Văn hóa - Giải trí
Từ thụ yếu quy hay đức thanh liêm của người làm quan
Trong di sản Đặng Huy Trứ để lại, Từ thụ yếu quy là cuốn sách quan trọng, đề cập những nguyên tắc chủ yếu của việc nhận và không nhận quà biếu, hối lộ.
Đặng Huy Trứ và cuốn Từ thụ yếu quy do NXB Pháp lý và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1992. |
Đặng Huy Trứ (1825-1874) là một nhà cải cách Việt Nam thời cận đại, ông tổ nghề nhiếp ảnh ở Việt Nam và là người đầu tiên đưa kỹ nghệ đóng tàu phương Tây du nhập vào Việt Nam.
Với xứ Quảng, ông để lại tấm lòng của một viên quan đức độ, gần dân, yêu dân. Lịch sử còn ghi, tháng 9 năm Giáp Tý (1864), đang là bố chính Quảng Nam, trong một bản sớ “tiến cử người hiền tài”, Đặng Huy Trứ đề cử Hoàng Diệu và trình lên vua Tự Đức. Ngày 20 cùng tháng, Bộ Lại nhận lời phê chấp thuận của Tự Đức. Duyên tri ngộ này đã gắn kết 2 con người, 2 nhân cách cao cả trong những năm tháng đầy bi tráng của lịch sử Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX.
Trong di sản Đặng Huy Trứ để lại, Từ thụ yếu quy là cuốn sách quan trọng, đề cập những nguyên tắc chủ yếu của việc nhận và không nhận quà biếu, hối lộ. Đây là công trình đồ sộ, với gần 2.000 trang chữ Hán, tập hợp 2.017 dẫn chứng về các thủ đoạn hối lộ. Bản dịch hiện lưu hành chỉ 206 trang, do NXB Pháp lý và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp ấn hành năm 1992. Sau đó, NXB Văn hóa - Thông tin in lại (2002) với tên sách là Từ thụ yếu quy - Bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người xưa. Nguyên bản khắc in ở hiệu “Thập giới viên” - Quảng Châu, Trung Quốc.
Trong lời Tựa của sách, Đặng Huy Trứ nói rõ mục đích của việc biên soạn Từ thụ yếu quy là để làm khuôn phép cho bản thân và cho con cháu đời sau, không dám nghĩ để làm khuôn phép cho ai. Dẫu vậy, có thể nói, đến nay, Từ thụ yếu quy vẫn là bộ sách duy nhất ở nước ta bàn về các hình thức hối lộ và phẩm chất của người chăn dân. Sách của ông, xét đến cùng, là cẩm nang về thuật trị nước của những sĩ phu, trí thức chính trực về tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Trước hết, hãy nói về những kiểu hối lộ không thể nhận. Với 104 kiểu, Đặng Huy Trứ đã bao quát các lĩnh vực của đời sống, từ thi cử đến thuế má, từ kiện tụng đến phân chia tài sản, từ hôn nhân, gia đình đến mở hội hát xướng, từ chiều đón ý quan đến xui nguyên giục bị, từ nha dịch đến cai lại... đều được ông phân giải rạch ròi.
Có đến 2/3 trường hợp người đưa hối lộ là dân thường. Họ là những nhà nông muốn được nhận ruộng công loại tốt; nông dân hối lộ để xin giảm thuế; hối lộ để xin nhập hộ tịch; hối lộ để xin chia công điền; thợ thuyền, con buôn và hàng xóm hối lộ để xin được miễn sai dịch; binh lính già ốm hối lộ để xin được thải hồi; thường dân bị vu cáo hối lộ cần được thoát nạn; vợ chồng không hòa hợp hối lộ để xin ly dị; gái góa hối lộ để xin đi bước nữa... 29 trường hợp bọn quan lại, hào lý, con cái công thần, đại thần hối lộ để xin được tập ấm ra làm quan hoặc để được phẩm hàm, hay quan lại tham nhũng hối lộ để lấy lòng quan trên. Có khi là hối lộ cho quan khi đi công cán. Có khi là nhận hối lộ của các tỉnh phái người về nộp vật dụng. Có khi là địa phương hối lộ các quan đến thanh tra.
Trong 104 kiểu hối lộ không thể nhận ấy, mỗi kiểu đều có dẫn giải, phân tích và nêu dẫn chứng. Có kiểu tác giả viết dài. Có kiểu tác giả viết ngắn. Câu chốt lại của mỗi kiểu đều được nêu như một định đề, chắc nịch, đanh thép: “Thứ hối lộ ấy không thể nhận”.
Theo 2 dịch giả của nhóm Trà Lĩnh: Nguyễn Văn Huyền và Phạm Tấn Khánh, loại hối lộ trường thi được Đặng Huy Trứ quan tâm. Hối lộ trường thi, theo ông, là kiểu cho đỗ bừa, kiểu này góp phần làm nên những tên đạo tặc trong đám mũ cao áo dài mà thôi. Hóa ra là, thời nào cũng có những kẻ “học giả” nhưng muốn có “bằng thật”!
Ở kiểu hối lộ thứ 92, quan lại tham nhũng hối lộ lấy lòng quan trên, Đặng Huy Trứ gay gắt viết: “Trên đời này, có một loại quan lại tham bạo, cướp bóc của dân để nuôi béo mình như loài lang sói. Chúng sợ ta phát hiện hoặc vì ta giữ quyền cao chức trọng mà biếu xén lấy lòng để tạo con đường tiến thân sau này. Đó là những thứ bất chính. Thứ hối lộ ấy không thể nhận”.
“Thứ hối lộ ấy không thể nhận” luôn là kết luận cho mỗi kiểu hối lộ. Điệp khúc đó được lặp đi lặp lại, giúp ta nhận ra bản lĩnh và nhân cách Đặng Huy Trứ. Ông cũng tự dặn mình: “Chớ nghĩ rằng ta ngay thẳng, kẻ kia sao lừa dối được ta, ta sáng suốt xét đoán, kẻ kia không thể che giấu được ta. Chỉ sợ lâu ngày ta chẳng khỏi rơi vào mưu mô của họ. Cho nên, những kẻ không có việc gì mà cũng đưa quà biếu, nhất thiết không thể nhận”.
Sau khi nêu 104 trường hợp hối lộ không thể nhận, trong phần Tổng luận, Đặng Huy Trứ viết: “Ta đã từng đốt hương thề nguyện đêm ngày giữ gìn có thể không vi phạm 5 điều cấm của thánh nhân. Con cháu ta ra làm quan, có ai phạm thì sẽ là hạng vô sỉ, sống không được vào từ đường, chết không được chầu tổ tiên. Trong họ có người hiền, có kẻ hư đốn, người trong họ phải giữ công tâm, phải kiểm tra, bảo ban nhau. Không thể vì tình cốt nhục mà vì nể, nương nhẹ, làm tổn thương đến gia pháp. Đó là điều ta hằng mong mỏi.
Ta được vừa miệng thì dân bị hút máu. Ta được bảnh bao thân hình thì dân bị lột da. Ta được đầy túi thì dân phải bán nhà, đợ ruộng. Ta có cái khoản đãi bạn bè thì vợ con của dân chỉ còn cháo. Nghĩ như thế, há lại không giữ chữ thanh liêm hay sao!”.
Có thể xem những lời dặn dò đó là một minh triết, một thông điệp của lương tri mà Đặng Huy Trứ trao lại cho đời sau, cho con cháu của mình.
Phần thứ hai, phần có thể nhận, Đặng Huy Trứ chỉ nêu 5 trường hợp. Đó là, lễ Tết hằng năm; xong việc đến tạ ơn; người được tiến cử đến tạ ơn; thuyền buồm Nam - Bắc nhờ thuận buồm xuôi gió đem quà đến biếu; nhân việc vui buồn mà có đồ mừng riêng. Song, trong phần Tổng luận, ông còn nói thêm: “Con cháu hiền của ta, nếu không mảy may nhận càn như ở 104 trường hợp nói ở trên, mà lại còn có thể nhất thiết khước từ cả 5 trường hợp ở phần sau thì nhân phẩm còn cao hơn ta gấp vạn lần”... Không phải ngẫu nhiên mà Đặng Huy Trứ đề ra 38 chuẩn mực cho người làm quan, từ cần cù, thận trọng, công tâm, thành thực, khiêm tốn, khoan hòa, mẫn cán, bao dung..., đến quan hệ, ứng xử với cấp trên, với thân quyến, với kẻ quyền quý, người trộm cướp,...
Những gì Đặng Huy Trứ để lại trong Từ thụ yếu quy vẫn còn có ý nghĩa thời sự cho cả ngày hôm nay. Vẫn cần lắm những tấm lòng thương dân, thương nước, vẫn cần lắm những con người, như ông tâm niệm, dân không chăm sóc, chớ làm quan mà một đời Đăng Huy Trứ đã thao thức, suy nghĩ, đúc kết, trao gửi cho đời sau, qua Từ thụ yếu quy.
HUỲNH VĂN HOA