Văn hóa - Giải trí
Tự chủ tài chính: Nghệ thuật truyền thống than khó
Vấn đề làm thế nào để đơn vị nghệ thuật truyền thống vừa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, vừa phát triển, đáp ứng thị hiếu của công chúng là câu hỏi làm các nhà quản lý của nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn khu vực miền Trung đau đầu.
Việc phục dựng vở ca kịch Chuyện tình bên dòng sông Thu bằng ngân sách Nhà nước đã tạo tiếng vang trong lòng khán giả. Ảnh: N.HÀ |
Vấn đề nói trên được đề cập tại Hội thảo khoa học “Cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập-thực trạng và giải pháp”, do Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội (đơn vị được Bộ VH-TT&DL giao thực hiện Đề án “Cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập”) tổ chức mới đây ở Huế.
Nhà quản lý kêu khó
Đề cập việc tự chủ tài chính, những người đứng đầu đơn vị nghệ thuật truyền thống công lập đều kêu khó. NSND Phan Thị Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế khẳng định: “Thật sự không thể tự chủ hoàn toàn được. Nếu phải gánh trách nhiệm đó, tôi e rằng mình không gánh nổi để bảo đảm đời sống của anh chị em nghệ sĩ. Tình cảnh nghệ thuật truyền thống đang ở bờ vực thẳm. Chỉ riêng dựng vở đã đổ biết bao mồ hôi, công sức, nước mắt nhưng có khi gửi giấy mời cũng không ai đi, huống chi bán vé”.
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, chia sẻ nhà hát này được đánh giá là một trong hai nhà hát tuồng hoạt động hiệu quả của cả nước, nhưng một đêm diễn chưa quá 50 người xem. Doanh thu chủ yếu nhờ diễn phục vụ khách du lịch. Song, nhiều nghệ sĩ muốn “ra đi”. Để tìm được diễn viên, phải vào Nha Trang, Bình Định tuyển, rồi về đào tạo lại từ đầu. “Như thế thì có thể tự chủ được không? Tôi cho rằng không thể. Tôi đầu hàng”, ông Tuấn nói.
Một vấn đề nữa khiến những người trong nghề lo ngại khi tự chủ tài chính là chất lượng các chương trình nghệ thuật. Khi tự hạch toán thu chi, các đơn vị phải xây dựng các chương trình bảo đảm doanh thu, sẽ không tránh khỏi việc nhiều vở diễn được dàn dựng theo thị hiếu khán giả để bán được vé, nhưng ít tính nghệ thuật.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam, cho rằng thực tế hiện nay, mức lương dành cho diễn viên, nghệ sĩ thuộc lĩnh vực nghệ thuật truyền thống khá thấp nên không thu hút được tài năng, dẫn đến thiếu hụt đội ngũ kế cận có tay nghề, thiếu hụt kịch bản. Nếu phải thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa nghệ thuật biểu diễn thì vô cùng khó khăn, dẫn đến chất lượng kém từ kịch bản đến biểu diễn.
Cần lộ trình cụ thể
Ở góc nhìn khác, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tứ Hải chỉ ra rằng, vì bao cấp 100% như lâu nay nên các đơn vị nghệ thuật công lập ỷ lại, không chịu tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật; không cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. “Nếu tự chủ tài chính, mục tiêu cuối cùng mà đơn vị nghệ thuật hướng đến là giải quyết vấn đề vở diễn với tấm vé khán giả. Đơn vị nghệ thuật có vở diễn vừa mang giá trị nội dung, vừa hấp dẫn nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thị hiếu thẩm mỹ của nhiều đối tượng khán giả. Nghĩa là vở diễn phải xứng đáng với đồng tiền, bát gạo bỏ ra, khán giả chịu mua vé, doanh thu cao. Bởi vậy, giá trị tự chủ còn là sự động viên, tập trung trí tuệ của lực lượng văn nghệ sĩ”, ông Nguyễn Tứ Hải phân tích.
Thừa nhận những mặt tích cực mà cơ chế tự chủ mang lại và khẳng định con đường tự chủ là đúng đắn nhưng nhiều nghệ sĩ đề nghị cần cân nhắc kỹ; cần thực hiện có lộ trình, thời gian thích hợp với từng loại hình nghệ thuật; đơn vị nghệ thuật biểu diễn theo thứ tự ưu tiên, chứ không nên “cào bằng”.
Riêng đối với đơn vị nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo…, có hai luồng ý kiến. Một số cho rằng, Nhà nước cần sắp xếp, tinh gọn lại số lượng các đơn vị nghệ thuật truyền thống, mang tính đại diện loại hình, đại diện vùng, miền để tập trung xây dựng, đầu tư thật sự chất lượng, xứng đáng là đơn vị tiêu biểu trong việc bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống. Một số khác nêu ý kiến chưa nên tiến hành cơ chế tự chủ thời điểm này, mà tiếp tục dùng ngân sách Nhà nước để bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống. Nhưng chính các đơn vị này khi đã tìm ra giải pháp, hội đủ điều kiện thì sẽ có cơ chế tự chủ từng phần và theo lộ trình cụ thể.
PGS,TS Đinh Quang Trung, Viện trưởng Viện Sân khấu điện ảnh - Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, cho biết đã tham khảo 54 đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập và nhận thấy nếu thực hiện cơ chế tự chủ tài chính sẽ gặp những rào cản nhất định. Cũng theo PGS,TS Đinh Quang Trung, xuất phát từ thực tiễn, ông và các cộng sự sẽ quan tâm nhiều yếu tố khi thực hiện Đề án “Cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập”, từng bước cân nhắc hoàn thiện đề án để tham mưu cho Bộ VH-TT&DL.
NGỌC HÀ