tìm thấy hài cốt một cụ tổ cách tôi 5 đời. Cụ có tên trong gia phả nhưng chỉ ghi vỏn vẹn hai chữ “biệt tích”. Một người dân sống gần đò Xu phát hiện dưới nền nhà mình hai hài cốt nghĩa binh thời quân Pháp tiến vào đánh chiếm Đà Nẵng.

Các nhà ngoại cảm đã dùng phương pháp cảm xạ học và biết tên tuổi, quê quán đích thực của cả hai, trong đó có cụ nhà tôi. Trong nghĩa trang thôn Trung Lương, hài cốt cụ tổ tôi được xây mộ, lập bia, ghi rõ tên: Trương Công Định, quê quán Thanh Quýt. Sự tình cờ may mắn này một lần nữa khiến ta nhớ một giai đoạn lịch sử đau thương mà anh dũng của cha ông với cái chết của tướng Lê Đình Lý, với hàng ngàn ngôi mộ vô danh ở nghĩa trủng Phước Ninh, Khuê Trung ngày nay, với những di tích hầm hào chống giặc, chiến thuật độn thổ đầy sáng tạo của nghĩa binh… Nhưng quan trọng hơn, tôi chắc rằng dưới dòng chảy của con sông Cẩm Lệ cách chia xã Hòa Xuân với phần còn lại của Đà Nẵng từ lâu đã là nơi yên nghỉ của bao con người lẫm liệt vì quê hương thuở đó…

Nên mỗi lần qua lại những chuyến phà đầy đò Xu năm ấy, lòng tôi lại nao nao với những bài học lịch sử còn vang động đâu đây…

2. Khi tôi viết bài “Nghèo vì thiếu một chiếc cầu” qua sông Cẩm Lệ năm anh Nguyễn Bá Thanh vừa đảm nhiệm chức Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, để nói lên những khó khăn của một vùng quê, anh đã gặp tôi và nói rằng trước sau cũng sẽ làm, nhưng làm đàng hoàng. Làm sao cho cả Hòa Xuân, Trung Lương, Cồn Dầu giàu lên, khang trang ra thì đòi hỏi vốn liếng, nghiên cứu sâu rộng, chứ không phải một cây cầu!

Trong lúc chờ đợi sự đổi đời như vậy thì Cẩm Lệ, Hòa Xuân nói riêng liên tiếp gánh chịu những trận lụt lịch sử 1999, 2000, 2007. Cả các làng bên kia sông Cẩm Lệ lại trở về với số phận những ốc đảo. Tôi dầm mưa cùng các đội thuyền cứu hộ từ bên này Khuê Trung, Hòa Cường vượt sông qua Trung Lương trong gió dữ. Lại theo ca-nô của cảnh sát giao thông từ phía Hòa Châu băng lũ xuống nhà thờ Cồn Dầu tiếp tế lương thực, đưa những cụ già, em bé ra vùng an toàn.

Lại theo các ca-nô đi tìm xác những người bị lũ cuốn… Bạn phải ở trong những tình huống ấy, chứng kiến những cảnh tượng ấy mới thấy cả vùng trủng phía đông nam quận Cẩm Lệ này luôn ẩn chứa những tai ương, mà muốn thay đổi số phận nó thì phải có quyết tâm và dũng khí…

Đêm ấy, ngồi trong vườn của vị lãnh đạo cao nhất của thành phố, tôi nói về những ước muốn của người dân Hòa Xuân. Nhiều họ tộc muốn có đất được quy hoạch để di chuyển nhà thờ tộc, nhà thờ phái, đình làng, chợ ra khu phố mới... Làm sao cái tên chợ Bồ Đề, tên làng Trung Lương vẫn được giữ lại bởi đó là hồn cốt của làng quê hàng trăm năm nay, gắn chặt với tình cảm của cả những người không còn ở quê nữa.

Ý kiến riêng của tôi với anh Thanh là nên giữ lại cái tên Đò Xu để đặt cho chiếc cầu mới… Ngẫm ngợi hồi lâu, anh nói chắc chắn ý kiến của người dân sẽ được lưu ý; chuyện đình chùa, nhà thờ chắc phải có đất cho họ làm. “Riêng tên cái cầu của ông thì tui chưa thông!”, anh nhìn tôi, cười bằng mắt!

Bây giờ, chúng ta sang những khu phố mới của Hòa Xuân chắc chắn không còn tình cảnh chạy lũ lầm lũi khổ nhọc như xưa nữa, nhưng những con đường mang tên làng cũ vẫn được thực hiện, một khu nhà thờ tộc, phái được quy hoạch liên hoàn, đình làng được phục dựng. Vẫn còn đó những tên làng trong phố mới cùng với nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà của dòng họ. Mà đường sá cao ráo, mà điện đường, trường học khang trang, góp phần làm cả quận Cẩm Lệ thay đổi.

3. Một người bạn khi nói về những đổi thay ở Hòa Xuân, từng đặt câu hỏi: Vậy thì việc làm cho những người mất ruộng sẽ ra sao? Tôi cũng đặt ra những câu hỏi ấy khi đọc các quy hoạch ở đây lúc mới manh nha và chưa tìm thấy câu trả lời chuẩn xác ngay lúc đó.

Cho đến khi về khu phố mới Trung Lương, rồi về dự lễ khánh thành nhà thờ tộc Huỳnh Ngọc bên vợ, tôi mới tìm thấy câu trả lời: Gia đình chú em họ bên vợ, trước đây làm nông, kể cả đi đánh cá vào ban đêm, bây giờ buôn bán tạp hóa và vật liệu xây dựng giải quyết việc làm cho nhiều người trong gia đình, lại mở thêm một trại trồng nấm không đủ bán cho thị trường.

Một chú em khác giao dịch địa ốc và đại lý sắt thép, đã có ô-tô. Mấy chú em con người bà con khác đang làm công nhân ở khu công nghiệp Hòa Cầm của quận. Vợ chồng cô em gái đã mở cửa hàng bán hạt giống, vật tư nông nghiệp… Vốn ở đâu? Một chú em nói: “Không quan trọng! Vấn đề là ý chí của mỗi người thôi!”. Tôi biết chú có 3 lô đất mới, một lô chính của mẹ và hai lô phụ cho hai anh em. Chú đã bán lô chính và làm nhà 3 tầng trên lô phụ của mình rồi mời mẹ về ở chung! Đám giỗ ông cố vừa rồi, từ ngày về làm rể, chưa bao giờ tôi thấy đông và to thế!

Những ví dụ tai nghe mắt thấy đó, chắc cũng đủ cho thấy sự đổi thay của làng quê này như một giấc mơ!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

.