.

Sân khấu kịch lịch sử cho học sinh

.

Lòng yêu Tổ quốc trong sáng của mỗi con người có thể được bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Đối với người Việt Nam, tình cảm thiêng liêng ấy có thể được bắt nguồn từ lời ru của bà, câu hát của mẹ và từ những câu chuyện kể lịch sử...

Một cảnh trong vở kịch lịch sử Thánh Gióng do sân khấu kịch Idecaf biểu diễn tại thành phố Hồ Chí Minh.  							  Ảnh: T.TÂN
Một cảnh trong vở kịch lịch sử Thánh Gióng do sân khấu kịch Idecaf biểu diễn tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: T.TÂN

Chương trình kịch lịch sử Việt Nam của sân khấu kịch Idecaf (thành phố Hồ Chí Minh) đã ra đời gần 15 năm nay trên tinh thần đó. Hiện tại, sân khấu kịch chuyên nghiệp này mong muốn phát huy những giá trị giáo dục lòng yêu nước trong học sinh Đà Nẵng qua những vở kịch lịch sử.

Dự án sân khấu kịch lịch sử Việt Nam mang chủ đề “Tôi yêu Tổ quốc Việt Nam! Tôi yêu lịch sử Việt Nam!”, do sân khấu kịch Idecaf phối hợp với các đơn vị nghệ thuật tại Đà Nẵng thực hiện, dự kiến triển khai tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn Đà Nẵng.

Ý tưởng đẹp

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc sân khấu kịch Idecaf, dự án sân khấu kịch lịch sử Việt Nam tại Đà Nẵng nhằm bước đầu và về lâu dài hình thành thói quen xem các chương trình biểu diễn văn hóa - nghệ thuật, cụ thể là sân khấu kịch trong trẻ em và gia đình cho một bộ phận công chúng Đà Nẵng. Dường như từ lâu Đà Nẵng đã mất thói quen này, vì nhiều lý do, trong đó có thói quen luôn trông chờ các diễn viên từ nơi khác đến biểu diễn mà thiếu niềm tin về các nghệ sĩ, diễn viên của chính thành phố.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết, những tác phẩm sẽ biểu diễn tại dự án kịch lịch sử lần này bao gồm: Anh hùng Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Trần Quốc Toản ra quân, Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Hoàng Đế cờ lau Đinh Bộ Lĩnh. Đó là 5 vở kịch lịch sử do sân khấu Idecaf vừa đầu tư dàn dựng công phu với hàng trăm buổi diễn thành công tại thành phố Hồ Chí Minh.

Để thực hiện dự án này, sân khấu kịch Idecaf - Nhà hát múa rối Nụ cười thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm đầu tư toàn bộ nội dung cho dự án gồm: xây dựng hoàn chỉnh các chương trình biểu diễn (giấy phép, kịch bản, diễn viên, phục trang, trang trí, âm thanh, xe chuyên chở, tờ rơi, nội dung gửi đến từng em học sinh); hình thành, huấn luyện nhân sự biểu diễn cho thành phố Đà Nẵng đầu tư toàn bộ các vở diễn lịch sử (múa rối, kịch nói); chịu trách nhiệm về toàn bộ kinh phí thực hiện tổ chức biểu diễn ra mắt ở Đà Nẵng (dự kiến diễn ra tại Nhà hát Trưng Vương, 50.000 đồng/vé).

Nguồn kinh phí thực hiện buổi biểu diễn tại các trường tiểu học (sau 2 buổi ra mắt) sẽ do các đơn vị trường tiểu học xem chương trình đóng góp, cụ thể: 10.000 đồng/học sinh (tối thiểu 1.000 đồng/học sinh/buổi diễn).

“Tôi chỉ mong muốn những vở kịch lịch sử hay sẽ đến với tất cả học sinh nhằm giúp các em hiểu và thêm yêu lịch sử dân tộc. Tôi nghĩ, diễn kịch lịch sử trong trường học như một môn học ngoại khóa bổ ích cho các em, phần nào hỗ trợ công tác giáo dục học đường một cách sinh động, hấp dẫn. Hơn thế nữa, việc tạo cho các em thói quen xem kịch từ nhỏ là cách giúp sân khấu kịch thành phố có đội ngũ khán giả tiềm năng trong tương lai.

Làm kịch sân khấu học đường không lời nhiều, thế nên bây giờ hầu như không có ai chịu đầu tư cho loại hình sân khấu này. Nhưng thâm tâm tôi chưa bao giờ muốn bỏ hoạt động vì trẻ thơ nhiều ý nghĩa này, nhất là với Đà Nẵng, thành phố luôn trong tim tôi. Hãy để trẻ em Đà Nẵng ngay từ bây giờ không còn bị thiệt thòi về sự được hưởng thụ thường xuyên các loại hình văn hóa chọn lọc như kịch rối, kịch nói…”, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn tâm huyết.

Điều quan trọng nhất, theo ông Tuấn, qua hoạt động sân khấu này sẽ góp phần nhỏ bé đào tạo những con người Đà Nẵng biết yêu văn hóa, văn nghệ từ nhỏ và những con người biết tổ chức các hoạt động văn hóa dưới nhiều hình thức.

Cần lộ trình cụ thể

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, cho biết, dưới góc nhìn của người làm văn hóa, ông ủng hộ ý tưởng này. Song, vấn đề ở đây là cần thời điểm và cách làm thích hợp, với những bước đi cụ thể, thiết thực hơn.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cũng cho rằng, thực hiện sân khấu kịch lịch sử trong các trường học trên địa bàn thành phố hiện nay chưa khả thi. “Cách làm theo như văn bản do sân khấu kịch Idecaf giới thiệu chưa thực cụ thể, việc mang kịch lịch sử đi diễn lần lượt các trường học trên địa bàn nghe chừng có vẻ “rềnh ràng” quá, chưa được gọn”, ông Hùng nói.

Mặt khác, nhiều vấn đề liên quan khác sẽ bị kéo theo như khâu tổ chức, giờ giấc, sân khấu, vấn đề thu tiền học sinh khá nhạy cảm, cần sự thận trọng… Ngoài ra, ông Hùng nhìn nhận, các vở kịch lịch sử như sân khấu Idecaf giới thiệu có thể nhiều học sinh đã được xem qua nhiều kênh, nên không chắc còn bảo đảm tính hấp dẫn.

Trong khi đó, ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, dù các em nhỏ, đối tượng học sinh tiểu học, THCS có xem kịch ở kênh nào đi nữa thì sân khấu kịch biểu diễn trực tiếp vẫn mang lại sự “lung linh” và không khí khác hẳn. Khi Đà Nẵng chưa tạo dựng được những điểm biểu diễn sân khấu kịch hằng đêm cho các em thiếu nhi như hai đầu đất nước thì chương trình sân khấu kịch lịch sử này là một bước đi phù hợp.

“Mọi việc sẽ không dễ dàng, nhưng điều quan trọng là chúng ta cần tiếng nói chung và quyết tâm thực hiện một hoạt động vừa văn hóa - nghệ thuật, đồng thời cũng là một cách “học” rất hiệu quả cho các em nhỏ”, ông Tuấn nói.

Sân khấu kịch Idecaf được thành lập từ năm 1997, đơn vị xã hội hóa nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam, đã xây dựng hơn 150 vở kịch nói dành cho người lớn và hơn 50 chương trình dành cho trẻ em.

Tháng 3-2014, sân khấu kịch Idecaf đã tổ chức 3 buổi biểu diễn kịch thiếu nhi chuyên nghiệp đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng do toàn bộ 60 diễn viên và nhân viên tại thành phố Hồ Chí Minh với vở Hoàng tử Gấu và hạt đậu thần, được dư luận và khán giả đánh giá cao.

Tháng 6-2014, sân khấu kịch Idecaf đã hỗ trợ trên tinh thần tự nguyện xây dựng cho Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng ra mắt sân khấu kịch thiếu nhi chuyên nghiệp đầu tiên của thành phố Đà Nẵng với vở Những đứa con của Rồng. Song, sau buổi ra mắt, vở kịch chỉ được công diễn 1 lần.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.