Văn hóa - Giải trí
Trục văn hóa lễ hội hai bên bờ sông Hàn: Chọn lọc nét độc đáo, hấp dẫn
Chiều 26-8, sau khi nghe lãnh đạo Sở VH-TT&DL, quận Hải Châu, quận Sơn Trà và các đơn vị liên quan báo cáo về Đề án xây dựng trục văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn (gọi tắt là Đề án), Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã có những ý kiến chỉ đạo cụ thể, sâu sắc nhằm phát huy hiệu quả Đề án, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Trong đó, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng nhấn mạnh yếu tố chọn lọc trong xây dựng các chương trình, phương án, loại hình văn hóa - lễ hội dọc hai bờ sông Hàn; tránh làm kiểu ồ ạt, dàn trải, trùng lặp, nhàm chán.
Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - lễ hội
Nội dung dự thảo Đề án được trình bày tại buổi làm việc đề xuất duy trì, phát huy 7 hoạt động văn hóa - lễ hội đang thực hiện tốt dọc hai bên bờ sông Hàn như: cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế; trang trí hoa điện chiếu sáng tại vỉa hè và các cụm đèn mỹ thuật tại hai tuyến đường trong các dịp lễ, Tết; duy trì trưng bày, định kỳ thay đổi tác phẩm tại 2 cụm tượng đá nghệ thuật trên vỉa hè đường Bạch Đằng; cuộc thi đua thuyền VTV cúp dịp 2-9 hằng năm; cuộc thi lướt ván trên sông Hàn; biểu diễn “Âm nhạc đường phố”; các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vào tối chủ nhật hằng tuần.
Dự thảo đề xuất 12 nội dung mới tại hai tuyến đường dọc bờ sông Hàn. Trong đó, trên trục đường Bạch Đằng sẽ có 8 hoạt động mới. Đáng chú ý là xây dựng một sân khấu lắp ráp để tổ chức các hoạt động nghệ thuật truyền thống, dự kiến đầu tiên là hát bài chòi; thí điểm nhạc hơi; tổ chức hội sách, triển lãm ảnh; đầu tư sân khấu đa năng để tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu ca múa nhạc, tạp kỹ…, triển khai thêm cụm tượng trang trí, tổ chức khách du lịch tham quan Thành Điện Hải.
4 hoạt động mới tại trục đường Trần Hưng Đạo gồm thực hiện thí điểm đầu tư một sân khấu ngoài trời (cố định hoặc lắp ráp) phía Đông cầu Rồng theo hướng xã hội hóa; nâng cấp các hoạt động tế lễ tại nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Đền thờ Thoại Ngọc Hầu thành lễ hội thường niên; đầu tư một sân khấu lắp ráp để tổ chức các hoạt động, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ phong trào như hòa tấu, độc tấu nhạc cụ, dân vũ, hip hop…
Theo Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng, các hoạt động văn hóa - lễ hội dọc hai bên bờ sông Hàn hiện nay đã bắt đầu sôi động, đặc biệt là về đêm, nhưng có nhiều hoạt động còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, bài bản. Vì vậy, việc quy hoạch không gian, kiến trúc, kết hợp sự kiện văn hóa, du lịch là đòi hỏi cấp bách.
Song, không phải cấp bách thì chúng ta sẽ làm theo kiểu vội vàng, ồ ạt, mà cần tính toán, cân nhắc lựa chọn thật kỹ lưỡng để đưa công trình, sự kiện vào có tính khả thi, thu hút. Trục văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn phải là nơi giới thiệu, tôn tạo, giữ gìn những bản sắc văn hóa Việt nói chung, văn hóa Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng, phải làm rõ được nét độc đáo, sự khác biệt thì mới lôi cuốn được người dân và du khách.
Cần lộ trình cụ thể, chi tiết
Khi góp ý về Đề án, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đặc biệt nhấn mạnh việc phải xác định đối tượng phục vụ, sau đó mới đưa ra những lựa chọn, phải có lộ trình, thời gian thực hiện rõ ràng. “Về mặt nội dung, bên cạnh những chương trình “nội địa”, cần nghĩ tới những nội dung, hoạt động văn hóa- lễ hội có tính hội nhập, những chương trình “đinh” hút khách”.
Đối với những sân khấu, hoạt động văn hóa văn nghệ có tính phong trào, quần chúng thì phải do chính người Đà Nẵng tham gia, biểu diễn, làm sao thu hút được quần chúng. Các sân khấu dự kiến đầu tư thì nên là sân khấu lắp ráp, di động, vừa phát huy hiệu quả, vừa tránh che khuất tầm nhìn và chiếm diện tích trong những trường hợp không cần thiết. Điều quan trọng là phải xây dựng chương trình phong phú, sinh động.
Ông Dũng cho rằng, đối với những sân khấu biểu diễn quần chúng nên để các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố luân phiên chịu trách nhiệm nội dung, chương trình. Khi đó, sân khấu sẽ là điểm tựa nâng đỡ, khích lệ phong trào nghệ thuật quần chúng; nội dung chương trình cũng sẽ tránh trùng lặp, nhàm chán.
Một “lỗ hổng” của Dự thảo Đề án cần được bổ sung hoàn thiện là sự phối hợp nhịp nhàng giữa những chương trình văn hóa - lễ hội dưới nước và trên bờ. Các hoạt động dưới nước và trên bờ không thể “tùy hứng”, “không liên quan”. Phải dự trù, tính toán ngày từ bây giờ, tránh việc sau này lại tốn thời gian, tiền của vào việc sửa sai, khắc phục hạn chế. Trong Đề án cũng nên lên kế hoạch tuyên truyền cụ thể, hiệu quả nhất, ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.
Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng giao Sở VH-TT&DL và các đơn vị liên quan hoàn thành thông qua Đề án trong tháng 10-2015 để bắt đầu triển khai trong năm 2016. Tháng 9-2016, đánh giá lại Đề án để chuẩn bị kế hoạch 2017, gắn với các sự kiện du lịch quốc tế sẽ tổ chức tại Đà Nẵng.
THANH TÂN