.

Phát huy giá trị đình làng

.

Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư gần 9 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách để trùng tu, tôn tạo 5 di tích đình làng. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, đây chỉ là nền tảng vật chất ban đầu. Việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng các đình làng vẫn là điều đáng quan tâm…

Dân làng An Ngãi Đông dâng hương tiền hiền trong ngày tiếp quản đình làng mới.
Dân làng An Ngãi Đông dâng hương tiền hiền trong ngày tiếp quản đình làng mới.

Đáp ứng nguyện vọng của người dân

4 tháng trùng tu công trình di tích đình làng An Ngãi Đông là 4 tháng trằn trọc, lo lắng của ông Nguyễn Hậu, thành viên Ban quản lý đình làng. Ngày công trình khởi công, ông có mặt từ sớm, ngày dựng cái cột, lợp cái mái, lát gạch nền, trang trí, khảm vẽ các án thờ…, ông đều theo sát, bởi với ông và dân làng, đây không chỉ là công trình xây dựng đơn thuần mà còn chứa đựng yếu tố tinh thần lớn lao.

“Mấy năm trước, mặc dù đình làng mục hư, dột nát, dân làng hằng năm vẫn tổ chức 2 lễ cúng vào 16-4 âm lịch và 25-12 âm lịch nhằm tưởng nhớ tiền hiền, hậu hiền, cầu quốc thái dân an. Nhưng nơi thờ cúng tiền hiền, tổ tiên mà xập xệ quá thì coi sao được. Khổ nỗi bà con trong làng đều nghèo, lần lữa mãi mà không có kinh phí xây. Khi biết thành phố cấp kinh phí trùng tu đình làng, bà con phấn khởi lắm”, ông Hậu chia sẻ.

Chung tâm trạng, ngày cơ quan chức năng bàn giao công trình đình làng Hưởng Phước, bà con trong làng kéo đến chia vui. Ông Trần Cước, thành viên Ban quản lý đình làng xúc động nói: “Mặc dù đình Hưởng Phước đã trải qua 3 lần tôn tạo, gần nhất là năm 1974, nhưng không được đầu tư bài bản, lại thêm chiến tranh, thời gian, nên xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Đình chẳng còn gì ngoài khung gỗ mục nát, đứng trơ trọi giữa đám cỏ dại um tùm. Rất xót xa! Tưởng như đã mất luôn cái đình mà các vị tiền hiền đã tạo lập hơn 100 năm nay!”.

Có lẽ vì thế, khi nhìn thấy đình làng mới khang trang với mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng, người dân Hưởng Phước vỡ òa trong hạnh phúc. Hôm bàn giao đình làng, khoảnh sân trước đình và trụ cổng vẫn đang trong quá trình thi công. Ông Trần Cước hào hứng bảo, bà con trong làng, những người con của làng từ phương xa, người đóng góp vài trăm ngàn đồng, vài triệu đồng... để đình làng thêm đẹp.

Gìn giữ di tích

5 di tích đình làng được trùng tu, tôn tạo trong năm 2015 đã hoàn thành và bàn giao, gánh nặng trên vai những người làm công tác bảo tồn di sản cũng vơi đi.

“Trùng tu những đình làng này là ý nguyện nhiều năm nay của dân làng và trăn trở của chúng tôi bấy lâu nay. Có thể nói, công tác trùng tu đã cố gắng giữ lại giá trị nguyên bản của di tích, có sự góp ý của ban quản lý đình làng, của những vị cao niên và được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của người dân. Do đó, đây là công trình mang nhiều ý nghĩa”, ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết.

Cũng theo ông Thanh, trùng tu, tôn tạo chỉ là đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, làm sao để phát huy giá trị đình làng là điều đáng phải quan tâm. Từ bao đời nay, mái đình gắn bó với đời sống tinh thần của người dân, vừa là không gian tín ngưỡng, vừa không gian sinh hoạt cộng đồng gắn với lễ hội, ẩm thực… Vì thế, việc gìn giữ các di tích đình làng không phải chỉ là gìn giữ kiến trúc ngôi đình mà là gìn giữ mối tương quan của con người với không gian đó.

Ông Thanh cho rằng, vai trò của chính quyền địa phương, ban quản lý đình làng, các chư phái tộc và người dân rất quan trọng trong việc phát huy giá trị di tích đình làng. Cần lưu ý làm sao giáo dục cho thế hệ trẻ công ơn của vị tiền hiền, lịch sử của làng, để hiểu hơn, trân trọng, gắn bó với đình làng. Làm sao để lễ hội đình làng là dịp gắn kết cộng đồng, giúp con người thêm yêu cội nguồn, sống tốt đẹp hơn…

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố, cho rằng Đà Nẵng là một trong số ít tỉnh, thành của cả nước dùng ngân sách của thành phố để đầu tư trùng tu, nâng cấp các di tích đình làng.

“Danh hiệu di tích cấp thành phố chỉ là danh hiệu cao quý phong tặng cho làng, sau khi địa phương làm hồ sơ xin công nhận. Đừng nghĩ khi được phong tặng di tích cấp thành phố thì thành phố phải có trách nhiệm lo, rồi di tích xuống cấp thì ngồi chờ ngân sách. Khi đình làng xuống cấp, hư hại, chính quyền địa phương và dân làng vận động đóng góp kinh phí trùng tu, nhưng phải theo đúng thiết kế được thẩm định, nếu không sẽ bị tước danh hiệu. Vì thế, chính quyền địa phương, dân làng cần có ý thức trong việc gìn giữ di tích đình làng; cùng chung tay góp sức bảo quản, bảo tồn, phát huy vẻ đẹp văn hóa đình làng”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Theo Sở VH-TT&DL, 5 đình làng được trùng tu, tôn tạo trong thời gian qua là các đình làng xuống cấp nghiêm trọng, được ưu tiên đầu tư bằng nguồn ngân sách thành phố, thuộc dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2013-2015”. Trong thời gian tới, một số di tích tùy theo mức độ ưu tiên sẽ tiếp tục được thành phố đầu tư thông qua dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2016-2020”.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.