Văn hóa - Giải trí

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi: Tôi thích sự thô mộc, đơn giản

08:17, 31/08/2015 (GMT+7)

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, đang sinh sống tại Mỹ, là một trong số rất ít họa sĩ người Việt sống được bằng công việc vẽ tranh ở xứ người.

Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi (phải) tiếp nhà thơ Thu Bồn tại Mỹ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi (phải) tiếp nhà thơ Thu Bồn tại Mỹ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Gần 30 năm ở Mỹ, ông đã có nhiều cuộc triển lãm tranh ở các tiểu bang, ở các trường đại học và hai lần triển lãm tại thành phố Hồ Chí Minh. Triển lãm với chủ đề “Tuổi thơ và thần thoại” của tại thư viện Newton, bang Massachusetts, gây sự chú ý đối với giới sưu tập bởi cách diễn đạt rất riêng và đậm chất văn hóa truyền thống Á Đông. Tháng 9 tới, lần đầu tiên tranh của Nguyễn Trọng Khôi được trưng bày tại Đà Nẵng.

* Hình như ông là người có nhiều triển lãm cá nhân nhất trong số những họa sĩ Việt Nam đang sống ở Mỹ?

- Tôi đã tham dự 20 cuộc triển lãm tại Mỹ kể từ năm 1991 đến nay và có 14 lần triển lãm cá nhân. Khoảng 15 năm trở lại đây, tôi dành hết thời gian cho hội họa. Có khá nhiều họa sĩ Việt Nam định cư tại nước ngoài nhưng đến nay chỉ còn rất ít người theo đuổi nghệ thuật. Ở hải ngoại, các họa sĩ luôn phải làm nghề khác để sinh sống, ngoại trừ một số ít tạm chấp nhận cuộc sống eo hẹp từ thu nhập bằng nghề của mình. Vì vậy, khách quan mà nói, nhiều họa sĩ đến nay vẫn phải sống dựa vào những công việc khác.

* Vậy thì hội họa Việt Nam hiện nay được đánh giá ra sao tại Mỹ?

- Trong hầu hết các cuộc triển lãm, người ta thường đặt câu hỏi cho họa sĩ về sự thành công của anh ta dựa trên con số tranh bán được bao nhiêu. Ít có người chỉ quan tâm đến những khám phá mới của họa sĩ, mặc dù điều đó rất quan trọng. Có nhiều lý do để khách thưởng lãm (nhất là khách Việt Nam) quan tâm vấn đề trên. Trước hết vì mình là sắc dân thiểu số sống trong một cộng đồng lớn và đa dạng. Nền hội họa Việt Nam chưa ghi được dấu ấn đậm nét trong trào lưu hội họa thế giới và không gây được những ấn tượng sâu sắc để thu hút quần chúng. Những hoạt động lẻ tẻ của họa sĩ Việt Nam hải ngoại không tạo được tiếng vang nào đáng kể. Vì thế, hầu hết các tác phẩm được khách sưu tập vẫn chỉ từ tình cảm quen biết của cộng đồng địa phương chứ không từ các nhà sưu tập chuyên nghiệp.

* Theo tôi biết, ngoài ông, còn có một số họa sĩ Việt Nam thành danh và đến định cư tại Mỹ từ sau năm 1975, như Rừng, Đinh Cường, Hồ Đắc Ngọc…?

- Họa sĩ Rừng và Ðinh Cường cũng là những họa sĩ luôn làm việc và có những triển lãm thường xuyên hằng năm tại Mỹ. Anh Rừng năm ngoái có triển lãm tại thành phố Hồ Chí Minh. Ai yêu tranh của anh ấy có thể truy cập tại: www.vnartist.com. Riêng họa sĩ Ðinh Cường có nhiều triển lãm ở các bang miền nam của Mỹ… Còn họa sĩ người Đà Nẵng như Hồ Ðắc Ngọc, Lê Văn Tài thì lâu lắm rồi không thấy các anh sinh hoạt hội họa.

* Tôi nhớ triển lãm “Tuổi thơ và thần thoại”khá thành công của ông, hình như ông đang quay về với những kỷ niệm quê nhà?

- Khi lấy chủ đề cho cuộc triển lãm, thật ra tôi chỉ dựa trên những cảm xúc trên từng tác phẩm. Tuổi thơ và những câu chuyện thần thoại bao giờ cũng có mối quan hệ gần gũi với nhau. Một ngày nào đó, những niềm vui hạnh phúc nhỏ nhoi thời niên thiếu trong mỗi con người sẽ sống dậy, miên man chảy suốt hồi ức khiến tâm hồn chúng ta trở nên yếu đuối và đắm chìm vào những hoài niệm. Nó đơn giản như một viên bi trong thế giới kỳ thú của chúng. Nó nhắc chúng ta về những huyền thoại của quê hương xứ sở…

* Nói đến những viên bi, tôi không sao quên được cách “chơi màu” của ông. Nó trong suốt đến không ngờ. Và hình như ông luôn hướng đến cái đẹp?

- Đó là trước đây. Còn bây giờ, hình như mỗi ngày tôi mỗi xa với những óng ả, mượt mà của kỹ thuật và càng ngày tôi càng gần đến với sự thô mộc, giản đơn. Tính chất lù xù như sơ nguyên chưa gọt giũa khiến cho ta bớt vướng bận vào những tính toán, che đậy. Tôi nói như vậy chắc có nhiều người không đồng ý, nhưng biết sao hơn!

* Tháng tới, ông giới thiệu tranh tại Đà Nẵng?

- Tôi có nhiều bạn bè thân thiết làm nghệ thuật ở Đà Nẵng từ trước năm 1975. Đà Nẵng và Hội An trong hòa bình càng trở nên nổi tiếng về nhiều mặt và có lẽ tần suất xuất hiện trên các phương tiện truyền thông thế giới cũng khá dày, đặc biệt là khi miền Trung có các di sản văn hóa được thế giới công nhận.

Riêng về triển lãm cá nhân của tôi ở đây, đó là sự kiện quan trọng và cảm động tôi nên sự chuẩn bị cũng rất chu đáo.

Có thể nói rằng với nghệ thuật, tôi càng ngày càng gần gũi với sự đơn giản và thô mộc. Nhưng cho phép tôi được giữ kín các chi tiết để tạo sự bất ngờ cho bạn hữu và người xem. Tuy vậy, các bạn có thể xem tranh của tôi tại www.khoiart.com để biết về hội họa và cả âm nhạc của tôi.

* Xin cảm ơn ông!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG thực hiện

.