Văn hóa - Giải trí
NSƯT Hữu Châu: Vinh quang và nghiệt ngã
Vinh quang có được như ngày hôm nay hoàn toàn không dễ. Anh đã phải trả bằng máu, nước mắt. 30 năm khóc, cười, đau đớn, yêu thương, sống, chết với hàng trăm cuộc đời, Hữu Châu đã mạnh mẽ đi qua mọi giông bão…
NSƯT Hữu Châu trong vở Nắng chiều. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Sân khấu là cuộc đời
Hữu Châu được sinh ra trong một gia đình toàn các nghệ sĩ lớn, 4 đời làm nghệ thuật: bà nội là bầu Thơ (chủ đoàn hát Thanh Minh), cha là nghệ sĩ Hữu Thìn, mẹ là nghệ sĩ Thanh Lệ, chị gái là nghệ sĩ Thanh Nga, chú là NSƯT Bảo Quốc, em trai là nghệ sĩ Hữu Lộc. Chất nghệ sĩ có trong máu nên Hữu Châu lớn lên đi theo nghệ thuật, nối nghiệp cha ông là đương nhiên.
Trong gia tài vai diễn 30 năm của anh hầu như vai nào cũng vượt trội. Hữu Châu có biên độ vai diễn rất rộng, từ bi đến hài, từ trẻ đến già, từ trai đến gái, từ lành đến ác, từ chính đến tà, từ sang đến hèn… Hữu Châu từng lý giải: “Suốt bao nhiêu năm làm nghề, tôi thấy ơn trên đã đãi ngộ tôi rất nhiều. Tôi quá may mắn! Khi tôi khoát lên người bộ đồ rách rưới, tàn tạ thì thấy tôi nghèo nàn, khắc khổ liền và khi tôi khoát lên người bộ đồ vest, hay đồ đẹp thì thấy tôi giàu có, sang trọng ngay”.
Hữu Châu là con nhà nòi, lại được học hành bài bản nên nét diễn có phần thiên về kỹ thuật. Thế nhưng, bản thân anh cũng có thừa sự xuất thần một cách tự nhiên. Kết hợp giữa kỹ thuật và bản năng, Hữu Châu thừa sức chế ngự không gian nghệ thuật (sàn diễn và khán giả) ở bất kỳ thể loại nào, ở dạng vai nào. Không quá ồn ào, náo nhiệt, lối diễn của anh cứ từ tốn, nhẹ nhàng mà thấm thía, sâu sắc.
Mỗi khi bước lên sân khấu sắm vai, Hữu Châu coi đó là sự vay mượn số phận của người khác. 30 năm khóc, cười, đau đớn, yêu thương, sống, chết với hàng trăm cuộc đời, nếu không cháy hết mình, rút ruột gan thì làm sao cái tên Hữu Châu đến hôm nay trở thành thương hiệu. Anh tần ngần bảo: “Muốn trụ với nghề, muốn được khán giả yêu thương đâu có dễ. Bản thân tôi phải đánh đổi bằng máu, nước mắt và cả mạng sống của mình”.
Không giống phim ảnh hay các loại hình nghệ thuật khác, nghệ sĩ kịch phải mất rất nhiều tâm sức, toát mồ hôi, khản cả giọng trong mấy tiếng đồng hồ liên tục trên sân khấu. Hữu Châu vẫn nhớ như in những đêm diễn vai Nguyễn Trãi trong vở Bí mật vườn Lệ Chi - vai diễn đỉnh cao trong sự nghiệp của anh. Nguyễn Trãi là một nhân vật đầy bi kịch, nhiều trường đoạn cảm xúc mạnh, nội tâm đau đớn với những oan khiên không nói được thành lời.
Vậy mà bao nhiêu suất là bấy nhiêu lần khán giả “nổi da gà” với từng lớp diễn. Nhưng mấy ai biết được rằng, mỗi đêm sau khi cánh màn nhung khép, anh không thể gượng đứng vững khi bước xuống bậc thềm sân khấu. “Tôi lảo đảo bước xuống, không còn biết đường mà đi nữa, phải nhờ nhân viên hậu đài dìu vào hậu trường. Vai diễn đã lấy đi toàn bộ sức lực của tôi. Có thể tôi bị tàn phá nhan sắc và sức khỏe nhưng chính lúc ấy tôi hạnh phúc nhất vì sân khấu là cuộc đời tôi”, Hữu Châu nói.
Đi qua mất mát
Cùng với Thành Lộc, Hữu Châu nay trở thành một thương hiệu của sân khấu kịch Idecaf (thành phố Hồ Chí Minh) nói riêng và làng kịch cả nước nói chung. Nhìn lại con đường nghề của mình, Hữu Châu bảo hạnh phúc lắm. Nhưng nó chẳng phải thứ to tát như việc được phong tặng NSƯT hay xuất hiện hiên ngang ở những chỗ đông người. Nó giản dị như một ổ bánh mì, giỏ trái cây của khán giả tặng.
Hữu Châu kể: “Có đêm, khi tôi đến sân khấu thì được khán giả mua tặng một ổ bánh mì thịt. Họ sợ tôi đói, diễn sẽ kiệt sức. Tôi ăn ổ bánh mì mà thấy ngon kỳ lạ. Khi tôi ra sân khấu, bất thần bị ho, tôi cố gắng để diễn tròn vai. Vậy mà mấy hôm sau, có một thùng thuốc trị ho gửi đến tận nhà tôi. Hoặc mới hôm bữa, tôi được khán giả tặng hũ mắm, giỏ trái cây. Cho đến giờ, tôi vẫn không biết người tặng là ai. Làm nghề 30 năm, được khán giả yêu thương vậy, tôi còn hạnh phúc nào hơn”.
Đó cũng là lý do người ta thấy anh luôn tuềnh toàng trong những bộ quần áo giản dị khi ra đường, ngồi ăn ở những quán vỉa hè, lề đường và không ngại đáp lại lời chào hỏi của khán giả.
Với Hữu Châu, vinh quang thì nhiều nhưng nghiệt ngã cũng lắm. Năm 1978, nghệ sĩ Thanh Nga bị ám sát cùng chồng sau suất hát. Người anh ruột của Hữu Châu đi hát ở Hà Nội đột ngột bị bệnh và mất. Năm 1985, nghệ sĩ Hữu Thìn qua đời. Năm 2012, nghệ sĩ Hữu Lộc cũng ra đi vì một tai nạn bất ngờ. Những người thân của anh cũng là những người con ưu tú của sân khấu lần lượt trở về với cát bụi khiến anh phải gánh hết hụt hẫng, đau thương.
“Đó là nỗi đau đớn và mất mát khủng khiếp”, Hữu Châu chỉ nói đơn giản vậy vì không muốn gợi lên vết thương ngày cũ. Nhưng anh cũng không trốn tránh, trái lại rất bình thản: “Âu đó cũng là cái nghiệp bám lấy gia đình tôi. Và tôi đang sống để trả món nợ này”.
Sự ra đi đột ngột của người thân cũng khiến Hữu Châu khôn nguôi khi nghĩ về vô thường mong manh kiếp người. Anh trầm tư: “Ở tuổi 50, tôi càng hiểu được cái lẽ của cuộc đời nhiều hơn. Sự vật cứ xoay vần, chuyển động khôn lường, luân hồi lên xuống. Thế đời là thế. Vui rồi đến buồn, buồn xong rồi vội đi tìm cái vui. Mới thấy đó rồi lại mất đó.
Mạnh cùi cụi đùng cái ra bệnh, đang cười ha hả bỗng ngã cái rầm rồi nằm mê man. Không gì trọn vẹn, mọi cái cứ ở mức lưng chừng và rồi biến mất đi. Vũ trụ bao la cũng không nằm yên một chỗ, ngày đêm thay đổi, mưa nắng thay nhau…”. Bằng cách nghĩ như vậy, Hữu Châu đã mạnh mẽ đi qua mọi giông bão, nghiệt ngã của cuộc đời.
Niềm vui giản dị sau ánh đèn
Biến cố của gia đình đã biến Hữu Châu từ một người rong chơi không biết mệt mỏi thành một người sống lặng lẽ đến âm thầm. Sau mỗi đêm diễn, anh chọn cho mình một quán vắng, uống vài chai bia để “xả vai” và cũng là để “một mình một cõi” tìm sự bình yên.
Cũng chính những lúc như vậy, anh mới thấm hết nỗi cô đơn. Con đường từ sân khấu về nhà cách xa trung tâm thành phố đã dài, đã vắng lại càng thăm thẳm và hun hút hơn. Nhưng Hữu Châu không thích gặm nhấm nỗi cô đơn quá lâu, nó chỉ thoáng qua ở những lúc không có ai bên mình. Bởi khi đặt chân tới nhà, người mẹ hiền đã chuẩn bị sẵn cho anh một dĩa mồi. Anh tắm xong rồi ngồi một mình, rót ly bia nhâm nhi rồi thả mình vào giấc ngủ.
Hữu Châu bảo, với nghề và cuộc sống riêng tư, anh không có nhiều mưu cầu. Bây giờ, anh chỉ đi diễn, đi dạy, về nhà… đều đặn, thỉnh thoảng đi đóng phim. Nhưng anh lại tâm huyết trong việc giảng dạy cho lớp diễn viên trẻ bởi hơn ai hết, anh cảm nhận đằng sau mình là “khoảng trống” về đội ngũ kế thừa.
Hữu Châu cũng nói rằng, khi không còn được đứng trên sân khấu nữa, anh vẫn sẽ gắn với nghề bằng nhiều cách khác như công việc hậu trường. Cuộc sống và cách nghĩ của anh bây giờ giản đơn, nhẹ nhàng và bình yên đến lạ. Anh chọn cách sống trọn vẹn từng giây phút quý giá của cuộc đời mình.
MINH NGA