.
NSƯT VIỆT ANH

Chạy trốn cô đơn

.

Hơn 30 năm theo nghiệp diễn, ở tuổi 58, NSƯT Việt Anh vẫn miệt mài làm nghề: đóng kịch, đóng phim, đi dạy... Ở vai trò nào ông cũng muốn chọn vị trí khiêm tốn nhất.

NSƯT Việt Anh (trái) trong phim truyền hình Tỷ phú tưng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
NSƯT Việt Anh (trái) trong phim truyền hình Tỷ phú tưng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Diễn như chơi, chơi như diễn

Khi nhắc đến điểm nổi bật nhất của NSƯT Việt Anh, giới nghệ sĩ cả nước ít khi nhắc đến vai diễn này, vở diễn khác mà lại nhắc đến lối diễn ngẫu hứng bậc nhất của ông. Nó là đặc điểm khác biệt để nhận diện giữa ông và những nghệ sĩ gạo cội khác cùng thời.

Trên sân khấu kịch Nhà hát nhỏ thành phố, mỗi đêm Việt Anh đều xuất hiện trong những vai phụ, nhỏ, ngắn nhưng luôn thu hút sự chú ý bởi sự tung hứng duyên dáng, ý nhị của mình.

Từ các vở như: Dư luận quần chúng, Dạ cổ hoài lang, Chuyện lạ, Lôi vũ, Tình 281, Rạo rực... đã hình thành nên tính cách diễn xuất độc đáo của Việt Anh. Khán giả thường rất hồi hộp vì ông cứ dẫn dắt nhân vật “quẹo chỗ này, dừng chỗ nọ, nhanh khúc này, chậm khúc kia”.

Đạo diễn Lê Hoàng từng nhận xét: “Việt Anh đọc mọi thứ trên đời, trừ kịch bản. Anh khoái nhất những gì ngắn mà hay. Những gì dài mà cũng hay thì anh đọc đoạn đầu, đọc đoạn cuối, sau đó 10 năm sau đọc đoạn giữa”.

Thật vậy, Việt Anh thừa nhận mình rất ghét những lời thoại dài dòng trên kịch bản. “Tôi thường chỉ nắm nội dung chính rồi tự biên tự diễn theo cách của mình. Khi có ánh đèn, khán giả, tôi lập tức bị kích thích và “phiêu” theo cảm xúc”, ông cho biết.

Nhiều bạn diễn cùng Việt Anh thấy ông làm nghề sao đơn giản, nhẹ nhàng quá đỗi! Khi họ trầy trật ngoài phim trường, mướt mồ hôi trên sàn tập thì ông cứ ở đâu đó, dửng dưng. Ấy thế mà ông lại khiến bạn diễn “đỡ không kịp” vì sự tung tẩy, biến hóa khôn lường trên sân khấu.

Để có được lối “diễn như chơi, chơi như diễn” là nhờ nền tảng văn hóa, trình độ, kiến thức thẩm mỹ nói chung và sự thông minh, nhạy bén của Việt Anh, nói như nhà báo Trác Thúy Miêu: “Sự ưu tú của người nghệ sĩ chân chính vượt khỏi mọi khuôn khổ định danh”.

Việt Anh nói rằng, ông có sự trải nghiệm, đủ bản lĩnh, tự tin, làm chủ sân khấu. Vì thế, sẽ không có chuyện ông phá nát vai diễn, chạy theo tiếng cười khán giả. Việt Anh cũng là số ít diễn viên luôn để mặt mộc khi vào vai diễn.

Ông cười ha hả bảo rằng mình may mắn khi không tốn nhiều chi phí cho việc mua son phấn, đồ hóa trang. Hằng đêm, người nghệ sĩ luôn mang “gương mặt vừa già, vừa xấu, nhiều nốt ruồi và cái đầu hói” lên sàn diễn, tự khắc những cơ mặt, nếp nhăn, ánh mắt gần như phản chiếu đầy đủ tâm trạng cần thiết của nhân vật.

Nghệ sĩ duy mỹ

Con đường vào nghệ thuật, cụ thể là kịch nói của Việt Anh cũng hồn nhiên: Đi thanh niên xung phong vào văn nghệ quần chúng, vào văn nghệ của quần chúng nửa chuyên nghiệp rồi vào sàn diễn hàn lâm, nghĩa là đóng kịch cổ điển.

Nhưng để được làm nghề lâu dài, ông phải “chiến đấu” quyết liệt. “Thời đó, tôi lao vào tất cả công việc, từ hậu trường đến sân khấu, từ diễn viên quần chúng đến biên đạo múa, diễn kịch câm..., miễn sao được đứng trên sân khấu, đắm mình dưới ánh đèn”, ông kể.

Cũng bởi Việt Anh là kẻ mơ mộng về sân khấu từ rất sớm. Ông còn nhớ khi xem các vai diễn của cố nghệ sĩ Thanh Nga, ông đã lờ mờ hình dung hình ảnh của mình trên sân khấu. Từ đó, trên đường đời nhiều va đập, nhiều lúc đói đến kiệt sức nhưng ông chưa bao giờ buông lơi mơ ước trở thành diễn viên.

Việt Anh chuyên đóng những vai nhỏ nhưng ông quan niệm: “Nhận vai nhỏ để làm nó lớn hơn, đóng vai nhỏ mà đóng hay mới là tài năng lớn”. Đó là cách Việt Anh đã sống và tỏa sáng với nghề 30 năm nay. Thành ra ông hay “cười” những diễn viên trẻ, mới vào nghề mà đã vội cho mình cái quyền “chảnh”, đòi hỏi được đóng vai chính, vai to.

“Nghệ thuật là mang cái chân - thiện - mỹ đến cho khán giả. Người nghệ sĩ phải sống đẹp, biết khiêm nhường và học hỏi và nhập vai bằng sự tinh khiết trong tâm hồn chứ đừng tính toán thiệt hơn”, ông chia sẻ. Giống như ông mê xem bóng đá nhưng rất ghét lối đá bóng thực dụng, Việt Anh cũng khó chịu với kiểu nghệ thuật nửa vời, nghĩa là diễn không được mà cố diễn, gồng, gượng, sống sượng.

“Người nghệ sĩ phải biết diễn nhưng trong diễn có thật, trong thật có diễn, phối hợp nhuần nhuyễn mới hiệu quả. Muốn vậy, chúng ta phải chịu khó học hỏi, quan sát, kể cả khi bạn là thiên tài”, lão nghệ sĩ đúc kết.

Việt Anh của tuổi già vẫn tận tụy với công việc: đóng kịch, đóng phim, đi dạy... Ở vai trò nào ông cũng muốn chọn một vị trí khiêm tốn nhất. Nhưng nếu không có ông, sân khấu, phim trường hay giảng đường sẽ rất buồn tẻ.

Có thời gian rảnh ông lại đi đá bóng, đọc sách, cà-phê. Việt Anh nói mình chỉ dành thời gian cho những hoạt động có ích chứ không dám rong chơi. Nhưng nghĩ cũng thật lạ, ở cái tuổi mà người ta nhàn nhã bên gia đình, con cháu thì Việt Anh vẫn chưa yên ổn.

Ông thường đội chiếc mũ bèn bẹt như cá trê, xách một cái túi nhàu nát và gương mặt lúc nào cũng đăm chiêu, ít nở nụ cười. Phía sau sự gồ ghề ấy là một tâm hồn nhạy cảm, yếu đuối, sống lặng lẽ qua nhiều mất mát.

Mơ một mái nhà

Làm nghề “mua vui” cho khán giả nhưng cuộc sống riêng của Việt Anh rất ít tiếng cười. Gần 10 năm sau khi chia tay với nghệ sĩ Phương Linh, con gái cũng theo mẹ sang Úc sinh sống, Việt Anh sống độc thân và trượt dài trên nỗi cô đơn.

“Cuộc chia tay nào cũng mênh mang buồn nhưng tôi không thể tự tay sắp xếp nỗi buồn giấu vào trong để tiếp tục vui sống. Tính tôi hay lo, hay nghĩ, đôi khi những điều rất vụn vặt nên gặm nhấm nỗi buồn dai dẳng”, ông tần ngần. Việt Anh vui với đời nghệ sĩ, dốc hết tâm sức cho nghiệp diễn, có lẽ cũng để quên đi những cô đơn trong cuộc sống thực tại.

Thấy ông sống một mình lặng lẽ trong căn phòng khách sạn, nhiều người không khỏi xót xa. “Thật ra tôi cũng mơ ước có một ngôi nhà nho nhỏ, có bếp nấu ăn cho ấm cúng và chỗ ngủ tươm tất nhưng tiền dành lo cho con gái.

Gần 10 năm nay, tôi đã quen với cảnh đi diễn rồi về khách sạn đặt lưng ngủ một mình”, ông thở dài. Việt Anh thú thật mình đã từng yêu nhưng cú sốc về hôn nhân đổ vỡ khiến ông cứ e dè rồi chẳng có mối tình nào trọn vẹn. Mái nhà hạnh phúc cứ thế xa tầm tay.

Mới đây, ông tiết lộ mình đã có bạn gái: “Đó là người kém tôi 18 tuổi, độc thân, nuôi 3 con nhỏ và là cô giáo dạy piano của con gái tôi. Chúng tôi tìm thấy sự đồng cảm và chia sẻ nhiều nỗi niềm trong cuộc sống”. Khi được hỏi về chuyện kết hôn, ông cười: “Già rồi, sống với nhau bằng cái tình cái nghĩa chứ phô trương làm gì”.

Nói vậy thôi, chứ Việt Anh vẫn còn một niềm vui và hy vọng to lớn hơn cả “người bạn đời” là cô con gái ở Úc. “Tôi muốn bù đắp cho con khi sớm phải sống xa cha. Tiền bạc có thể không quan trọng bằng tình cảm nhưng đó là tiền tôi dành dụm thì con tôi sẽ hiểu giá trị và tình cảm của tôi”.

PHƯƠNG NGUYÊN

;
.
.
.
.
.