Văn hóa - Giải trí

XÂY DỰNG VĂN HÓA NÔNG THÔN MỚI

Giữ "hồn" làng giữa phố

13:04, 10/09/2015 (GMT+7)

Diện mạo nông thôn mới Hòa Vang đang đổi thay từng ngày. Song, điều đáng quý là chính quyền và nhân dân nơi đây luôn nỗ lực gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống - cái “hồn” văn hóa làng quê Việt, ngay trong lòng phố thị...

Một trong những niềm tự hào của người Hòa Vang là gìn giữ được các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có bài chòi.
Một trong những niềm tự hào của người Hòa Vang là gìn giữ được các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có bài chòi.

Người Hòa Vang yêu văn nghệ

So với các quận trên địa bàn thành phố, phong trào văn nghệ quần chúng tại huyện Hòa Vang khá mạnh và có sức lan tỏa từ khắp các thôn, làng đến xã, huyện. Chị Lê Thị Kim Oanh (thôn Túy Loan Đông 2) cho biết: “Mỗi khi có đợt thi văn nghệ mới cảm nhận được không khí thi đua sôi nổi giữa các thôn, xã, từ Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh đến Đoàn Thanh niên... Những lúc ấy, nhà nhà, người người kéo nhau đi xem, đông vui như trẩy hội”, chị Oanh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, phong trào và tình yêu văn nghệ “cây nhà lá vườn” của người dân quê Hòa Vang là vốn quý, luôn được trân trọng, gìn giữ. “Dù thôn, làng từng ngày thay da đổi thịt, không chỉ đường sá, nhà cửa khang trang mà cách tiếp cận thông tin, lối sống của người dân cũng ngày càng hiện đại, cởi mở. Chỉ cần mở ti-vi, máy tính tại nhà thì mỗi người dân quê tôi bây giờ đều có thể “muốn xem gì cũng có”, nhưng tình yêu văn nghệ của họ dường như không hề thay đổi”, ông Dũng nhìn nhận.

Đó cũng là lý do mà hoạt động tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về an toàn giao thông, xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, bảo vệ rừng, nói không với bạo lực gia đình…, thông qua các kịch bản văn nghệ ở Hòa Vang luôn phát huy hiệu quả sâu rộng trong quần chúng.

Ngay cả các đợt chiếu phim lưu động của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng thành phố khi về với Hòa Vang bao giờ cũng được người dân nơi đây đón nhận nồng nhiệt, hồn hậu, dù cách xem phim khá thô sơ tại sân bãi làng tưởng như đã quá cũ.

Cũng theo ông Nguyễn Thúc Dũng, điều mà ông tâm đắc nhất trong hơn 10 năm theo đuổi, chăm chút phong trào văn hóa, văn nghệ ở huyện Hòa Vang là với nỗ lực bằng nhiều cách, đến nay, huyện vẫn lưu giữ được các loại hình nghệ thuật truyền thống như bài chòi, dân ca Khu 5; các lễ hội đình làng, lễ hội đặc trưng cho đời sống lao động sản xuất nông nghiệp... “Thật không dễ để một địa phương hình thành các CLB bài chòi; đưa dân ca, bài chòi vào trường học; hằng năm tổ chức thi bài chòi, dân ca, những sân chơi “Làng vui chơi, làng ca hát”, những hội hè, đình đám sôi nổi quanh năm như thế”, ông Dũng nhận xét.

Phát triển văn hóa theo hướng truyền thống - hiện đại

Một nét đẹp không thể không nhắc đến khi nói về văn hóa nông thôn mới Hòa Vang là nỗ lực xây dựng, phổ biến những quy tắc, quy ước gìn giữ thuần phong mỹ tục, đạo đức truyền thống trong ứng xử cộng đồng.

Hưởng ứng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, từ đầu năm nay, huyện Hòa Vang đã ban hành bộ quy tắc ứng xử cộng đồng, trong đó đặc biệt đề cao những giá trị nhân văn, vai trò của gia đình, tộc họ, nền nếp gia phong trong việc chăm lo học hành, giáo dục đạo đức cho con cháu; đề cao tình làng nghĩa xóm… Chưa kể trước đó, huyện cũng đã có quy ước gồm 9 điều về ứng xử văn hóa, văn minh ở nông thôn, ban hành khắp 118 thôn trên toàn huyện.

Hiện nay, 100% thôn có hương ước, 2/3 tộc họ có “tộc ước” mà ở đó, người dân và các đoàn thể địa phương thống nhất, cam kết trên nguyên tắc tự nguyện thực hiện những hành vi ứng xử, lối sống văn minh, song không xa lạ, tách rời những nét đẹp vốn có của gia đình, làng quê Việt. “Tại nhiều thôn, xã trên địa bàn huyện Hòa Vang, hễ nhà nào có việc cưới, việc tang thì cả thôn sẽ chung tay giúp đỡ, sẻ chia. Cái “tình làng” tưởng đã mai một nay được chính những người dân phố huyện làm sống lại”, Nguyễn Hồng Duân, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong cho biết.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Toàn, nguyên Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, cho rằng việc lưu giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống chính là xây dựng, phát triển văn hóa theo chiều sâu, hướng đến sự bền vững. Hiện tại và trong thời gian tới, bên cạnh nâng cao đời sống vật chất, thực hiện nếp sống văn minh, hiện đại trong cộng đồng nông thôn mới, huyện cần tiếp tục chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Với những di tích chưa được xếp hạng, cần tiến hành kiểm kê, cắm bia di tích. Bên cạnh đó, chú trọng khai thác, đầu tư các loại hình dân ca, lễ hội đình làng để phục vụ đời sống người dân thêm phong phú; xây dựng các nghề truyền thống như nấu rượu cần, đan tre, mây tại các xã Hòa Bắc, Hòa Phú.

Đối với hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng, tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động văn hóa - nghệ thuật ở các địa phương; đưa các hạt nhân văn hóa, văn nghệ cơ sở tham gia lớp tập huấn… Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa - nghệ thuật; thành lập, phát triển các CLB nghệ thuật truyền thống; đồng thời hướng dẫn, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy các giá trị văn hóa (nghi lễ trong lễ hội đình làng, nghề truyền thống…), nghệ thuật truyền thống (bài chòi, dân ca, tuồng…).

Ngoài ra, đối với kiến trúc, cảnh quan làng quê, huyện Hòa Vang chủ trương vận động người dân làm những “hàng rào xanh” bằng dâm bụt, chè tàu, hàng cau... thay cho những hàng rào bê-tông; khôi phục kiến trúc nhà Gươi tại các xã miền núi...

Bài và ảnh: THANH TÂN

.