Văn hóa - Giải trí

LỄ HỘI ĐÌNH LÀNG HẢI CHÂU

Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

10:23, 29/02/2016 (GMT+7)

Tổ chức đều đặn từ năm 2009 đến nay, lễ hội đình làng Hải Châu trở thành hoạt động văn hóa, khôi phục và lưu giữ những nét đẹp truyền thống. Gần 2 tháng nữa lễ hội năm 2016 mới diễn ra, nhưng hiện nay, công tác chuẩn bị đang được tiến hành chu đáo và bài bản.

Lễ hội đình làng Hải Châu được tổ chức hằng năm nhằm giáo dục những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Lễ hội đình làng Hải Châu được tổ chức hằng năm nhằm giáo dục những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Nơi lưu dấu tích đình làng từ xa xưa

Đình làng Hải Châu nằm khuất trong hẻm 48/46 đường Phan Châu Trinh (phường Hải Châu 1), tọa lạc trên khuôn viên rộng trên 3.500m2. Quần thể di tích đình làng gồm nhà thờ Tiền hiền, nhà thờ các chư phái tộc và miếu Bà.

Lịch sử ghi lại đình làng Hải Châu được lập đầu tiên vào năm Gia Long thứ 5 (1806) để thờ Thành hoàng làng và các vị Tiền hiền, Hậu hiền của khu đất Nghĩa Lợi bên bờ sông Hàn. Sau một thời gian dài vắng bóng, lễ hội đình làng Hải Châu chính thức được khôi phục vào năm 2009 và từ đó, diễn ra thường niên vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm.

Ông Trần Văn Tố, người sinh sống lâu năm tại địa phương chia sẻ, một trong những biểu tượng đẹp của làng quê Việt xưa chính là đình làng. Việc tổ chức lễ hội đình làng Hải Châu là dịp để tôn vinh vẻ đẹp của biểu tượng đình làng, nơi thờ phụng Thành hoàng làng, thờ những người có công khai hoang lập ấp.

Đây còn là dịp hội tụ những người con quê hương và đón những người con xa xứ trở về, giáo dục các thế hệ sau biết trân trọng, gìn giữ bản sắc dân tộc, cùng một lòng dốc sức xây dựng quê hương. Theo ông Võ Trường Anh, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1, đây là hoạt động văn hóa có quy mô lớn nên năm nào địa phương cũng đặc biệt chú trọng, từ khâu chuẩn bị, tổ chức cũng như bảo đảm về an ninh, trật tự.

Đến nay, các hoạt động lễ hội đình làng Hải Châu về cơ bản đã được thông qua, trên cơ sở những chương trình đã triển khai trong nhiều năm trước. Lễ hội năm nay sẽ được tổ chức từ mồng 8 đến mồng 10 tháng 3 âm lịch (nhằm ngày 14 đến 16-4) với hai phần chính là phần lễ và phần hội.

Phần lễ diễn ra trang nghiêm với lễ vọng và lễ chánh tế. Lễ vọng là lễ cúng cô hồn. Lễ chánh tế là lễ cúng Thành hoàng, các vị Tiền hiền, Hậu hiền của làng. Đội hình chánh bái, bồi bái do các lão cao niên của phường Hải Châu 1 đứng ra thực hiện.

Bảo tồn để gìn giữ cho thế hệ sau

Là một hoạt động văn hóa đặc sắc, vừa giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” vừa thể hiện những suy nghĩ, lối sống văn minh, văn hóa trong đời sống hiện đại, năm nay lễ hội đình làng Hải Châu có nhiều nét mới.

Nổi bật là UBND quận Hải Châu lồng ghép tổ chức Hội thi cán bộ, công chức, viên chức toàn quận về chủ đề văn hóa, văn minh đô thị. Trong đó, kết hợp tuyên truyền nội dung Chỉ thị 43-CT/TU về “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Ngoài ra, phần hội sẽ diễn ra các hoạt động thể thao như: kéo co, nhảy bao bố, hát bội, dân ca…

Điểm khác biệt nữa của lễ hội đình làng Hải Châu năm 2016 đó là có thêm chương trình múa rối nước. Theo ông Võ Trường Anh, hiện tại địa phương đang làm việc với Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh về múa rối nước.

Mục đích của hoạt động này là phục vụ nhu cầu của du khách, người dân, trong đó đáng chú ý nhất là các em học sinh. Việc đưa tiết mục múa rối nước vào chương trình hoạt động năm nay nhằm mục đích giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ về việc kế thừa, giữ gìn các giá trị truyền thống của địa phương cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống đang bị mai một bởi cuộc sống hiện đại.

Bài và ảnh: ĐẠI BÌNH

.