Văn hóa - Giải trí

Nâng tầm lễ hội cầu ngư

07:28, 31/08/2015 (GMT+7)

Lễ hội cầu ngư tại Đà Nẵng là tín ngưỡng đặc trưng của văn hóa tâm linh miền biển. Vì thế, nâng tầm lễ hội cầu ngư không chỉ bảo tồn tín ngưỡng dân gian mang đậm chất nhân văn của người Việt mà còn là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển đảo.

Lễ nghinh ông tại lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê.
Lễ nghinh ông tại lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê.

Vấn đề này được các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa thảo luận và đề xuất tại tọa đàm khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội cầu ngư tại Đà Nẵng” do Sở VH-TT&DL tổ chức ngày 29-8. Đây cũng là cơ sở để hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ VH-TT&DL công nhận lễ hội cầu ngư tại Đà Nẵng là di sản phi vật thể quốc gia.

Sức sống mãnh liệt

Theo Trung tâm Quản lý di sản thành phố, hiện Đà Nẵng có 12 lăng, miếu thờ cá Ông phân bố chủ yếu tại các vùng ven biển Sơn Trà, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu. Gắn liền với không gian văn hóa lăng, miếu thờ cá ông là hoạt động lễ hội. Hằng năm, các làng ven biển này đều tổ chức lễ hội cầu ngư chu đáo, bài bản, giữ được truyền thống và có nhiều nét tương đồng với lễ hội cầu ngư của các tỉnh, thành phố Nam Trung bộ khác. Thống kê có 7 bản văn cúng cô hồn, 9 bản nhạc lễ, 6 bản văn tế cầu an, cầu ngư, 6 bản hát bả trảo được lưu truyền từ nhiều đời nay, phản ánh đậm nét văn hóa tâm linh miền biển.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, có hai giả thuyết về nguồn gốc của tín ngưỡng thờ cá Ông. Một là xuất phát từ người Chăm, bởi lẽ trong truyền thuyết của người Chăm, cá Ông chính là Thần Sóng Po Riyak. Giả thuyết khác cho rằng, tín ngưỡng này phổ biến ở một số nước Đông Nam Á, những quốc gia chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa Ấn Độ.

Dù bắt nguồn từ đâu đi nữa nhưng người Việt tiếp thu và từng bước “Việt hóa” hoàn toàn thành tín ngưỡng của mình. Đến triều Nguyễn (vua Gia Long) đã công nhận tín ngưỡng này và tạo điều kiện cho người dân thờ cá Ông ven biển. Sau này, theo lý giải khoa học, người ta đã chứng minh hiện tượng cá Voi hay cứu người. Nhưng trong tiềm thức của người dân vùng biển, cá Ông là vị thần của biển cả, có vị trí quan trọng, được tôn kính hết mực và trở thành điểm tựa tinh thần của cư dân miền biển. Vì thế, trước khi ra khơi, họ thường cúng biển và cầu khấn cá Ông.

“Theo tìm hiểu của tôi nhiều năm nay về lễ hội cầu ngư, điều quan trọng nhất trong cầu khấn của người đi biển là bảo toàn tính mạng để trở về từ mỗi chuyến ra khơi, kế đến mới là cầu được bội thu tôm, cá. Điều đó chứng minh vì sao người đi biển sùng bái, niềm tin tuyệt đối vào sự hiển linh của cá Ông khi họ gặp bất trắc”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Văn Hòe khẳng định.

Nhà nghiên cứu Trần Hồng cũng cho rằng, xuyên suốt chiều dài lịch sử, trải qua nhiều biến thiên, lễ hội cầu ngư vẫn không bị gián đoạn, bằng cách này hay cách khác, người dân miền biển vẫn làm lễ tế ông hằng năm. “Những năm 1982-1984, giai đoạn bài trừ mê tín dị đoan, nhiều lễ hội, lễ cúng bị nghiêm cấm nhưng lễ tế ông vẫn được người dân biển cúng vào ban đêm. Có thể nói, lễ hội cầu ngư ngày càng được tổ chức trên diện rộng và rầm rộ hơn”, nhà nghiên cứu Trần Hồng cho biết.

Cần bảo tồn và phát huy

Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe, lễ hội cầu ngư có đủ cơ sở xã hội để tồn tại bởi biển vẫn còn, ngư dân vẫn còn và tàu thuyền vẫn còn. Không giống một số lễ hội nông nghiệp khác, mất đi cơ sở xã hội bởi không còn ruộng đồng để sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn, lễ hội mục đồng Phong Lệ không thể phục dựng được, hay lễ hội đình làng thì một số nơi phần lễ chỉ còn mỗi cầu an...

Nhiều ý kiến khác đồng tình về việc bảo tồn và phát huy lễ hội cầu ngư. Bởi lẽ, không chỉ bảo tồn tín ngưỡng dân gian mang đậm chất nhân văn của người Việt mà còn là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển đảo. Sự hiện hữu của lễ hội cầu ngư là nguồn dữ liệu, là những bằng chứng vật chất và tinh thần xác thực về kinh nghiệm ứng xử với biển của các thế hệ người Việt Nam đầy tính nhân văn.

Do đó, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa đề nghị nên phục dựng, tổ chức một lễ hội cầu ngư cấp thành phố vừa mang tính chất cầu ngư, cầu an, vừa vận động ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường. Nhưng cần nghiên cứu kỹ, tổ chức bài bản các nghi lễ, hấp dẫn phần hội dựa trên nền truyền thống và bản chất vốn có của nó, đặc biệt làm sao để ngư dân vẫn thấy họ chính là chủ thể chính của lễ hội...

HÀ THU

.