Kỷ niệm 1 năm ngày mất của nhà văn Tô Hoài (10-6 âm lịch), hội thảo có tên “Tô Hoài - một đời văn” đã được tổ chức tại Hà Nội vào sáng 18-7.
Những tựa sách mới của nhà văn Tô Hoài vừa được ra mắt. Ảnh: M.HOÀNG |
Hội thảo do Công ty Văn hóa Phương Nam phối hợp với Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức, để nhớ về Tô Hoài - cây đại thụ của làng văn học Việt; đồng thời để cùng nhìn lại di sản văn học đồ sộ mà nhà văn Tô Hoài để lại cho đời. “Tô Hoài đã thôi hiện diện ở cõi người ta, một năm và mãi mãi. Nhưng những cuốn sách của nhà văn Tô Hoài sẽ còn sống lâu ở cõi trần”, đúng như nhận xét của Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên.
Gần 20 tham luận được trình bày tại Hội thảo đã góp phần làm sáng rõ hơn những cống hiến của Tô Hoài, từ những trang viết cho thiếu nhi đầy sống động Dế Mèn phiêu lưu ký tới những mảng truyện ngắn vùng cao, đặc biệt là đóng góp của ông trong mảng hồi ký, tự truyện, với các tác phẩm đặc sắc: Cát bụi chân ai, Chiều chiều...
PGS,TS Tôn Phương Lan (Viện Văn học) ghi nhận: “Hồi ký Tô Hoài chỉ là một mảng nhỏ trong di sản của ông. Viết về bè bạn cũng chỉ là một phần trong hồi ký. Là nhân chứng sống của nền văn nghệ cách mạng, Tô Hoài viết từ góc nhìn của người trong cuộc, cung cấp cho bạn đọc những tư liệu thú vị về một số nhà văn, cũng là những tư liệu quan trọng để người đọc có cơ sở nhìn kỹ, hiểu sâu về cơ chế và đời sống văn nghệ.
Thời gian trôi đi, các nhà văn thuộc thế hệ trước cách mạng và kháng chiến chống Pháp lần lượt thành người thiên cổ và nếu ai còn thì sức sáng tạo chắc cũng không nhiều. Những tư liệu trong các hồi ký càng trở nên quý giá, nhất là với những người biết nhiều, hiểu kỹ như ông”.
Trong khi đó, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên ghi nhận Tô Hoài là nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại sống bằng văn, sống viết văn, với đủ các thể loại, trải nhiều đề tài.
“Ông viết đều đặn, bền bỉ, viết như một lẽ sống, viết như là sống, không phải kiểu nhà văn tài tử, chỉ nương nhờ theo cảm hứng. Văn Tô Hoài là văn về những cảnh đời lam lũ, những phận người vất vả, nhất là những người dân quê ven đô, nơi ông sinh ra và lớn lên”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.
Đánh giá về cuộc đời văn nghiệp của Tô Hoài, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Có thể nói không một nhà văn nào ở nước ta viết được nhiều như ông trên các thể loại, đề tài, vùng miền. Không nhà văn nào sánh được với ông về mặt tác phẩm đem lại cho người đọc sự hiểu biết đời sống thực tế, cụ thể, chi tiết. Tô Hoài là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại sống bằng văn, sống viết văn, viết đều đặn, bền bỉ, đủ thể loại, đủ đề tài…”.
Còn theo PGS,TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, giảng viên Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh: “Từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến tạp văn, Tô Hoài duy trì được cách kể kề cà xộc xệch rất hiện đại, phả được tiếng rì rầm phồn tạp và cái nhịp điệu tự nhiên của đời sống. Những mở đầu và kết thúc thường lửng lơ, đột ngột. Phần lớn các nhan đề của ông cũng toát lên cái dung dị tự nhiên ấy”. PGS,TS Thanh Xuân nhấn mạnh “cái nội lực văn hóa của miền”, đặc biệt là “cái nội lực văn hóa của thời mà ông đã sống” đã kết hợp với thiên hướng và hoàn cảnh cá nhân của Tô Hoài.
“Sẽ phải có nhiều ngày, nhiều suy tư, nhiều trang viết để nói về một Hà Nội làm nên Tô Hoài. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến sự kết tụ và kết tinh, âm thầm, tiềm tàng, kiên nhẫn qua bao năm tháng: phù sa văn hóa mà vùng đất này có được. Phù sa ấy được bồi đắp theo một nhịp vận hành hài hòa tự nhiên, không thủy điện, không cơ giới.
Tô Hoài đã may mắn sinh ra và lớn lên nơi ấy, hút đậm phù sa từ thuở thiếu thời. Mảnh đất ven đô cho ông điểm nhìn từ cái giáp ranh của đời: Ông thấm vào mình cái hơi thở tĩnh lặng của đất đai làng mạc đồng thời lại nhạy cảm với cái nhịp đập hối hả, cái tâm thế xao xác của thị dân”, PGS,TS Nguyễn Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.
Có mặt tại cuộc hội thảo, nhà báo Nguyễn Phương Vũ, con trai nhà văn Tô Hoài, bùi ngùi chia sẻ: “Đã từ lâu từ khi cầm bút, bố tôi là người cẩn thận và luôn có trách nhiệm với câu chữ nên mỗi bản in dù là in lại nhưng ông luôn đọc, cắt gọt, chỉnh sửa, “uốn nắn”, tỉ mẩn như người dệt vải. Khi ông trao lại cho tôi để xử lý nhập liệu với một bản thảo chi chít màu mực, chữ, từ, câu mà ông thêm bớt đan xen ngang dọc. Cha tôi là vậy, sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong nghề viết như mối nợ tình với ông”.
Dịp này, Phương Nam Books đã ra mắt bạn đọc 18 tác phẩm của Tô Hoài (gồm 4 tiểu thuyết, 3 truyện ngắn và 2 bút ký) với hình thức hoàn toàn mới: Chiếc áo xường xám màu hoa đào, Chuyện để quên, Miền Tây, Ký ức Đông Dương, Ký ức Phiên Lãng… Những bản in lần này là những bản in mới nhất, đầy đủ và hoàn thiện nhất do chính nhà văn Tô Hoài đọc và sửa chữa trước lúc đi xa. |
MAI HOÀNG