Văn hóa - Giải trí

Nắng chiều trên sông Mekong

08:15, 13/07/2015 (GMT+7)

Rời Đà Nẵng lúc 6 giờ sáng, nhận phòng tại Savan Vegas ở ngoại ô thủ phủ Trung Lào lúc 17 giờ, chúng tôi đón tuk tuk ngược lại cầu Hữu Nghị số 2 để có dịp ngắm dòng Mekong lúc chiều xuống. Tôi đã có dịp đi lang thang dưới những hàng phượng vĩ rực một sắc đỏ dọc sông này bên phía các đô thị Thái Lan, nhưng phía Lào thì đây là lần đầu tiên…

Hoàng hôn trên sông Mekong nhìn từ cầu Hữu Nghị số 2. Ảnh: T.Đ.THẮNG
Hoàng hôn trên sông Mekong nhìn từ cầu Hữu Nghị số 2. Ảnh: T.Đ.THẮNG

Trước đây, việc qua lại hai nước Lào và Thái Lan đều bằng phà ngang chạy từ 8-17 giờ, thông qua hai cửa khẩu trên hai bên bờ sông, với thủ tục kiểm tra nghiêm ngặt và chờ đợi đến nóng lòng. Nhưng giờ đây, khi có cây cầu Hữu Nghị số 2, cùng với việc hợp tác an ninh giữa các nước dọc Hành lang kinh tế Đông - Tây, thủ tục nhập cảnh tuy đơn giản hơn rất nhiều nhưng không có nghĩa là đã dễ dàng… Nhưng ta sẽ quên ngay các phiền muộn mang tính hành chính khi nhìn thấy dòng Mekong rực lên ánh ráng pha vào những buổi chiều.

Từ bến phà Sa Vẳn cũ, con đường ven sông giờ đây đã được cải tạo như một công viên với nhiều ghế đá, vệ cỏ, hoa sứ trắng, loa phát nhạc và các nhà hàng nổi luôn nhộn nhịp du khách, nhất là những bạn trẻ. Bia Lào, rượu trắng Champasack là hai thứ nước uống thông dụng ở đây.

Các loại cá hấp, cá nướng từ sông Mekong, gà nướng chấm muối ớt cùng các món hải sản khô từ miền Trung Việt Nam, nhất là món mực nướng, tương ớt từ phía biển Quảng Trị…, cảnh trí nhộn nhịp này tương phản hẳn với bên kia đường ven sông với những ngôi chùa cổ kính cùng tiếng chuông ngân dưới những tán cây Chăm-pa cổ thụ. Ở đó, thỉnh thoảng có những bóng áo vàng thong dong đi lại như chẳng liên quan gì đến cuộc sống thế tục bên sông…

Du khách có dịp đi Thái Lan, Lào trong những ngày lễ hội còn có thể thưởng ngoạn cảnh đua thuyền trên sông hoặc tham dự ngày hội té nước Bunpimay khoảng 13 đến 15-4 hằng năm. Bunpimay đã trở thành tập quán lâu đời với việc người Lào té nước để cầu may, bình yên cho cả năm vì họ cho rằng, nó mang đến sự mát mẻ, phồn vinh và làm thanh khiết cuộc sống. Câu nói cửa miệng của nguời Lào là “khôn Lao mặc muồn” (người Lào thích vui).

Do đó, các trò vui chơi, giải trí dưới nhiều hình thức như ẩm thực, văn nghệ, thể thao, hội chợ, triển lãm được tổ chức rầm rộ trong những dịp lễ. Ở Savannakhet ngày nay, có khoảng vài chục ngàn người Việt gồm nhiều thế hệ đến sinh sống và bạn dễ dàng được họ hướng dẫn thăm thú nhiều nơi, kể cả mời về nhà khá nhiệt tình…

Nhìn qua dòng Mekong tươi đẹp này, một người bạn gốc Việt kể với tôi: Trong kháng chiến chống Pháp, khoảng năm 1946, nhiều nhà hoạt động cách mạng đã vượt sông qua Thái Lan để bảo toàn lực lượng khi nghe tin quân đội Pháp sẽ “làm cỏ” thị xã Savẳn. “Nhiều người trong số họ đã nằm lại dưới dòng sông”, người bạn này nói.

Hòa bình lập lại ở Đông Dương, rồi đến Hiệp định Mekong 1995 và Tuyên bố chung Hua Hin 2010 của chính phủ 4 nước trong tiểu vùng Mekong đã xác định: “Chính phủ các nước thành viên cần thiết tối ưu hóa việc sử dụng đa mục tiêu tài nguyên nước và vì lợi ích chung của tất cả các nước ven sông, để tránh bất kỳ tác động bất lợi nào do các hiện tượng tự nhiên cũng như con người gây ra, bảo vệ giá trị lớn lao của các hệ sinh thái tự nhiên và cân bằng sinh thái”. Với Hành lang kinh tế Đông - Tây, những chuyến đi xuyên Á ngày càng dễ dàng, giúp ta có dịp ngồi bên bờ sông này hoặc đi qua chiếc cầu Hữu Nghị số 2 và nhìn ngắm dòng Mekong vừa trầm hùng, vừa thơ mộng.

Chiều bên sông Mekong thanh bình hôm nay ẩn chứa trong đó một lịch sử đau thương của cả vùng Đông Dương trong thế kỷ 20. Có thể tối nay tôi đã sang ngủ bên kia, thành phố Mục Đa Hãn hiền hòa và hiếu khách của người Thái để thực hiện phương châm “ngày ăn cơm 3 nước” của các nhà làm lữ hành. Nhưng không, tôi đã chọn Savannakhet để ngắm nhìn ánh dương rực rỡ, để nghe người bạn gái Lào vừa quen biết nói câu “Khôn Lao mặc muồn” hiền lành, dịu dàng như đóa Chăm-pa nõn trắng trên những con đường chiều Savẳn.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

.