Năm 2015 khép lại, để lại dư âm với nhiều vụ đạo thơ, trong đó có vụ kéo qua cả năm 2016
Nhà thơ Phan Huyền Thư và bìa tập thơ Sẹo độc lập. |
1. Ồn ào trên mạng xã hội và tốn khá nhiều giấy mực của báo chí đó là giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội trao vào ngày 10-10-2015. Trong số những tác phẩm được trao có tập thơ Sẹo độc lập của nhà thơ Phan Huyền Thư. Tập thơ đã ra mắt độc giả khá lâu nhưng không gây “sóng”, không gây “bão” gì. Chỉ đến khi Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thì mọi sự mới rùm beng, khiến dư luận chú ý.
Đầu tiên là nghi vấn bài thơ Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn trong tập thơ bị phát hiện có những câu mở đầu rất giống với tác phẩm nổi tiếng Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển của nhà thơ Du Tử Lê, sáng tác năm 1977.
Chuyện này vừa tạm lắng xuống một chút thì tác giả Sẹo độc lập lại tiếp tục bị nhà thơ - nhạc sĩ Hà Quang Minh phát hiện bài Bạch lộ cũng trong tập thơ Sẹo độc lập giống bài thơ Buổi sáng của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan. Bài thơ Buổi sáng cũng được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc khá quen thuộc Catinat cà-phê sáng.
Sự việc càng trở nên căng thẳng khi ngày 20-10-2015, Phan Huyền Thư gửi thư đến Hội Nhà văn Hà Nội xin trả lại giải thưởng và gửi lời xin lỗi mọi người.
Tác giả Sẹo độc lập nêu lý do: “Vì những vướng mắc về bản quyền tác giả cho một bài thơ trong tập thơ được giải, tôi xin trả lại giải thưởng này để tránh những phiền phức dư luận tiêu cực về chất lượng giải thưởng, ảnh hưởng đến Ban chấp hành và các thành viên hội đồng xét giải, đồng thời để bảo vệ uy tín giải thưởng của Hội - một giải thưởng đã có truyền thống về danh tiếng văn chương”. Đồng thời, Phan Huyền Thư gửi lời xin lỗi tới nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan nhưng không nhận mình đạo bài thơ Buổi sáng, mà chỉ nói: “Tôi xin lỗi chị (Phan Ngọc Thường Đoan) về sự giống nhau của hai bài thơ này đã làm chị tổn thương và phải trải qua nhiều buồn bực”.
Lời xin lỗi đầu tiên này không được Phan Ngọc Thường Đoan chấp nhận. Bởi đúng như ý kiến của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phát biểu trên báo chí rằng trong vụ việc này, chắc chắn phải có một người đạo thơ của người còn lại. Ông Thiều nhận định đây là vụ việc đáng buồn, xấu hổ cho làng viết.
“Tôi thấy cần phải bảo vệ danh dự của mình, bảo vệ sáng tạo tinh thần của mình. Nếu tôi chấp nhận lời xin lỗi, điều đó đồng nghĩa với việc tôi đồng ý rằng bài thơ tôi sáng tác sau bài thơ của Phan Huyền Thư. Vậy thì tôi sẽ giải thích thế nào về sự giống nhau giữa hai bài thơ nếu như sau này Phan Huyền Thư đưa ra bằng chứng của cô ấy. Tôi không lấy thơ của Phan Huyền Thư nên tôi cần cô ấy có tiếng nói thật rõ ràng về điều này”, nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan nói.
Câu chuyện có lẽ đã bớt lan sâu tỏa rộng nếu như người đạo thơ nhận sai và xin lỗi. Tuy vậy, phải mất khá nhiều thời gian, sau những lý lẽ biện minh bài thơ của mình có trước thì cuối cùng Phan Huyền Thư cũng thừa nhận rằng cô đã viết bài thơ Bạch lộ (xuất bản năm 2014) sau bài Buổi sáng (viết năm 2000) của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan và đã gửi lời xin lỗi. Hội Nhà văn Hà Nội mặc dù trước đó hết sức bảo vệ nhưng cũng đã quyết định rút giải thưởng đối với tập thơ này.
2. Câu chuyện liên quan đến bài thơ nổi tiếng Tổ quốc gọi tên mình cũng gây lên nhiều hoài nghi trong dư luận. Đến nay, vẫn chưa rõ ai thực sự là tác giả của bài thơ. Nhiều người cho rằng, phải đưa ra tòa vụ này thì may ra trắng đen mới rõ được.
Khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10-2015, một người đàn ông có tên Ngô Xuân Phúc xuất hiện đòi bản quyền bài thơ Tổ quốc gọi tên mình. Trước đó, bài thơ này gắn với tên tác giả Nguyễn Phan Quế Mai. Trong thời điểm cả nước sôi sục với chủ đề biển, đảo, bài thơ đã được cộng đồng quan tâm, tạo thành thương hiệu riêng của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Nhất là khi bài thơ được tiếp thêm sự lan tỏa qua các bản nhạc của các nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn và Quỳnh Hợp.
Ở thời điểm bài thơ, bản nhạc đã dịu đi, thì Ngô Xuân Phúc lên tiếng. Đầu tiên, anh xuất hiện trên mạng xã hội và cho biết anh mới là chủ nhân thực sự của bài thơ. Theo tác giả sinh năm 1980 đang sinh sống tại Nghệ An, anh sáng tác bài thơ vào năm 2008 và từng lưu truyền trên các mạng xã hội khác nhau.
Thật ra, trước khi đưa lên công khai, anh cũng đã email cho nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và sau đó là Nguyễn Phan Quế Mai. Nhưng tất cả đều không đạt được mong muốn. Bởi vậy, Ngô Xuân Phúc đã đưa ra công luận.
Ngay sau khi sự việc “lộ sáng”, tối 2-10, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai gửi thư ngỏ tới độc giả và truyền thông. Chị “tường trình” chi tiết, viết bài thơ trong hoàn cảnh nào, gửi cho ai đầu tiên, được sự góp ý ra sao, in báo nào đầu tiên...
Trong khi đó, đến nay, “người tạo sóng” Ngô Xuân Phúc cũng vẫn chưa đưa ra những bằng chứng cụ thể, chỉ có thêm vài ba người xác nhận rằng trước đây đã đọc bài thơ này trên mạng xã hội, và tác giả là tên một người đàn ông.
Thậm chí, trong thư ngỏ, Quế Mai tuyên bố: “Phát ngôn của ông Ngô Xuân Phúc xúc phạm đến danh dự nghề nghiệp của tôi, xúc phạm đến danh dự cá nhân tôi và xúc phạm đến tình yêu thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tôi dành cho Tổ quốc Việt Nam.
Qua các phương tiện truyền thông Việt Nam, tôi yêu cầu ông Ngô Xuân Phúc phải gửi thư chính thức xin lỗi tôi trước ngày 10-10-2015. Nếu không tôi sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để kiện ông ấy về tội vu khống”. Tuy vậy, sau đó, với những diễn biến khá phức tạp của vụ việc, Nguyễn Phan Quế Mai tiếp tục viết thư ngỏ và cho biết rút lại ý định kiện tụng.
Vụ việc chưa dừng lại, khi vào tháng 11-2015, anh Ngô Xuân Phúc đã cùng luật sư gửi tới Hội Nhà văn Việt Nam “yêu cầu hội viên của mình (tức Nguyễn Phan Quế Mai- PV) giải trình những nội dung mà tôi đã nêu ra trong đơn thư, đồng thời sắp xếp một buổi gặp gỡ giữa hai bên để làm rõ sự thật”. Theo luật sư Ngô Anh Tuấn, thuộc Công ty Luật TNHH Tuệ Anh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: “Vụ việc chỉ nên giải quyết tại tòa án khi tất cả những phương pháp giải quyết trên cơ sở đối chất, thương lượng, hòa giải không thành công”.
Trong đơn gửi đến Hội Nhà văn Việt Nam, anh Ngô Xuân Phúc viết: “Sự tự trọng của cá nhân khiến tôi luôn phải băn khoăn khi đưa vấn đề ra dư luận, vì nếu thắng kiện, mình cũng chẳng phải là một anh hùng mà chỉ khiến giá trị của những người cầm bút như mình ngày càng bị giảm xuống một cách thê thảm”.
Đến nay, vụ việc này vẫn chưa xong. Những người yêu thơ đang mong chờ được phân xử, tránh để thành những nghi án văn chương “vô tiền khoáng hậu”.
MAI HOÀNG