Văn hóa - Giải trí
Thanh Bạch: Sinh ra để làm MC
Có nhiều loại MC, người thì nói thuộc lòng như con vẹt; người thì nói trôi chảy như trả bài; người thì chỉ biết chào đầu, chào kết và kính thưa các nhà tài trợ; người thì dông dài và sến súa như đọc diễn văn. Thanh Bạch là MC đặc biệt. Anh có khả năng mà ít người nào có được: kích thích mọi giác quan của người xem. Anh được xem là MC số 1 của Việt Nam.
MC Thanh Bạch trong đêm chung kết “Giọng hát Việt nhí 2015”. Ảnh: CHÂU QUỐC HÙNG |
Miệng hái ra tiền
Khi Thanh Bạch dẫn chương trình, khán giả không bao giờ có cảm giác nhàm chán, nặng nề. Bản thân anh cũng không thấy đó là công việc mệt nhọc, phải nói cho hết giờ. Với anh, quan niệm MC “nói dài, nói dai, nói dở” khiến khán giả chuyển kênh, rời màn hình cần phải được “đập tan”. Dù không phủ nhận anh cũng nói dài và nói dai, bằng chứng là mỗi lời dẫn dắt của anh có đầu có đuôi, có trình tự, logic kiểu như 3 phần của bài tập làm văn, nhưng anh ghét nhất là những tờ giấy soạn sẵn nên không bao giờ có chuyện không thuộc, không nhớ hết kịch bản; không bao giờ có chuyện nói lắp bắp, chết trân trên sân khấu. Thanh Bạch biết phát hiện vấn đề, biết nắm bắt vấn đề và sau đó “mổ xẻ” vấn đề đến tường tận.
Cũng là người đàn ông mặc vest cầm micro nhưng cách mặc vest của Thanh Bạch khác người, cách cầm micro càng khác người hơn. Trang phục của anh trên sân khấu chưa bao giờ đơn điệu mà nói chính xác là rất “điệu”. Cũng là áo vest, sơ-mi, nơ thắt, mắt kính nhưng anh biết chương trình nào là màu xanh, chương trình nào là màu đỏ, vàng, tím, nâu… Với sự chăm chút đó, anh trở nên vô cùng đáng yêu; dù có lúc cũng màu mè, sến súa nhưng anh buộc người ta phải lóa mắt, chú ý, ngắm nhìn. Khi Thanh Bạch bước lên sân khấu, ngoài việc chuẩn bị về nội dung thì hình thức cũng quan trọng không kém. Anh bảo mình muốn hút khán giả ngay từ khi bước ra sân khấu, kích thích họ bằng thị giác trước.
Chưa ai dám quả quyết rằng mình biết Thanh Bạch có bao nhiêu tài vặt. Với những màn ca hát, nhảy múa, văn thơ, hò vè, xiếc, ảo thuật... rất uyển chuyển, một mình anh cũng đủ làm nên một tiết mục hấp dẫn. Miệng nói cười, chân tay lắc lư, đầu óc tư duy không ngừng. Khả năng “chịu chơi” của anh trên sân khấu thì khó ai sánh bằng. Ai muốn trò nào, anh có trò đó, bất chấp đó là sân khấu nhiều hay ít âm thanh, ánh sáng, màu sắc, anh cũng cuốn hút, làm lu mờ tất cả. Có cảm giác Thanh Bạch xem sân khấu là cái bể nhỏ và trong người anh lúc nào cũng tràn trề năng lượng để luôn đòi trào thoát ra ngoài.
Tóm lại, về sự duyên dáng, đa dạng khi cầm micro với tài ca hát, nhảy nhót trên sân khấu, Thanh Bạch ăn đứt nhiều người. Anh sinh ra là để dành cho nghề MC. Với những người yêu thích các chương trình giải trí, game show sôi động như Nốt nhạc vui, Đi tìm ẩn số, nếu thiếu Thanh Bạch thì sẽ mất vui. Trước đây, mở ti-vi là thấy Thanh Bạch. Anh dẫn game show nào là chắc cú game show đó ăn khách. Người ta xem anh là chính, xem chương trình là phụ. Mọi người tôn anh là “vua” game show. Bây giờ, mở ti-vi vẫn thấy anh độc đáo như ngày nào. 30 năm cầm micro đứng trên sân khấu, Thanh Bạch được người trong giới khen ngợi là người có cái miệng “hái ra tiền”.
Kết hợp tài năng và kiến thức
Trong trí nhớ của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, Thanh Bạch là người có gương mặt trong sáng nhất trong khoa Đạo diễn của Trường Nghệ thuật Sân khấu II vào cuối năm 1970. Nghe kể, lúc mới lọt lòng, thấy thằng bé trắng như bông bưởi nên ông nội anh đã đặt cháu tên Thanh Bạch. 18 năm sau, thằng bé lớn lên vẫn còn mang nét ngây thơ, hồn nhiên, trong trẻo.
Thanh Bạch là một trong số sinh viên được nhà trường chọn sang Liên Xô (cũ) du học nghề đạo diễn vì hội đủ 2 yếu tố: hồn nhiên và sâu sắc. Khi nhớ lại 6 năm du học, Thanh Bạch nói vui rằng, anh phải học 2 bằng cấp: một bằng do trường cấp và một bằng do mình cấp. Anh nhớ lại: “Trời nước Nga hồi ấy rất lạnh, đến -25 độ C. Sau giờ học, tôi lầm lũi đứng xếp hàng từ sớm để được vào nhà hát xem các đoàn nghệ thuật của Nga hay nước khác đến biểu diễn. Tôi cố gắng học hành chăm chỉ nên luôn đứng vào hàng top của khoa”.
Sau 6 năm, Thanh Bạch trở về nước. Cuộc sống gian khổ ở nước ngoài vẫn không làm anh mất đi dáng vẻ trong vắt. Ngược lại, anh càng tỏa sáng nhờ tri thức. Thời gian mới về nước, anh tham gia nhóm hài kịch châm biếm Tuổi trẻ Cười sống (thuộc Báo Tuổi trẻ Cười); làm MC cho phòng trà, các sân khấu; sau đó là hàng loạt chương trình giải trí trên đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Cũng tại đây, tất cả tài năng của Thanh Bạch được phát tiết, giúp anh nhanh chóng tỏa sáng.
Ở Thanh Bạch là sự kết hợp của tài năng thiên bẩm và tri trức, bản năng và sâu sắc, đam mê và khổ luyện. Thanh Bạch duyên dáng và thông minh, hoạt bát và sâu sắc, hồn nhiên và trí tuệ. Những điều tưởng chừng mâu thuẫn nhưng lại trộn lẫn vào nhau nhất quán. Anh bảo: “Mục đích đầu tiên của tôi là phải mang lại niềm vui, tiếng cười và sự thoải mái cho mọi người. Nhưng tôi không chủ đích gây tiếng cười vô bổ, đằng sau đó luôn là một thông điệp về giá trị của cuộc sống”.
Thanh Bạch nhớ lại câu chuyện gần 20 năm trước, khán giả đi xem hát, người gác chân, kẻ ăn uống, râm ran nói chuyện. “Từ cánh gà bước ra, tôi cúi chào khán giả, rồi gập người xuống đất. Khán giả vẫn nói chuyện rình ran thì tôi nhất định không ngẩng mặt lên. Vài người phát hiện, họ ngừng xôn xao và quan sát.
Một vài người đã la lối rằng nếu chương trình không bắt đầu họ sẽ nhào lên sân khấu”, anh kể. Khi đó, Thanh Bạch bắt đầu nhúc nhích, làm động tác kịch câm và mỉm cười, kêu gọi mọi người vỗ tay. Khi cả hội trường vỗ tay nhiệt tình, anh mới bắt đầu cất tiếng nói. Thanh Bạch bảo đó là một bài học và sau này trở thành kinh nghiệm với nghề MC là: “Muốn thành công phải làm điều gì đó để người khác chú ý, lắng nghe mình trước”. 30 năm đứng trên sân khấu, anh đã mang cả tình yêu cộng với kiến thức cùng vô vàn những gì quý giá góp nhặt được từ thực tế để cháy với nghề từng ngày.
Đằng sau “chiếc mặt nạ” luôn cười
Khi xuất hiện hàng trăm MC, kiểu nào cũng có nhưng Thanh Bạch vẫn đắt show. Nhiều khán giả nhận xét: “Thanh Bạch ngày càng làm mặt hơi đậm. Thành ra không được tự nhiên, cứ như mang mặt nạ lên sân khấu”. Tất nhiên “mặt nạ” ở đây hiểu theo nghĩa đen. Có lẽ không phải bây giờ mà đã từ lâu cách ăn mặc chăm chút, bóng bẩy, màu mè; cách dẫn được cho là hơi chợ, tạp kỹ của anh đã chịu không ít sự nghi ngờ. Song, suốt 3 thập niên đứng trên sân khấu, anh không bao giờ cho phép mình buông nụ cười xuống. Và rất có thể, nụ cười ấy sẽ gắn chặt nụ cười trên môi sẽ ở đó đến ngày anh ngừng thở.
Chuyện tình cảm của Thanh Bạch cũng không thể gọi là bất hạnh nhưng với riêng anh là nỗi niềm khó tỏ bày. Một thời, show “Những người thích cười” thành công vang dội từng làm nên thương hiệu của một cặp vợ chồng nghệ sĩ Thanh Bạch - Xuân Hương ăn ý nhau trong từng ánh mắt cử chỉ. Ngày ấy, nếu Thanh Bạch có thế mạnh về kỹ thuật điêu luyện thì Xuân Hương có khả năng châm biếm sâu cay. Họ cùng nhau tập, diễn, hồn nhiên như hai đứa trẻ con. Khi hôn nhân đổ vỡ, nhiều người đổ lỗi cho anh, phần nhiều những tin đồn về giới tính. Thanh Bạch bảo chia ly là chuyện không ai muốn và anh ít nhiều chịu ảnh hưởng.
Thanh Bạch rất ít khi phân bua, giải thích chuyện cũ. Anh muốn giữ nó lại cho riêng mình. Thành ra, dù anh thống kê: “Trung bình, tôi phát âm khoảng 150-200 từ/phút, khi đọc chậm hơn là 120-140 từ/phút. Trung bình mỗi ngày nói 15.000 từ, vậy một năm 365 ngày tôi sẽ nói khoảng 5.475.000 từ”, thì lúc anh trầm ngâm, im lặng cũng là điều dễ hiểu. Luôn có một Thanh Bạch thâm trầm, sâu sắc, tế nhị đáng ngạc nhiên, trái ngược lại với một Thanh Bạch hoạt náo, nhí nhắng, bóng bẩy và ồn ào trên sân khấu. Bởi: “Dường như đằng sau “chiếc mặt nạ” được vẽ kỹ lưỡng bởi phấn màu và những trang phục đa sắc lấp lánh trong ánh đèn màu tôi nhìn ra nỗi cô đơn của chàng trai trong vắt ngày nào”, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc nói.
PHƯƠNG NGUYÊN