Nguyễn Thuật là người sinh ra và lớn lên ở đất Quảng - một trong những vùng đất học nổi tiếng của đất nước, lại xuất thân từ gia đình khoa bảng nên việc dấn thân theo con đường sôi kinh nấu sử chí thú học hành, những mong đỗ đạt để ra làm quan là sự lựa chọn chính trị bình thường. Nguyễn Duy Hiệu - lãnh tụ phong trào Nghĩa hội - cũng từng lựa chọn như vậy và Phan Châu Trinh - thủ lĩnh phong trào Duy tân - cũng vẫn chọn lựa như thế.
Cụ Hà Đình Nguyễn Thuật (Ảnh tư liệu) |
Không phải chịu cảnh lận đận học tài thi phận như nhiều sĩ tử khác, Nguyễn Thuật học giỏi và thi cử hanh thông. Năm Tự Đức thứ 20 đỗ cử nhân, năm Tự Đức thứ 21 đỗ phó bảng, từ đó mà hoạn lộ cũng rất thuận lợi, vừa bước chân vào quan trường đã sớm được bổ làm Biên tu sung hàm Hàn lâm viện, rồi thăng làm Giáo đạo…
Triều đình Tự Đức đánh giá cao bút lực văn chương của Nguyễn Thuật khi cử ông làm Biên tu, vì đây là người chấp bút soạn thảo các văn kiện do nhà vua ban hành và các văn kiện giao dịch với nước ngoài - theo chức năng của Hàn lâm viện, và thường phải có hàm Hàn lâm viện - cho nên việc ông được sung Hàn lâm viện Biên tu vào thời điểm này gần như đương nhiên - hai trong một.
Rồi việc ông được thăng chức Giáo đạo chuyên dạy các hoàng tử ở Dưỡng Thiện đường chứng tỏ Nguyễn Thuật còn được triều đình Tự Đức đánh giá cao về phẩm hạnh mô phạm. Đây là những bước khởi đầu rất tốt để ông đủ sức đảm đương nhiều trọng trách trong công vụ sau này, chẳng hạn việc soạn thảo các văn kiện ngoại giao thời còn làm Biên tu ở Hàn lâm viện giúp ông có những hiểu biết cần thiết về quan hệ quốc tế khi hai lần được cử đi sứ sang Trung Quốc...
Thách thức chính trị đầu tiên trong quan trường mà Nguyễn Thuật phải đối mặt là sự kiện kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn và ban dụ Cần vương vào tháng 5-1885. Trước hết, có thể thấy Nguyễn Thuật không chọn con đường của Phạm Thận Duật - người mà năm 1883 cùng Nguyễn Thuật đi sứ sang Thiên Tân để thương nghị với nhà Thanh về việc hợp tác chống Pháp, người mà sau khi kinh thành thất thủ đã phò tá vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở, nhưng rồi bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo và mất trên chuyến tàu đi đày… Có thể suy đoán vào thời điểm Huế thất thủ, Nguyễn Thuật đang làm quan ở Thanh Hóa chứ không có mặt ở kinh thành nên khó có sự lựa chọn giống Phạm Thận Duật, nếu lúc ấy ông cũng làm quan trong triều thì không chừng sự thể sẽ khác…
Nguyễn Thuật cũng không chọn con đường chống Pháp đến cùng của Trần Văn Dư và Nguyễn Duy Hiệu - hai người đồng hương Quảng Nam cũng từng đỗ đại khoa và từng dạy học cho các hoàng tử. Hơn thế nữa, Nguyễn Thuật còn xem con đường này là sai trái, bằng chứng là khi nhiều người thân của ông ở làng Hà Lam tham gia chống Pháp trong phong trào Nghĩa hội, ông tự thấy liên lụy đến mức phải dâng sớ xin bãi chức.
Điều đáng nói là việc ông xin bãi chức không được triều đình Đồng Khánh thân Pháp chấp thuận; thậm chí về sau ông còn được thăng nhiều hàm chức rất cao như Thượng thư, Tổng đốc, Đại học sĩ, Cơ mật viện đại thần… Có thể suy đoán triều đình Đồng Khánh xét thấy mức độ liên lụy của ông trong trường hợp này - nói theo ngôn ngữ bảo vệ chính trị nội bộ hiện nay - là có vi phạm nhưng chưa đến mức điều chỉnh. Cũng có thể suy đoán triều đình Đồng Khánh cho rằng, ông mượn cớ để nhận kỷ luật nhằm kín đáo bày tỏ thái độ bất hợp tác với người Pháp… Tuy nhiên, có lẽ nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là do triều đình Đồng Khánh luôn đánh giá cao năng lực cáng đáng công vụ của ông.
Nhưng chấp nhận tiếp tục làm quan cho một Nam triều hầu như không còn quyền lực gì đáng kể vẫn chưa phải là sự lựa chọn chính trị cuối cùng của Nguyễn Thuật. Ngay trong thời gian này, có vẻ như ông thích làm “chuyên môn đơn thuần”, chẳng hạn như thích chấm thi - làm chánh chủ khảo hai kỳ thi hội, hoặc thích viết sử - năm Thành Thái thứ tám, với cương vị Tổng tài Quốc sử quán, Nguyễn Thuật nhận lệnh phối hợp cùng Trương Quang Đản - con trai Trương Đăng Quế - soạn cuốn Sử quán thư mục…
Sự lựa chọn chính trị cuối cùng của Nguyễn Thuật diễn ra vào năm Thành Thái thứ mười ba, vì bất hòa với Hoàng Cao Khải và còn vì phản đối việc Nguyễn Thân chém chết mười mấy người từng tham gia khởi nghĩa Phan Đình Phùng, Nguyễn Thuật xin về hưu rồi mở trường dạy học ở quê nhà. Triều đình Thành Thái chấp thuận sự lựa chọn của ông, nhưng khi đã cho Nguyễn Thân nghỉ hưu và điều động Hoàng Cao Khải ra Bắc Kỳ, triều đình liền triệu hồi Nguyễn Thuật về kinh tiếp tục tham chính. Nguyễn Thuật trở ra kinh thành làm việc, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn - sang triều Duy Tân, ông lại xin về hưu lần nữa và tiếp tục dạy học cho đến cuối đời.
Có thể đặt câu hỏi rằng, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Thuật sẽ như thế nào nếu ngay từ năm Tự Đức thứ 21, vừa thi đỗ phó bảng, ông có một sự lựa chọn chính trị khác: không ra làm quan mà về làng Hà Lam trở thành ông đồ Quảng, dạy học ở quê nhà - công việc mà sau 2 lần nghỉ hưu ông đã làm với tất cả đam mê và nhiệt huyết - cho đến khi về với cõi vô cùng? Chắc chắn chúng ta sẽ có được một thầy giáo Nguyễn Thuật mẫu mực trong cả dạy chữ lẫn dạy người. Chắc chắn thầy giáo Nguyễn Thuật sẽ luôn là tấm gương ngời sáng cho học trò noi theo. Con đường làm quan nhiều cám dỗ như vậy mà ông vẫn giữ mình trong sạch, vẫn nêu cao được hai chữ thanh liêm, huống chi làm thầy!
Có điều vốn sống của thầy giáo Nguyễn-Thuật-suốt-đời-làm-thầy ở Hà Lam chắc sẽ hạn chế hơn nhiều so với vốn sống của thầy giáo Nguyễn Thuật từng sống ở kinh đô đất nước, từng gánh vác và suy ngẫm về quốc gia đại sự, từng được đi sứ và nghiên cứu về các định chế Trung Quốc và Triều Tiên, từng họa thơ với một ông vua hay chữ như Tự Đức... Thật diễm phúc cho những ai được thọ giáo với thầy Nguyễn-Thuật-đại-thần tầm cỡ quốc gia như vậy!
Cũng có thể đặt câu hỏi rằng, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Thuật sẽ như thế nào nếu vào năm Thành Thái thứ mười ba ông có một sự lựa chọn chính trị khác: tiếp tục đắm mình trong hoạn lộ, không dâng sớ xin nghỉ hưu và trở về làng mở trường dạy học? Chắc chắn chúng ta sẽ có một đại thần Nguyễn Thuật càng ngày càng được triều đình tin dùng/nhân dân kính trọng và không chừng ông còn trở thành một trong tứ trụ triều đình. Chắc chắn chúng ta sẽ có một sử gia Nguyễn Thuật tiếp tục đóng góp cho nền học thuật nước nhà nhiều trước tác uyên thâm!
Có điều thái độ chính trị của đại thần Nguyễn-Thuật-suốt-đời-làm-quan sẽ không được bộc lộ một cách đầy đủ mọi khía cạnh, khiến hậu thế chỉ có thể hình dung Nguyễn Thuật như một ông quan tài năng/mẫn cán/liêm khiết/thương dân, chứ chưa thể hình dung Nguyễn Thuật như một ông quan không chịu đứng cùng bên với những đồng liêu thân Pháp như Nguyễn Thân/Hoàng Cao Khải…
Nhân Hội thảo khoa học Hà Đình Nguyễn Thuật - danh nhân văn hóa do Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Thăng Bình tổ chức tại Thăng Bình quê hương cụ Hà Đình Nguyễn Thuật vào ngày 15-9 vừa qua, bàn về sự lựa chọn chính trị của ông sẽ góp phần vào việc phác họa chân dung một trí thức đất Quảng trong những thập niên đầu nước nhà bị Pháp đô hộ, từ đó góp phần làm tăng thêm lòng tôn kính và tự hào đối với Cụ Thượng Hà Đình!
BÙI VĂN TIẾNG