Văn hóa - Giải trí

Café sáng

Chợ quê

10:00, 21/12/2015 (GMT+7)

Nhà tôi cách chợ chỉ khoảng vài trăm mét nhưng lâu lâu về quê, họa hoằn lắm tôi mới đi chợ mua đồ ăn giúp mẹ được một bữa, vì chợ họp sớm và vãn cũng rất sớm.

Minh họa: Hoàng Đặng
Minh họa: Hoàng Đặng

Còn nhớ hồi chưa xa nhà, thường khi trời chưa kịp sáng, khi mấy chị em tôi vừa ngủ, vừa nhâm nhi cái không khí trong lành của làng quê ngay trên giường, thì đã nghe tiếng người trong xóm í ới gọi nhau đi chợ.

Không nhiều lần tôi dậy sớm để đi chợ, nhưng cái chợ nhỏ làng quê, trong niềm thương nhớ của tôi có những nét đặc biệt ấn tượng, không lẫn vào đâu được.

Chợ được nhóm bên sông, cạnh hai gốc đa già tỏa bóng mát rượi. Nhỏ và thân thuộc. Với người có trí nhớ thông thường, chỉ cần đi chợ quê tôi khoảng vài ba lần thì có thể nhớ hết tất cả quầy hàng cũng như chủ các quầy hàng ấy.

Chợ chủ yếu cung cấp thực phẩm mà người làng cần dùng trong ngày, ngon nhất có lẽ là các loại cá sông, tôm sông. Vào mùa cá mạu (cá đối), cá heng, ai chịu khó đi chợ sớm sẽ mua được các mớ cá vừa được cất dưới sông lên tươi rói, vị ngon thì không còn gì bằng.

Hàng rau dưa đặc biệt hấp dẫn người mua vào những ngày giáp Tết, vì ở quê tôi, chỉ vào mùa đông xuân này mới trồng được nhiều rau.

Rau cải cay, cải ngọt, hành ngò, rau sống thập cẩm, đậu cô-ve xanh mướt, lại bảo đảm rau sạch một trăm phần trăm, vậy mà giá thì rẻ ơi là rẻ. Rẻ như cho vậy! Thời gian này, mỗi ngày ra chợ chỉ cần mua 10.000 đồng rau thì cả nhà 4-5 người có thể ăn cả ngày. Tôi thường nghĩ, bán rẻ như thế thì chẳng bù được công gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch…

Ấy vậy mà người dân quê tôi vẫn thức khuya dậy sớm tần tảo chắt từng cọng hành, cọng ngò, bó rau, trái đậu chỉ để kiếm vài chục ngàn đồng mỗi ngày. Được hỏi thì nhiều người chỉ cười hiền và nói rằng, “kiếm mấy đồng đi chợ”; với lại, trồng mấy thứ này không tốn kém bao nhiêu, chỉ ít đồng bạc tiền hạt giống, gieo trồng lên đất có sẵn, ít phân chao; như trồng đậu cô-ve thì chỉ cần lên rừng đốn vài bó rào, về có thể cho đậu leo thoải mái, vì đất làng mình rất tốt… Những người nông dân ấy hiền lành, chất phác, lấy công làm lãi, sống chắt chiu như thế đó.

Ở chợ quê tôi, các hàng bánh trái, chè cháo, áo quần hay đồ gia dụng được bày biện rất gọn và xinh, nhất là vài năm trở lại đây, khi chợ được đầu tư xây dựng lại khang trang, có mái che và các gian hàng được phân cách rành mạch.

Điều đặc biệt là khi chợ được xây mới hay cũ, chợ đông hay vãn thì ở đây không có cảnh chen lấn, tranh giành, cãi vã… Cảnh mua bán ở chợ quê tôi bao giờ cũng diễn ra hiền hòa, chân thật như bản tính của người làng từ bao đời nay.

Ngoài những gian hàng do người làng tự “sản xuất” để bán, chợ còn có sự góp mặt của một số tiểu thương ở các vùng lân cận. Nhiều nhất có lẽ là người bán cá biển. Có đủ cá ngừ, cá nục, cá bánh xe… Không biết sau phiên chợ sớm của làng Trần Xá, họ có phải đi bán ở chợ nào nữa không, chỉ biết rằng các đôi vợ chồng bán cá biển bao giờ cũng có vẻ vội vã.

Chợ quê tôi nhỏ là vậy mà đã có một số thức ăn trở thành “thương hiệu” hẳn hoi. Ví như nhắc đến bánh rán thì phải kể bánh rán chị Hương (anh Tiễn) ở xóm 3, bánh bao thì phải là bánh bao của bác Nượng, xóm 2 mới ngon, hay bún thì nên ăn bún của chị Khương (anh Cộng) cũng ở xóm 3… Thời gian gần đây, tôi nghe đồn không biết lý do gì mà chị Khương không bán bún nữa, vậy là làng mất một
món ngon.

Tôi thường hỏi mẹ vì sao làng mình phải họp chợ sớm như thế. Mẹ bảo, vì người dân quê còn việc đồng áng, việc nhà, họp chợ muộn lo đi chợ còn ai làm việc? Tôi ngẫm thấy cũng đúng.

Tôi xa nhà đã nhiều năm, từng sống ở Huế, rồi vào Đà Nẵng và có dịp gặp nhiều chợ lớn, chợ nhỏ, chợ quê, chợ phố… Ngay cả khi được sinh sống gần những khu chợ đầy đủ, thuận tiện thế nào chăng nữa, mỗi khi nghĩ về cái chợ họp rất sớm, mang dáng dấp tảo tần của các mẹ, các chị nơi làng nhỏ ven dòng Kiến Giang ấy, lòng tôi bao giờ cũng thấy nao nao...

THANH TÂN

.