Văn hóa - Giải trí

Văn hóa đi chùa

07:51, 16/07/2015 (GMT+7)

Đi lễ chùa vốn là một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần mỗi người dân Việt.

Nhiều người đi lễ chùa để tìm sự bình an, thư thái.
Nhiều người đi lễ chùa để tìm sự bình an, thư thái.

Tìm chốn bình yên cho tâm hồn

Không là đạo hữu, chị Vũ Kim Loan (trú đường Dương Thưởng, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cho biết, chị thường cùng gia đình đi lễ chùa vào dịp đầu năm để cầu cho cha mẹ, con cái và mọi người một năm mới bình an, gặp nhiều may mắn. Khi có thời gian, chị Loan cũng thu xếp đi lễ chùa vào những ngày rằm hoặc mồng 1 hằng tháng. “Có khi chỉ là nén nhang, hoặc chỉ mang theo chút lễ bạc lòng thành lên chùa, nhưng mỗi lần đứng chắp tay trang nghiêm trước đức Phật, trong khung cảnh tĩnh tại, tôi thấy lòng bình yên, nhẹ nhõm. Dường như mọi lo toan thường nhật trong giây phút được rủ bỏ hoàn toàn”, chị Loan chia sẻ.

Trú ở đường Lê Quang Sung (quận Thanh Khê) nhưng vài năm nay, hầu như không ngày nào bà Hoàng Thị Hồng không có mặt ở chùa Bát Nhã (đường Triệu Nữ Vương, quận Hải Châu). Bà Hồng cho biết, gia đình bà theo đạo Phật nên thói quen đi lễ chùa đã ngấm vào tâm thức nhiều thế hệ. Nhưng khi trưởng thành, vì bận bịu công tác, bà không có nhiều thời gian thực hiện nhu cầu tinh thần này. Từ khi nghỉ hưu, ngày nào bà cũng thu xếp thời gian, hoặc sáng hoặc chiều, đến chùa Bát Nhã thắp nhang cầu an thì đêm về mới ngon giấc. “Tôi nghĩ tôn giáo nào cũng có vẻ đẹp của nó là hướng thiện. Quan trọng, con người phải biết đâu là giới hạn, đừng biểu hiện lòng tin thái quá. Phật giáo cũng vậy, trước đây, tôi làm việc ở bệnh viện, ngày nào cũng thấy cảnh đau thương, buồn bã, đối lập hoàn toàn với sự bình an, tĩnh tại của cõi Phật. Cuộc sống cần được cân bằng, tôi đến chùa mỗi ngày để tìm kiếm sự cân bằng đó”, bà Hồng thổ lộ.

Cần được định hướng

Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, bên cạnh mục đích cầu an, cầu may, nhiều người đi chùa ngày nay còn đến chùa để vãn cảnh, thư giãn; có người chỉ đi theo “phong trào”. Đến những chùa lớn, vốn thu hút nhiều khách thập phương đến cầu an như chùa Linh Ứng, chùa Quán Thế Âm…, không khó để bắt gặp những đôi nam thanh nữ tú chọn cảnh chùa linh thiêng để hẹn hò, hay trình diễn những mẫu thời trang “hot” nhất. Theo phản ánh, dù hiếm, nhưng cũng bắt đầu xuất hiện những hình ảnh phản cảm như ăn mặc hở hang, lời nói, hành động khiếm nhã… của khách đi chùa thời gian gần đây.

Theo nhận định của Sở VH-TT&DL, so với cả nước, điều đáng mừng là lễ hội hay các phong tục trong đời sống văn hóa tâm linh như đi lễ chùa tại Đà Nẵng có rất ít hoặc hầu như không xuất hiện những biểu hiện biến tướng, phản cảm. Vì vậy, không có quá nhiều vấn đề khiến ngành quản lý phải “đau đầu”; cũng không có những hình ảnh phản cảm về thói quen trong sinh hoạt tín ngưỡng của người dân trên địa bàn Đà Nẵng như nhiều chùa chiền, lễ hội ở các địa phương khác.

Tuy nhiên, “thời gian gần đây, việc xuất hiện những hiện tượng như chen lấn, bồng bế, trèo lên tượng Phật để cầu may, cầu an tại chùa Linh Ứng (quận Sơn Trà) là lời cảnh báo đối với công tác quản lý văn hóa. Những định hướng, công tác quản lý Nhà nước về việc thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, chốn linh thiêng không bao giờ là thừa đối với một đô thị lớn như Đà Nẵng trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ như hiện nay”, một nhà nghiên cứu văn hóa cảnh báo.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đang kiên quyết chấn chỉnh, dẹp bỏ hành vi xin ăn, xin ăn biến tướng trước các cổng chùa lớn trên địa bàn thành phố để giữ gìn vẻ nghiêm trang vốn có của chốn thờ tự linh thiêng, hưởng ứng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”.

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

.